Hỏi: Nhà nước thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trong trường hợp nào?
Trả lời: Căn cứ vào quy định của Luật Đất đai 2003, Nhà nước thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trong các trường hợp sau:
1.Nhà nước sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế.
2. Sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả.
3. Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất.
4. Đất được giao không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.
5. Đất bị lấn, chiếm trong các trường hợp sau đây:
a) Đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm;
b) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm.
6. Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế.
7. Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất.
8. Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
9. Hết thời hạn mà không được gia hạn sử dụng đất đối với đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn.
10. Đất trồng cây hằng năm mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liền.
11. Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.
..........................................................
Các loại đất để bồi thường khi hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất
Hỏi: Hộ gia đình cá nhân bị thu hồi đất được bồi thường bằng loại đất nào?
Trả lời: Theo quy định của Luật Đất đai 2003 thì:
1. Người bị thu hồi loại đất nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có mục đích sử dụng (thí dụ: thu hồi đất ở thì được bồi thường bằng đất ở, thu hồi đất nông nghiệp thì được bồi thường bằng đất nông nghiệp), nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất (quy thành tiền) tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.
2. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở mà người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở thì được bồi thường bằng nhà ở hoặc đất ở. Trường hợp không có khu tái định cư thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền và được ưu tiên mua hoặc thuê nhà ở thuộc sở hữu của nhà nước đối với khu vực đô thị; được bồi thường bằng đất ở đối với khu vực nông thôn, trường hợp giá trị quyền sử dụng đất ở bị thu hồi lớn hơn đất ở được bồi thường thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền đối với phần chênh lệch.
3. Trường hợp thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất mà không có đất bồi thường để tiếp tục sản xuất thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền, người bị thu hồi đất còn được Nhà nước hỗ trợ để ổn định đời sống, đào tạo chuyển đổi ngành nghề, bố trí việc làm mới và những hỗ trợ khác.
4. Trường hợp người bị thu hồi đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật thì phải trừ khoản tiền phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường, hỗ trợ để hoàn trả ngân sách nhà nước.
..........................................................
Lệ phí trước bạ đất ở
Hỏi: Khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì diện tích đất phải nộp lệ phí trước bạ sẽ tính như thế nào?
Trả lời: Căn cứ Thông tư số 28/2000/TT-BTC ngày 18-4-2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 176/1999/NĐ-CP ngày 21-12-1999 của Chính phủ về lệ phí trước bạ thì: diện tích đất chịu lệ phí trước bạ là toàn bộ diện tích đất trong khuôn viên thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải nộp lệ phí trước bạ toàn bộ diện tích trong khuôn viên của hộ gia đình, cá nhân. Đối với diện tích đất ở thì tính lệ phí trước bạ theo giá đất ở, diện tích đất vườn ao tính lệ phí trước bạ theo giá đất nông nghiệp.
..........................................................
Chia thừa kế cho con nuôi thế nào?
Hỏi: Vợ chồng tôi có môt diện tích nhà đất đã có sổ đỏ mang tên một mình tôi. Chồng tôi đã mất. Chúng tôi không có con đẻ chỉ có một người con nuôi. Chúng tôi đã hết lòng nuôi dưỡng chăm sóc, nhưng người con này đã không quan tâm chăm sóc tôi. Do phải sống một mình, kinh tế khó khăn nên tôi muốn bán nhà đất để lấy tiền dưỡng già thì bị người con nuôi ngăn cản. Anh ta có đơn gửi ra UBND xã và đòi được hưởng 1/2 nhà đất. Vậy yêu cầu của con nuôi tôi có đúng pháp luật không?
Trả lời: Điều 27 và 28 Luật Hôn nhân - Gia đình năm 2000 quy định: "Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra hoặc có được trong thời kỳ hôn nhân"... và "Vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung".
Đối chiếu với các điều luật trên, nhà và đất tuy đứng tên một mình bà, nhưng do được hai ông bà tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân nên được xác định là tài sản chung của hai ông bà, mỗi người được hưởng bằng nhau, có nghĩa là ông và bà mỗi người được hưởng một nửa nhà và đất.
Chồng bà mất không để lại di chúc. Theo quy định tại các Điều 678 và 679 Bộ luật Dân sự di sản của chồng bà được chia theo luật, bà và con nuôi mỗi người được hưởng 1/2 di sản của chồng bà. Tổng hợp lại, cả phần nhà đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của bà cộng với phần bà được hưởng thừa kế của chồng, bà được hưởng 3/4 nhà đất, còn người con nuôi được hưởng 1/4 nhà đất. Việc con nuôi bà cho rằng anh ta có quyền hưởng 1/2 nhà đất là trái pháp luật.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bà có quyền làm đơn đến UBND xã nơi có diện tích đất tranh chấp. UBND xã có quyền chủ trì hòa giải. Nếu không hòa giải được, bà có thể làm đơn khởi kiện xin chia thừa kế nhà đất mà chồng bà để lại đến tòa án nhân dân huyện, nơi có bất động sản để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, việc kiện tụng chỉ là giải pháp cuối cùng khi mọi nỗ lực hòa giải không có kết quả.
|