Liên doanh này có tỷ lệ vốn góp 50/50 để xây dựng một nhà máy sản xuất bia trị giá 45 triệu USD, chủ yếu là loại bia nhẹ cho phụ nữ. Trước đó, Vinamilk cũng đã liên doanh với Hãng Campina International Holding B.V của Hà Lan, một hãng sữa nổi tiếng thế giới để sản xuất một số nhãn hiệu sữa cao cấp của Hà Lan nhằm cung cấp cho phân khúc thị trường có thu nhập cao tại Việt Nam.
Ngay cả Tổng Công ty Rượu Bia và nước Giải khát (Sabeco) cũng đã ký hợp đồng liên kết với một tập đoàn bia hàng đầu của Mỹ để tiếp nhận khai thác các kinh nghiệm xây dựng hệ thống phân phối hiện đại tại thị trường trong nước, đưa sản phẩm của Sabeco vào hệ thống tiêu thụ quốc tế của đối tác, từng bước tiến tới hợp tác sản xuất một số nhãn hiệu bia nổi tiếng của Mỹ.
Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn đang nỗ lực tìm mọi cách mua nhãn hiệu cao cấp, hoặc liên doanh với các tập đoàn sở hữu các nhãn hiệu nổi tiếng quốc tế để tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất hàng cao cấp, cách thức quản lý, tổ chức hệ thống phân phối và tiếp thị…
Mới đây, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng đã ra nghị quyết trong năm nay phải mua 2-4 nhãn hiệu hàng nổi tiếng để sản xuất và phân phối trên thị trường nhằm đẩy nhanh việc chiếm lĩnh thị trường trong nước, qua đó khẳng định đẳng cấp sản xuất của mình.
Công ty Savico cũng vừa mua quyền sử dụng nhãn hiệu Pierre Cardin đối với thời trang nữ và trẻ em để sản xuất và kinh doanh tại thị trường nội địa. Trước đó, An Phước đã rất thành công khi từ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ không mấy ai biết đến đã mua lại thương hiệu Pierre Cardin đối với hàng thời trang nam, và đã biết phát triển dòng sản phẩm riêng của An Phước song song với Pierre Cardin, chiếm lĩnh thị trường thời trang cao cấp.
Các hình thức đầu tư đi tắt để sản xuất hàng cao cấp đang là khuynh hướng đầu tư mới hiện nay. Tuy nhiên, quá trình hợp tác này cũng cần có sự tỉnh táo vì cũng chỉ mới đây, liên doanh Vinamilk-Campina đã cáo bạch lỗ trong quý 4-2005 tới 24 tỷ đồng.
Mặc dù liên doanh này giải thích dự kiến năm nay cũng không lãi, chi phí tập trung vào quảng bá thương hiệu, đưa các sản phẩm mới như sữa tươi Campina, Yippee, Yogood… nên lỗ. Nhưng nhìn chung, tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước còn yếu vì vậy khi các liên doanh thua lỗ nặng thì phía Việt Nam sẽ mất vốn và bị chính phía nước ngoài thôn tính như đã từng xảy ra đối với một số doanh nghiệp trước đây.
|