Cần có một tổ chức xã hội chính danh cho những người dễ bị tổn thương
Báo Tiếng chuông - 25/03/2016
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của các cộng đồng, các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trong những năm gần đây đã lần lượt ra đời một số tổ chức xã hội mang tính cộng đồng, nhằm hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Hiện Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng đang phối hợp với một số các bộ, ngành, cơ quan liên quan đang xây dựng Đề án thành lập Hội những người dễ bị tổn thương. Dự án Quỹ Toàn cầu – Dự án thành phần VUSTA là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật, trong việc xây dựng Đề án thành lập Hội.

Trao đổi với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông, bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng – Trưởng Ban vận động Thành lập Hội cho biết, xuất phát ý tưởng từ Diễn đàn xã hội dân sự hợp tác phòng, chống AIDS (VCSPA). Từ góc độ cá nhân là quyền con người và góc độ của xã hội, nhằm giảm sự phân biệt, đối xử, tạo sự gắn kết trong cộng đồng, dự phòng, giảm các hệ lụy về y tế, xã hội, an ninh, trật tự, ban vận động hội thấy sự cần thiết thành lập hội để giúp bảo vệ, hỗ trợ những nhóm người này thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, giúp họ cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

 
 
Bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng – Trưởng ban vận động Thành lập Hội những người dễ bị tổn thương - Ảnh: Thùy Chi

 

Tổ chức hoạt động vì xã hội nhân đạo

Hội những người dễ bị tổn thương sẽ hoạt động theo hướng xã hội nhân đạo, tập hợp các tổ chức hợp pháp, các cộng đồng và cá nhân là những người dễ bi tổn thương trong xã hội, gồm: Người sống chung với HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV, người sử dụng ma túy, người lao động tình dục, người quan hệ tình dục đồng tính…

Ước tính hiện có khoảng hơn 200.000 người nghiện ma tuý, 30.000 – 70.000 người bán dâm, hơn 227.000 người nhiễm HIV, hơn 300.000 nam quan hệ đồng tính (MSM) và hàng chục nghìn người chuyển giới… Sự lan truyền của một số bệnh truyền nhiễm như HIV, lao, sốt rét đã phần nào phản ánh tính dễ bị tổn thương của một số nhóm xã hội.

Chính bệnh tật là tấm gương phản ánh tính dễ bị tổn thương về mặt xã hội của một số nhóm đặc thù trong xã hội. Nó cũng có thể là sợi dây giúp xác định một số nhóm dễ bị tổn thương, tạo ra hoặc làm tăng tính dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, người dễ tổn thương không phải là người bị tê liệt về mọi phương diện. Chính vì vậy, cần phát huy những tiềm năng, khả nang mà họ có. Từ năm 2007, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã hướng tạo ra một diễn đàn để xã hội dân sự có thể bày tỏ ý kiến, nâng cao năng lực, nhằm đóng góp một cách hiệu quả vào chương trình phòng, chống AIDS. 

Trong thời gian qua, vai trò của cộng đồng người dễ bị tổn thương đã được khẳng định, thông qua việc xây dựng hệ thống cộng đồng của Dự án thành phần VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu. Nhờ dự án, nhiều địa phương trong cả nước, nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, và nhiều địa phương khác... đã hình thành khá nhiều Tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) và đang tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Các tổ chức này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho những nhóm người dễ bị tổn thương phát triển kinh tế, tham gia lao động, học tập, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của bản thân và gia đình họ. Theo thời gian, các tổ chức mang tính cộng đồng này ngày càng thu hút được đông đảo hơn sự tham gia và ngày càng trở thành một trong những chỗ dựa đáng tin cậy của những người thuộc các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.  

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, các tổ chức cộng đồng này chủ yếu được hình thành trên cơ sở liên kết các cá nhân và các nhóm người có chung hoàn cảnh, hoạt động một cách một cách tự phát, riêng lẻ mà chưa có sự gắn kết chặt chẽ với nhau cũng như đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại, làm hạn chế kết quả, hiệu quả hỗ trợ, phục vụ những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội mà họ hướng tới.

Cần phải có một tổ chức xã hội chính danh

Từ thực tế hoạt động của các tổ chức cộng đồng riêng rẽ này, ngày càng cho thấy rõ hơn sự cần thiết phải có một tổ chức xã hội chính danh, có tư cách pháp nhân, đủ tầm, đủ tư cách đoàn kết, tập hợp các các nhân và các tổ chức cộng đồng đại diện cho những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội nói trên để giải quyết những vấn đề chung hơn, lớn hơn mà mỗi tổ chức cộng đồng nhỏ lẻ không thể giải quyết được hoặc giải quyết không có hiệu quả.

Theo bà Khuất Thị Hải Oanh, khi hội được thành lập, trong giai đoạn 5 năm (2016-2020), Hội những người dễ bị tổn thương sẽ tập trung các hoạt động xã hội, tích cực góp phần thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Đồng thời, đóng góp ý kiến thiết thực xây dựng báo cáo quốc gia về tiến độ Chương trình AIDS toàn cầu.

Bên cạnh đó, vận động người dân, nhất là thanh thiếu niên nhận thức rõ, hành động tích cực và áp dụng các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.

Liên kết các tổ chức, các cộng đồng và cá nhân những người dễ bị tổn thương (gồm các đối tượng nói ở trên), tập hợp các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của họ để phản ảnh, kiến nghị với các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm xem xét, giải quyết nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các nhóm đối tượng này.

Động viên, tuyên truyền, vận động những người dễ bị tổn thương khắc phục các biểu hiện mặc cảm, tự ti, để phấn đấu vươn lên, xây dựng cuộc sống lành mạnh, lạc quan, hòa nhập và trở thành những người có ích cho xã hội.

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cộng đồng và các nhân người dễ bị tổn thương chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, tích cực lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe, phấn đấu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bản thân, gia đình và đóng góp tích cực cho xã hội.

Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án được Nhà nước giao hoặc từ các tổ chức quốc tế, có liên quan đến phòng chống HIV, cai nghiện ma túy, phục hồi nhân phẩm cho người lao động tình dục, …phù hợp với tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ của Hội.

Phối hợp với các cơ quan chính quyền và đoàn thể ở các cấp trong các hoạt động phát triển như đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học, thông tin, truyền thông, tư vấn, trợ giúp pháp lý, giáo dục đồng đẳng…cho các cộng đồng người dễ bị tổn thương.

Hỗ trợ về tinh thần, vật chất các sáng kiến của hội viên trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện cuộc sống, cũng như phát triển nhân cách, tâm lý và hòa nhập xã hội của các nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội (HIV/AIDS; nghiện ma túy, người lao động tình dục, quan hệ đồng tính).

Đại diện cho hội viên, tham gia vận động chính sách và phản biện chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các cộng đồng và cá nhân người dễ bị tổn thương.

Vận động các cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước có nhiệt tình giúp đỡ, ủng hộ về tinh thần và vật chất cho việc thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến phát triển những cộng đồng người dễ bị tổn thương thuộc phạm vi tác động, ảnh hưởng của Hội.

Tuyên truyền, vận động người dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên nhận thức rõ và hành động tích cực trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống các tệ nạn xã hội: HIV/AIDS; ma túy, mãi dâm, quan hệ tình dục đồng tính …

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực có liên quan đến phòng chống HIV/AIDS, cai nghiện ma túy, mãi dâm, quan hệ đồng tính, phù hợp với tôn chỉ mục đích của Hội và với pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Trong thời gian tới, Ban vận động sẽ tiệp tục lấy ý kiến của các bộ, ban ngành, đoàn thể có liên quan và ý kiến của cộng đồng để hoàn thành đề án và điều kiện để thành lập hội. Hy vọng trong năm nay, việc thành lập sẽ được hoàn thành. Bà Khuất Thị Hải Oanh cho rằng, việc thành lập hội đòi hỏi một quá trình, không đơn giản chỉ là việc ra đời của hội, mà quan trọng là hội sẽ được phát triển như thế nào để có thể đáp ứng với tiêu chí, mục đích, tôn chỉ của hội, giúp bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương và giúp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.