'Xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 2,5 tỷ USD'
Các Website khác - 12/10/2005

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc về kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam năm nay, trong bối cảnh ngành này đang phải trải qua những khó khăn liên tiếp.

Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc.
- Có nhiều ý kiến cho rằng những diễn biến mới về cá basa ở thị trường Mỹ sẽ làm mất uy tín nghiêm trọng sản phẩm thủy sản Việt Nam, trước hết là ảnh hưởng tới mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD trong năm 2005 này. Ông nghĩ sao?

- Trước hết, tôi khẳng định chắc chắn sẽ đạt được chỉ tiêu 2,5 tỷ USD, thậm chí là hơn. Chỉ còn 600 triệu USD, bình quân 200 triệu USD/tháng cho 3 tháng cuối năm, trong đó tháng 10, 11 là những tháng thường có mức xuất khẩu lớn nhất trong nhiều năm gần đây. Năm 2005 này, tháng 8 và 9 đều đã đạt được khoảng 270 triệu USD, vì vậy nếu tháng 10, tháng 11 chỉ cần giữ được mức này thôi thì cũng dư sức “gánh” được cho tháng 12 - thường có mức xuất khẩu thấp hơn.

Việc hơn 100 tấn cá basa của Việt Nam vừa bị tiêu hủy tại thị trường Mỹ vì phát hiện nhiễm dư lượng kháng sinh Fluoroquinoles, theo tôi chỉ là sự vụ mang tính phần trăm rủi ro về thị trường xuất khẩu hiện nay, nước xuất khẩu nào cũng có thể gặp phải chứ không riêng chỉ Việt Nam. Khi hàng rào thuế quan được giảm đi hoặc bãi bỏ thì hàng rào phi thuế quan ngày càng được dựng cao lên ở các nước nhập khẩu lớn, đặc biệt là về yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường.

Tính phần trăm rủi ro đó còn có từ nguyên nhân chủ quan, chúng ta đặt ra những yêu cầu quản lý an toàn vệ sinh thủy sản nhưng khi thực hiện thì chưa được như mong muốn ở một thời điểm nào đó, ở một địa phương nào đó. Dự kiến vào ngày 15/10 tới, đoàn công tác của Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (Nafiqaved) sẽ sang làm việc với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (USFDA) và cơ quan liên quan của các bang, với mục tiêu tìm hiểu các quy định cụ thể, thông báo những tiến bộ trong quản lý, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không dung túng những hành vi vi phạm.

- Liên tiếp có những khó khăn ở thị trường Mỹ đối với mặt hàng tôm và cá tra, basa. Có nên đặt ra mục tiêu nhanh chóng thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, thưa Bộ trưởng?

- Với cơ cấu sản phẩm, vấn đề tồn tại hay không tồn tại, phát triển hay không phát triển của thủy sản Việt Nam trong thời gian tới phải là thay đổi phẩm cấp mặt hàng và tăng độ an toàn thực phẩm chứ không phải là thay đổi chủng loại mặt hàng. Không phải chúng ta lựa chọn bán con gì nữa, mà là cạnh tranh bằng cách bán rẻ hơn hàng cùng phẩm cấp và “sạch” hơn so với sản phẩm của các “đối thủ” đang và sẽ ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tìm được một cơ cấu thị trường ổn định, bền vững để tránh những thiệt hại lớn khi có những rủi ro như năm vừa rồi: hết kiện bán phá giá lại đến dư lượng kháng sinh.

Ngành thủy sản hết sức coi trọng công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, và bước đầu đã thành công ở một số thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi, Đông Âu thời gian vừa qua.

- Theo Bộ trưởng, cần có chính sách khuyến khích nào để tăng phẩm cấp và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm hàng thủy sản xuất khẩu?

- Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung: ưu đãi về vốn, về đầu tư công nghệ... Nhưng để có được sản phẩm thủy sản xuất khẩu tốt, có ưu thế cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu thì chính sách khuyến khích đó không những chỉ cần liên quan đến nhà chế biến mà còn cần đồng bộ đối với người nuôi trồng, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, nguồn nhân lực.

Ngoài ra, để có sản phẩm thủy sản xuất khẩu tốt thì bên cạnh chính sách khuyến khích, cần thiết phải có chính sách hạn chế, thậm chí là nghiêm cấm, liên quan đến an toàn vệ sinh, bơm chích tạp chất, gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kháng sinh và hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Chính sách khuyến khích là quan trọng, nhưng chính sách hạn chế cũng rất cần thiết cho mục tiêu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm - vấn đề sống còn của tương lai phát triển ngành thủy sản nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng.

- Vậy cụ thể cần có những chính sách hạn chế nào?

- Bộ Thủy sản vừa có tờ trình Thủ tướng về việc ban hành một số biện pháp cấp bách trong quản lý hóa chất kháng sinh dùng cho sản xuất thực phẩm có nguồn gốc động vật, với nội dung chính là nghiêm cấm sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh có tên trong danh mục cấm sử dụng do Bộ Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trong sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật; các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, sử dụng thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng cho sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật phải thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý hóa chất kháng sinh, trên nhãn phải ghi rõ không chứa các hóa chất kháng sinh cấm sử dụng và đối tượng sử dụng.

Các Bộ Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan, UBND các cấp phải tăng cường kiểm tra, thanh tra việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, sản xuất kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu; hướng dẫn nông dân thực hiện đi đôi với việc tìm kiếm, áp dụng các giải pháp thay thế kháng sinh cấm sử dụng, xây dựng vùng nuôi an toàn...

Ngay trong tuần này, Bộ Thủy sản sẽ họp bàn hai nội dung quan trọng về an toàn vệ sinh thực phẩm: quy phạm nuôi tốt và xây dựng vùng nuôi an toàn, với hạt nhân là mô hình quản lý cộng đồng để đưa phổ biến đại trà trong năm 2006.

(Theo TBKTVN)