Trộm cước viễn thông: Thiệt hại hàng trăm tỉ đồng
Các Website khác - 07/03/2006
Nạn trộm cước viễn thông:
Nhà nước thiệt hại hàng trăm tỉ đồng
Phạm Anh

Theo Thanh tra Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT), chỉ cuối năm 2005, đầu năm 2006 đã liên tiếp xảy ra các vụ trộm cước viễn thông (TCVT) tại Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn trên toàn quốc.

Hồ Tùng Đức (dấu x) bị bắt giam vì
trộm cước viễn thông.
Quy mô lớn - thủ đoạn tinh vi
Cuối năm 2005 tại Hải Phòng, các cơ quan chức năng phát hiện vụ TCVT với quy mô lớn và mức độ tinh vi đến không ngờ. Tại điểm kinh doanh 197 Tô Hiệu, ông Ngô Văn Thông lắp điện thoại (ĐT) cố định và đường truyền Internet tốc độ cao rồi để cho Hoàng Văn Long trực tiếp thực hiện TCVT.

Tại đây, Long lắp 2 thiết bị DHF rồi thiết kế 24 đường ra để khai thác các cuộc gọi quốc tế thông qua mạng Viettel. Được mã hoá bằng thiết bị DHF, các cuộc gọi đã "chui" qua đường Internet rồi được giải mã thành cuộc gọi trong nước và nội vùng; trong khi đó chính Viettel phải chịu cước các cuộc gọi quốc tế này.

Chưa hết, họ hàng nhà Thông còn mở rộng mạng lưới này tại 3 điểm khác. Sau 1 năm kinh doanh, số tiền mà Viettel tổn thất lên đến vài tỉ đồng. Một thủ đoạn khác mà bọn tội phạm Việt Hùng (trú tại Côn Minh - Trung Quốc), Xuân Vạn, Kim Lan (trú tại Lào Cai) áp dụng là lợi dụng sóng ĐT di động VN trùm sang địa phận Trung Quốc để TCVT quốc tế.

Cũng với phương pháp mã hoá các cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước hoặc nội vùng, bọn chúng đã trốn cước với thời gian liên lạc lên đến gần 2,5 triệu phút. Theo tính toán, hơn 11 tỉ đồng là con số mà Tổng Cty BCVT VN (VNPT) thiệt hại.

Theo ông Trần Ngọc Tiếp - Phó Chánh Thanh tra Bộ BCVT - thì TCVT đã và đang áp dụng chủ yếu thông qua Internet, ăngten parabol hoặc trạm vệ tinh mặt đất VSAT... Bên cạnh đó, TCVT chủ yếu thực hiện đối với các cuộc gọi quốc tế, vì vậy thiệt hại luôn là số tiền rất lớn. Chỉ trong 5 năm qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 50 vụ TCVT, gây thất thoát của Nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Lỗ hổng khó bịt
Để hạn chế loại tội phạm này, VNPT đã đưa ra các biện pháp cơ bản, giúp hỗ trợ phát hiện TCVT; Bộ BCVT cũng khuyến cáo các DN dùng biện pháp kỹ thuật để hạn chế sóng di động trùm sang biên giới các nước. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa chứng tỏ hiệu quả.

Theo các chuyên gia: Qua phân tích các vụ án cho thấy, phương thức và phương tiện TCVT tinh vi gần đây chủ yếu vẫn thông qua Internet, thuê bao di động trả trước, các thiết bị hiện đại và đặc biệt là sóng di động trùm qua biên giới. Đây chính là những lỗ hổng chết người mà các DN cũng như ngành BCVT biết, song chưa bịt được.

Dù đây là loại tội phạm cũ, song bản thân DN và ngành BCVT cũng chưa có một cơ quan chuyên trách nào ngăn chặn hữu hiệu loại tội phạm này.

Ông Tiếp cho rằng, trong khi DN không chú trọng vào vấn đề này thì tội phạm lại tỏ ra rất chuyên nghiệp. Sự chênh lệch đó đã khiến các DN đang ở thế thua trong cuộc chiến này.