Theo thống kê năm 2000, cả nước có 1.533 trường hợp học sinh - sinh viên, giáo viên liên quan tới ma túy. Năm 2001, chỉ còn 1.376 trường hợp. Năm 2004, con số này là 600 người. Năm 2005, số đối tượng vi phạm vẫn tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2000.
Giảm...
Năm 2003 có lẽ là năm "nóng" nhất của ĐH Lâm nghiệp. Theo ông Phạm Xuân Hoàn, phó hiệu trưởng nhà trường, năm 2003 nhà trường có một SV vì chích ma túy quá liều đã tử vong, một SV bị đình chỉ học tập để đi cai nghiện, hai SV tại chức trả về địa phương do tái phạm. Tất nhiên, nhà trường đã phải áp dụng những biện pháp đấu tranh để "làm sạch" môi trường học đường. Tin mừng của năm 2005: không còn một cán bộ hoặc HS, SV nào của trường liên quan tới ma túy.
Nhiều địa bàn từng là điểm nóng" như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang...nay đã "giảm nhiệt". Quảng Ninh, năm 2000 có 27 trường hợp HS, SV liên quan tới ma túy, tới năm 2005 chỉ còn 8. Hải Phòng từng là nơi có 10 HS, SV bị ghi danh, nay không còn trường hợp nào. Đồng Nai với 65 trường hợp năm 2000, tới nay chỉ còn ba.
Trao đổi với cán bộ quản lý của các trường ĐH, CĐ - nơi tệ nạn ma túy hay tấn công giới trẻ - được biết, biện pháp đầu tiên "làm sạch môi trường học đường" thường được tiến hành ngay từ "đầu vào". Hầu hết các trường học, ngay khi nhận SV vào trường đều có đợt kiểm tra sức khỏe. Ngoài các biện pháp tuyên truyền phòng ngừa, nhà trường chú ý theo dõi và thử test với những cá nhân nghi sử dụng ma túy. Khi phát hiện có HS, SV liên quan tới tệ nạn này, các trường đều cho phép các HS, SV bảo lưu kết quả tuyển sinh và kết quả học tập, đi cai nghiện. Sau 1 năm nếu vẫn liên quan tới ma túy thì tiếp tục nghỉ để điều trị. Hết thời hạn trên nếu không dứt bỏ được tệ nạn thì nhà trường hủy bỏ kết quả bảo lưu, trả về địa phương. Các trường hợp tham gia buôn bán, tàng trữ ma túy bị buộc thôi học ngay lập tức.
... Nhưng chưa hết
Tỉnh miền núi Lai Châu, từ 2001 - 2005 đã phát hiện 8 HS và 46 GV có sử dụng ma túy. Có những nơi, như tại huyện Mường Tè, 2 GV tham gia buôn bán ma túy, 32 cán bộ GV và 6 HS sử dụng ma túy, 1 HS vận chuyển ma túy bị phát hiện. Và mặc dù đã được tạo điều kiện cai nghiện, song tới nay vẫn còn những thầy cô không đủ nghị lực chống lại sự cám dỗ của ma túy.
Thống kê lại những trường hợp vi phạm, ông Thái Văn Vinh, GĐ Sở GD-ĐT Lai Châu khẳng định: "Đây là những con số mà ngành nắm được. Trên thực tế, số HS các trường mắc vào tệ nạn này còn nhiều hơn"!
Thông thường, các HS,SV mắc nghiện thường tự động bỏ học. Và cũng có không ít trường đã "làm sạch" môi trường học đường bằng cách "trả" những cá nhân vi phạm về với... xã hội. Như vậy con số người nghiện hút trong học đường có giảm, nhưng lại tăng ở nơi khác.
Trở lại với con số thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Mặc dù năm 2004, số HS,SV liên quan tới ma túy chỉ còn 600 trường hợp, nhưng, chỉ sau 1 năm, năm 2005, hàng loạt các "động" lắc được phát hiện đã "đưa ra ánh sáng" một lượng lớn những HS,SV bị lôi kéo vào tệ nạn. Trong lúc nhiều nơi "giảm", thì tại một số địa bàn lại tăng như Sơn La (333 trường hợp), Nghệ An (104 trường hợp), Thái Nguyên (73 trường hợp)...
Tại những địa phương điều kiện kinh tế còn khó khăn, vốn là nơi vắng bóng ma túy những năm trước, tới nay, tệ nạn này đã xuất hiện. Quảng Bình từng không có trường hợp HS, SV GV nào liên quan tới ma túy (năm 2000), tới nay đã phát hiện được 13 trường hợp. "Đất học" Hà Nam chỉ có 12 trường hợp HS, SV sử dụng ma túy (năm 2000), tới 2005 đã tăng lên hơn 3 lần: 45 trường hợp.
Tại các thành phố lớn, chuyện lại tinh vi hơn. Số thanh niên nói chung và HS, SV nói riêng sử dụng các loại ma túy "mới" ngày càng đáng báo động. Tại Hà Nội, từ năm 2000 đến nay, trong số 326 đối tượng bị cơ quan chức năng bắt giữ, có 8 HS và 22 SV. Thống kê của ngành giáo dục – đào tạo tại TP Hồ Chí Minh, năm 2005, toàn thành phố không có HS, SV nào liên quan tới ma túy. Vậy nhưng, trong hàng trăm đối tượng bị bắt giữ của những "động lắc", có quá nửa đang ở độ tuổi tới trường. Bao nhiêu phần trăm trong số này là HS, SV?
Đánh giá về kết quả công tác phối hợp phòng chống ma túy trong trường học giai đoạn 2001 -2005, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định: "Tuy số HS, SV, GV nghiện ma túy và liên quan tới ma túy giảm nhưng chưa có cơ sở vững chắc bảo đảm sự ổn định, bền vững".
Thực tế đã chứng minh điều này. Một số ngành, một số địa phương vẫn chưa làm hết trách nhiệm, chưa tích cực, thiếu kiên quyết, thậm chí có tư tưởng giao khoán cho lực lượng chuyên trách. Trong khi đó, công tác quản lý HS, SV, nhất là những HS, SV ngoại trú với số lượng lớn, đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, và xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp độc tố cao, gây nghiện nhanh, dễ sử dụng, khó phát hiện lại đang rất phát triển trong giới trẻ nói chung và HS, SV nói riêng.
Khi công tác phòng chống vẫn trong tình trạng "ở đâu biết ở đó", thì kết quả "giảm" có thể chỉ là "ảo" trên giấy tờ. Còn loại trừ ma túy trong học đường vẫn như "bắt cóc bỏ... sang đĩa khác".
|