Bộ Thương mại vừa kiến nghị Chính phủ cho nhập thêm 40.000 tấn đường thô để sản xuất đường tinh luyện nhằm đảm bảo sản xuất chế biến trong tháng 9. Đây được coi là biện pháp tiếp theo trước việc giá trong nước leo thang và nguy cơ cung không đáp ứng đủ cầu đang lớn dần.
Năm 2006, cả nước sẽ thiếu khoảng 150.000 tấn đường. |
Bảo hộ doanh nghiệp trong nước, Hiệp hội Mía đường VN nhiều lần kiến nghị không cấp thêm giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, trước cơn sốt giá, đường lậu lan tràn và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, Bộ Thương mại vừa quyết định kiến nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp nhập đường thô để sản xuất đường trắng. Trong trường hợp các đơn vị không nhập đường thô, sẽ cho nhập 30.000 tấn đường tinh luyện (RE) để tiêu dùng trong nước.
Theo Hiệp hội Mía đường VN, so với mức giá tối thiểu định hướng ban đầu (đường thô 3.500-3.700 đồng/kg, đường RS 4.000-4.300 đồng/kg và đường RE 4.500-4.700 đồng/kg), đến nay giá các loại đường đã tăng gấp đôi. Có thời điểm giá đường lên mức 9.000 đồng/kg và đây là mức giá cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, còn khoảng 1 tháng nữa, cả nước mới bước vào vụ thu hoạch mới nên dự báo, từ nay tới đầu tháng 10, giá đường trong nước sẽ vẫn đứng ở mức cao.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hiệp hội mía đường VN, cho rằng, từ năm 2000 đến nay, về cơ bản các doanh nghiệp đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước với trên 1 triệu tấn đường/năm, chấm dứt tình trạng hằng năm phải bỏ hàng trăm triệu USD để nhập đường.
Tuy nhiên, theo ông Tam, do ngành mía đường VN vẫn còn non yếu nhiều mặt và đang chịu tác động rủi ro rất lớn bởi yếu tố thời tiết. Do vậy, lượng đường hiện có sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong thời điểm giáp vụ. Trong tháng 9 và 10, nhu cầu tiêu dùng sẽ vào khoảng 190.000 tấn trong khi đó lượng hàng tồn kho tại các nhà máy và đường sản xuất từ vùng mía sớm ở đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có khoảng 150.000 tấn. "Khả năng thiếu hụt đường tinh luyện để chế biến thực phẩm như bánh kẹo đồ uống là rất lớn, do vậy, không còn cách nào khác là thực hiện giải pháp cho nhập khẩu đường", ông Tam nói.
Đồng tình với quan điểm này, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH mía đường Bourbon Tây Ninh Eric Leleu cho rằng, khi VN gia nhập WTO, chính sách bảo hộ không còn thì chuyện nhập đường hay không sẽ phải tuân thủ theo cân đối cung cầu của thị trường. Theo ông, hiện Thái Lan là nước duy nhất xuất khẩu đường đều đặn ở châu Á với số lượng xuất khẩu lên đến 70% sản lượng. Còn các nước khác vẫn thực hiện việc nhập khẩu khi các doanh nghiệp trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. "Có thể coi WTO giống như một câu lạc bộ với các luật lệ đã định sẵn, về lý thuyết các nhà buôn hoặc các khách hàng công nghiệp sẽ tự do nhập khẩu hoặc xuất khẩu đường", ông nói.
Ông Lê Văn Tam cũng thừa nhận, do việc kiểm soát đường biên giới chưa được nghiêm ngặt khiến lượng đường nhập lậu hằng năm tăng lên đáng kể khiến giá đường trong nước luôn biến động, không thể bình ổn nổi. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước chưa được chủ động nhập khẩu theo đường chính ngạch và chỉ khi nào giá đường trong nước tăng cao thì mới cấp phép nhập khẩu. "Điều này vô hình trung tạo cơ hội cho một số đơn vị lợi dụng để đầu cơ tăng giá gây tâm lý thấp thỏm không ổn định của người trồng mía cả nhà máy đường và người làm thương mại", ông nói.
Lý giải về việc trước đó, Hiệp hội mía đường VN vẫn giữ quan điểm không cho nhập khẩu đường để bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất, ông Lê Văn Tam cho rằng, do hạn hán kéo dài làm sản lượng mía niên vụ 2005-2006 sụt giảm khoảng 200.000 tấn. Do vậy, không còn cách nào khác là cho phép nhập khẩu đường. Tuy nhiên, theo ông Tam để đảm bảo quyền lợi giữa các bên, việc nhập khẩu đường cần được tổ chức chặt chẽ và nên tập trung vào những doanh nghiệp đầu mối.
Tại cuộc họp ngành mía đường vừa tổ chức gần đây nhất, Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ cũng nhận định, tình trạng thiếu đường trong nước còn kéo dài do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, đường lại là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là hàng tiêu dùng. Ông dự kiến, sang năm, lượng đường thiếu hụt ít nhất cũng vào khoảng 150.000-200.000 tấn.
Theo ông, niên vụ vừa qua, do hạn hán kéo dài, VN mất khoảng 150.000 tấn đường, đó là chưa kể, diện tích mía nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp (khoảng 300.000 ha) do các tỉnh ồ ạt xây dựng các khu công nghiệp. Sự thiếu hụt đường, cộng với giá đường thế giới phập phù, là nguyên nhân khiến giá đường trong nước tăng cao, tới 48% (so với mức 15,4% mức tăng của giá đường thế giới). "Tuy tình trạng khan hiếm đường không xảy ra, nhưng đã dẫn tới thiếu đường cục bộ tại các địa phương", ông Ruệ nói.
Điều này buộc Chính phủ phải đồng ý cấp phép để các doanh nghiệp nhập khẩu đường khoảng 92.000 tấn. "Nếu khan hiếm thực sự chúng ta phải tính đến bước giảm thuế nhập khẩu, nhưng theo tôi, điều này là không thể xảy ra", ông Ruệ nhấn mạnh.
Vấn đề bức xúc nhất hiện nay theo ông Ruệ vẫn là phải kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối. Bởi nghịch lý hiện nay là, cứ lúc nào thiếu hụt nguồn cung thì VN mới quan tâm đến vấn đề này. "Ngay cả việc nhập khẩu đường như thế nào? Lượng bao nhiêu và để làm gì? Chính phủ cũng cần kiểm soát chặt để tránh trường hợp "người ăn không hết người lần chẳng ra", ông Ruệ nhấn mạnh.
Minh Khuyên
▪ Vụ côngtơ điện tử: Triệu tập nhiều quan chức (09/09/2005)
▪ Quá hiếm công nghệ đột phá (09/09/2005)
▪ Khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh B: Phải đập bỏ nhiều hạng mục (09/09/2005)
▪ Đừng "vác mai đi đào" (09/09/2005)
▪ VN tăng trưởng 7,6% năm 2005 và 2006 (09/09/2005)
▪ Vietnam Airlines ngưng bán vé đi Mátxcơva để hỗ trợ Aeroflot (09/09/2005)
▪ Tăng vai trò kinh tế tư nhân (09/09/2005)
▪ Xuất khẩu đồ gỗ cả năm có thể vượt 1,5 tỷ USD (09/09/2005)
▪ Giá điều đã tăng trở lại 50-100USD/tấn (09/09/2005)
▪ "Quy chế thép" bị phản đối - vì sao? (09/09/2005)