Tôm sú chết - vòng quay khắc nghiệt
Các Website khác - 10/04/2006
ĐBSCL: Tôm sú chết - vòng quay khắc nghiệt
Vũ Đạt Tùng

Chết đủ kiểu, đủ cỡ, chết kéo dài và lan rộng... Đây là năm thứ ba liên tiếp, người dân ĐBSCL không làm chủ được cánh đồng tôm của mình. Mỗi năm, diện tích một nhiều thêm và danh sách người nuôi bị lún sâu vào nợ nần càng kéo dài hơn...

Một chủ ruộng tôm ở Cà Mau đang
vớt xác tôm chết.
Mùa tôm... chết

Bác Sáu Niệm - ở kinh Láng Tượng, ấp Tân Hoà, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước (Cà Mau), người được mệnh danh là lão làng trong nghề nuôi tôm sú ở Cà Mau - mở đầu câu chuyện: Dân nuôi tôm bây giờ có thêm một mùa mà không ngành nào có được: Mùa tôm chết". Theo thống kê của Sở Thuỷ sản Cà Mau, diện tích nuôi tôm 2006 chết đã lên đến gần 200.000/260.000ha của toàn tỉnh. Mức độ thiệt hại dao động từ 20-80%.

Không chỉ có Cà Mau, mà cả Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu... cũng đang đối mặt với mùa tôm chết. Tại Trà Vinh, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của phòng nông nghiệp - thuỷ sản các huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, hiện có 1.708 hộ nuôi tôm sú bị thiệt hại gần 78 triệu con giống (1.697ha).

Vòng quay khắc nghiệt đến bao giờ
Ông Phạm Văn Đức - Giám đốc Sở Thuỷ sản Cà Mau - đúc kết: "Liên tiếp 3 năm qua, tôm sú ở ĐBSCL cứ lảo đảo trong cái vòng xoáy ngày càng khắc nghiệt. Hết bệnh đầu vàng, lại đến đốm trắng, đỏ thân...".

Người nuôi thì như cay cú với cơn sốt đỏ đen, sau mỗi trận thua lại quyết định đặt cược cao lên để hòng gỡ vốn, mà bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chức năng về giải pháp kỹ thuật, lịch thời vụ, chất lượng con giống...

Một kỹ sư ở Trung tâm Khuyến ngư Cà Mau cho biết: "Nhiều hộ nuôi gối vụ, nhưng lại thiếu chú ý đến vệ sinh ao nuôi nên coi như ủ sẵn mầm bệnh, đến khi nuôi lại thả với mật độ quá dày".

Thạc sĩ Trần Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Sở Thuỷ sản Trà Vinh - xác định phần lớn tôm chết là do chất lượng con giống thấp. Theo thống kê, có chưa đầy 50% số tôm sú giống ở ĐBSCL chưa qua các khâu kiểm dịch.

Tuy nhiên, theo ngành thuỷ sản Bạc Liêu, kinh phí đầu tư nạo vét hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản hằng năm chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thực tế.

Không ai có thể phủ nhận "giá trị vàng" của con tôm sú trong chiến lược xuất khẩu thuỷ sản, nhưng biết đến bao giờ ngành thuỷ sản Việt Nam mới chấm dứt được nghịch cảnh đánh mất vàng ngay trong tầm tay của chính mình?