Chủ nhà phải chủ động kê khai công trình vi phạm
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP, tính đến ngày 1-7-2004, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có hơn 65.000 trường hợp vi phạm xây dựng, bao gồm vi phạm xây dựng không phép và sai phép. Ông Nguyễn Tín Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Việc xét cho phép tồn tại công trình hay một phần của công trình xây dựng vi phạm được thực hiện vì quyền lợi của chủ đầu tư (chủ nhà), nên chủ đầu tư phải thực hiện kê khai và nộp bản kê khai cho UBND phường-xã, thị trấn để được xác nhận theo quy định. Thời điểm kết thúc việc kê khai là trước ngày 31-3-2006.
Theo quy định, nếu trước đây cơ quan Nhà nước nào ban hành quyết định xử lý vi phạm xây dựng thì nay phải ban hành quyết định điều chỉnh (theo Quyết định 207 của UBND TP tổ chức thực hiện Quyết định 39 của Chính phủ) để cho phép tồn tại công trình hay một phần công trình xây dựng vi phạm. Cũng theo hướng dẫn của Sở Xây dựng, nếu chủ đầu tư chưa nộp phạt theo quyết định xử lý vi phạm xây dựng trước đây thì nay vẫn phải thực hiện nộp phạt theo quy định, với số tiền ghi tại quyết định xử lý vi phạm trước đây.
UBND quận, huyện là đầu mối xử lý
Sau khi hoàn tất hồ sơ xin cho phép tồn tại công trình xây dựng vi phạm, chủ đầu tư nộp hồ sơ tại UBND phường, xã, thị trấn, nếu trước đó UBND phường, xã, thị trấn là cơ quan ra quyết định xử lý vi phạm. Nộp hồ sơ tại UBND quận, huyện, nếu công trình chưa có quyết định xử lý vi phạm của UBND quận, huyện, hoặc đã có quyết định xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền nhưng đến nay không còn thẩm quyền xử lý vi phạm.
Sở Xây dựng cũng quy định cụ thể trách nhiệm xử lý vi phạm của từng cấp như sau: Đối với UBND phường, xã: Phát rộng rãi biểu mẫu kê khai cho người dân, công bố công khai quy trình, chịu trách nhiệm xác nhận tính chính xác về thời điểm vi phạm xây dựng của chủ đầu tư trong bản kê khai. Ngoài ra, UBND quận, huyện sẽ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ của chủ đầu tư và tổ chức thực địa kiểm tra hiện trạng công trình xây dựng vi phạm, đồng thời xác nhận bản vẽ hiện trạng (theo mẫu).
Việc bảo đảm tính pháp lý khi xác nhận chính xác về thời điểm vi phạm xây dựng của chủ đầu tư trong bản kê khai là vấn đề được nhiều cán bộ quản lý đô thị quận, huyện đặt ra. Giải tỏa thắc mắc này, ông Nguyễn Tín Trung cho rằng: Ngoài việc chủ đầu tư đã cam đoan khi kê khai thì cán bộ chuyên trách phường, xã phải xác nhận thông tin từ khu phố, tổ dân phố để cơ sở xác nhận chính xác thời điểm chủ đầu tư bắt đầu hành vi vi phạm xây dựng.
Thời gian giải quyết hồ sơ xây dựng vi phạm là không quá 45 ngày đối với công trình nhà ở riêng lẻ và không quá 60 ngày đối với các công trình còn lại kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Sở Xây dựng cũng quy định: UBND phường, xã, thị trấn phải thống kê toàn bộ công trình xây dựng vi phạm đã kê khai và báo cáo về UBND quận, huyện trước ngày 30-6-2006.
Hồ sơ xin phép tồn tại công trình xây dựng vi phạm - Đơn xin phép tồn tại công trình vi phạm (theo mẫu). - Bản kê khai có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn (theo mẫu). - 2 bản vẽ hiện trạng công trình xây dựng (thể hiện họa đồ vị trí công trình, mặt bằng các tầng). - Bản sao các quyết định xử lý vi phạm xây dựng. - Biên lai đóng tiền phạt theo quyết định (nếu có). - Bản sao giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế xây dựng được duyệt kèm theo giấy phép (nếu có).
|
|