Tuy còn hơn một tháng nữa mới tới Tết nhưng vấn đề lương, thưởng đã được các doanh nghiệp quan tâm. So với mọi năm tiền thưởng Tết công nhân năm nay có phần eo hẹp hơn, tuy nhiên khối dịch vụ tài chính ngân hàng lại có mức thưởng lớn.
Bà Nguyễn Ngọc Cẩm Tú, Trưởng phòng kế hoạch - Công ty Tân Phú Cường, cho biết, công ty đã có kế hoạch thưởng Tết cho công nhân cách đây 1 tháng. Tiền thưởng Tết được tính theo công thức lấy quỹ lương của công nhân trong năm chia đều 12 tháng. Như vậy, với mức thu nhập bình quân mỗi công nhân hiện nay khoảng 1,4 triệu đồng/tháng, mỗi công nhân nhận được khoản tiền thưởng gần 1 triệu đồng. Đây cũng chính là thưởng tháng 13. Theo bà Tú, mặc dù đã cố gắng nhưng công ty cũng chỉ lo được như vậy. Lý do, năm nay đơn hàng xuất khẩu có nhưng công nhân luôn biến động khiến nhiều hợp đồng bị ảnh hưởng, thậm chí phải bồi thường.
![]() |
Doanh nghiệp dệt may, da giày mong lo được thưởng Tết cho công nhân bằng với mọi năm. Ảnh: T.V. |
Ông Bùi Quang Lanh, Giám đốc Công ty Phân lân Văn Điển, cho hay, đến Tết mỗi cán bộ công nhân viên chỉ được phong bì tượng trưng khoảng 200.000 đồng bởi tiền thưởng được chia đều vào lương trong các tháng, trung bình 3,5 triệu đồng, có người 8-9 triệu đồng. Quan niệm của lãnh đạo công ty là ngày Tết ăn chơi hưởng nhiều thì vô lý, nên để lương trong năm cao cho người lao động phấn khởi, hơn thế tiền không tập trung vào một dịp khiến mọi người có ý thức tiết kiệm hơn.
Nhìn chung các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thưởng Tết ít hơn trước do năm nay làm ăn khó khăn hơn. Eo hẹp nhất là các doanh nghiệp ngành thép. Hơn 9.000 cán bộ công nhân Nhà máy thép Thái Nguyên chắc chắn không có thưởng Tết bởi tháng lương thứ 12 còn không đủ, năm nay lương trung bình toàn nhà máy đạt khoảng 1,5 triệu đồng/người mỗi tháng, bằng 2/3 so với năm ngoái. Thép tiêu thụ những tháng cuối năm chậm, giá lại xuống khiến công ty phải trích tiền thưởng từ quỹ lương. Phó tổng giám đốc Hoàng Văn Tòng cho hay mỗi người được khoảng 200.000 đồng, ít như vậy song ai cũng biết hoàn cảnh nhà máy đang khó khăn nên không kêu ca phàn nàn gì. Năm ngoái, người lao động ở nhà máy này vẫn được hưởng tháng lương thứ 13.
Ngành giày vấp phải vụ kiện bán phá giá giày ở thị trường EU, dù các doanh nghiệp không muốn "thua chị kém em", cố gắng lo cho nhân viên và công nhân của mình một cái Tết tươm tất, song nhiều đơn vị vẫn "lực bất tòng tâm". Giám đốc Công ty TNHH sản xuất giày Liên Anh, bà Trương Thị Thúy Liên cho biết: "Do tác động của vụ kiện bán phá giá giày mũ da, đời sống của công nhân đã rất khó khăn. Đơn hàng ít đi, công nhân không làm thêm được nên không có thu nhập tăng ca như trước đây. Nếu cúp luôn thưởng thì anh em ăn Tết ra sao? Dù khó khăn, công ty chúng tôi cũng quyết định tự "rút ruột" ra để mà thưởng Tết cho anh em", bà Liên chia sẻ.
Tuy nhiên, dù muốn Liên Anh cũng không thể tăng thưởng cho công nhân mà chỉ cố gắng duy trì mức tiền thưởng như năm ngoái. Theo đó, mức thưởng sẽ dao động trong khoảng 50.000-60.000 đồng/tháng tùy bậc lương. Người nào làm đủ 12 tháng thì sẽ hưởng trọn 100% tiền thưởng cộng thêm phụ cấp. Đối với những người quản lý, mức thưởng cũng tương tự so với công nhân nhưng có thêm phần thưởng riêng của ban giám đốc công ty tùy theo hiệu quả công việc họ bỏ ra. Theo bà Liên, vụ kiện giày mũ da đã khiến Liên Anh mất khoảng hơn 50% đơn hàng. Đây cũng là một trong những lý do khiến công ty không thể tăng tiền thưởng Tết cho người lao động.
Cùng chung cảnh ngộ với Liên Anh, ông Diệp Thành Kiệt, Giám đốc Công ty dệt may da giày xuất khẩu Sài Gòn (Wec Saigon), cho biết, theo kế hoạch, toàn bộ công nhân Wec Saigon sẽ được nhận tháng lương 13, cộng thêm một khoản tiền phúc lợi tính theo thời gian làm việc trong năm. Cách thưởng của công ty được xếp theo các mức A (giỏi), B (khá), C (trung bình) và kém. Thường thì rất ít công nhân đạt được loại giỏi vì đôi khi họ vấp phải những lý do khách quan, do đó, ông Kiệt cho biết, công nhân đạt xếp hạng loại B sẽ được hưởng 100% mức lương tháng 13, loại C là 70%, kém là 50%. Và tất cả công nhân đều được hưởng phúc lợi của công ty.
Trái với không khí trầm lắng của khối sản xuất, khu vực dịch vụ tài chính ngân hàng có mức thưởng Tết rất lớn. Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VP Bank, cho biết năm nay tất cả các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng đều tăng trên 40%. Thưởng Tết dự kiến khoảng 5-7 tháng lương kinh doanh (ít nhất 10 triệu đồng/người), ngân hàng cũng dự kiến chia cổ tức trên 20%. Trong 2-3 năm gần đây các ngân hàng này luôn có mức thưởng cao như vậy.
Doanh nghiệp mỗi nơi chế độ thưởng mỗi khác, cơ quan quản lý tuy không can thiệp sâu song cũng có trách nhiệm theo dõi việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động Tiền lương, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, cho rằng, để tránh tình trạng tranh chấp lao động xảy ra trong dịp cuối năm, Sở đã gửi công văn đến doanh nghiệp thông báo thời hạn cuối cùng để báo cáo kế hoạch trả lương thưởng là 15/12. Nhưng đến nay mới chỉ có một vài đơn vị gửi kế hoạch về Sở.
Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội, cho biết, các doanh nghiệp chỉ phải thông báo bảng lương cho Sở, còn tiền thưởng Tết không phải báo cáo. Tuy nhiên, trong thỏa ước lao động hay hợp đồng đều có đề cập rõ tiền thưởng, trường hợp công ty làm không đúng cam kết, người lao động có thể phản ánh về Sở để nhờ can thiệp.
Nhóm phóng viên
▪ Doanh nghiệp dệt may VN tham gia hội chợ tại Đức (19/12/2005)
▪ Ngày đầu thay côngtơ điện tử: Chưa thể triển khai rộng (20/12/2005)
▪ Tăng phí vào sân bay Tân Sơn Nhất từ 3 đến hơn 20 lần (20/12/2005)
▪ Vừa sửa đã lạc hậu (20/12/2005)
▪ Chợ 'hàng bay' (20/12/2005)
▪ Chợ cố chen chân với siêu thị (20/12/2005)
▪ Vỏ bia chai bị đánh thuế, vỏ bia lon được miễn (20/12/2005)
▪ 300 gian hàng dự Saigon Expo 2005 (17/12/2005)
▪ Hệ lụy từ đầu tư tràn lan (20/12/2005)
▪ Sẽ thanh tra 3 dự án trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải (19/12/2005)