Chung quanh vấn đề này, Thượng tá Phạm Văn Phấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội) cho biết:
- Nghị định 108 vừa ban hành có một số nội dung mới theo hướng tạo điều kiện cho nhiều người dân ngoại tỉnh được ĐKHK ở thành phố. Tại điều 11 của Nghị định đã quy định rõ và chi tiết, đồng thời mở rộng khái niệm “nhà ở hợp pháp” trong việc áp dụng để làm hộ khẩu. Theo đó, khái niệm “nhà ở hợp pháp” hiểu một cách đơn giản là nhà có giấy tờ mua bán hợp lệ chứ không cần thiết phải có “sổ đỏ” như nhiều người vẫn nghĩ.
Đối với nhà được thừa kế, dù chưa hoàn thành thủ tục thừa kế, nhưng có đủ các giấy tờ chứng minh, thì được coi là nhà hợp pháp để ĐKHK. Điểm mới thứ hai, nếu như trước đây tại điều 12 của Nghị định 51 chỉ đề cập rất chung chung những thành phần được ĐKHK thì ở Nghị định 108 đã cụ thể hoá và mở rộng những thành phần được ĐKHK thường trú tại thành phố. Đó là tất cả những người có nhà hợp pháp và thời gian cư trú ba năm liên tục trở lên.
* Với những quy định mới về ĐKHK, Hà Nội hiện sẽ có khoảng bao nhiêu hộ dân diện KT3 đủ điều kiện để được ĐKHK, thưa ông?
- Thông qua đợt tổng kiểm tra hộ khẩu trên toàn thành phố (từ ngày 10-10 đến 25-10-2005) vừa qua, chúng tôi đã thống kê được khoảng 200 nghìn hộ thuộc diện KT3 đang có nhu cầu ĐKHK tại Hà Nội, nhưng trong số này thì chỉ khoảng hơn 100 nghìn hộ đủ các tiêu chuẩn và điều kiện được ĐKHK theo NĐ 108. Số còn lại chưa đủ điều kiện, do không có nhà ở hợp pháp hoặc chưa đủ thời gian cư trú.
* Các thành phố lớn thường lấy hộ khẩu như một biện pháp để hạn chế số người nhập cư. Khi thực hiện Nghị định 108, liệu Hà Nội có đưa ra các quy định riêng hay đặc thù nào để hạn chế việc ĐKHK của người dân ngoại tỉnh không?
- Thủ đô Hà Nội cũng như một số thành phố lớn khác do sức ép về mật độ dân cư cao, trong khi hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng nổi, nên có những đòi hỏi đặc thù của mình. Nhưng lần này, Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc NĐ 108/CP và Thông tư hướng dẫn số 11 của Bộ Công an. Có nghĩa là Hà Nội không đặt ra một quy định đặc thù riêng nào.
Tất cả những trường hợp có đủ điều kiện theo NĐ 108/CP thì được ĐKHK tại Hà Nội. Theo dự đoán của chúng tôi, thực hiện ĐKHK theo quy định mới, dân số của Hà Nội sẽ tăng.
Bởi với các điều kiện được mở rộng như trong NĐ 108, chắc chắn số người từ các tỉnh về Hà Nội mua nhà và cư trú sẽ tăng hơn so với tốc độ hiện nay.
Điều kiện thời gian cư trú ba năm trở lên áp dụng cho mọi đối tượng. Riêng đối tượng là công chức chia làm hai loại: Một là đối tượng nằm trong biên chế Nhà nước và hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước thì được ĐKHK ngay. Còn đối tượng làm trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước mà có hợp đồng không thời hạn nếu có nhà hợp pháp của mình hoặc thuê nhà của cơ quan quản lý nhà thì cũng được giải quyết ĐKHK ngay. Nếu không có điều kiện thứ hai thì phải có thêm điều kiện như đối tượng KT3 (là bao giờ anh có nhà hợp pháp) thì mới được ĐKHK.
* Cụ thể, Hà Nội sẽ triển khai thực hiện Nghị định 108 như thế nào? Có sự cải cách thủ tục hành chính trong ĐKHK cho người dân không?
- Để bảo đảm việc ĐKHK theo quy định mới được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao, Công an TP Hà Nội đã cụ thể hoá Thông tư hướng dẫn số 11 của Bộ Công an bằng Kế hoạch 89 (ngày 8-11-2005), về triển khai thực hiện NĐ108/CP. Theo đó, chúng tôi đã tiến hành tập huấn cho các cán bộ công an làm công tác hộ khẩu trong toàn thành phố từ quận, huyện đến phường, xã. Tiến hành tuyên truyền rộng rãi và niêm yết công khai các quy định mới để mọi người dân biết.
Tùy theo từng nhóm đối tượng được ĐKHK, chúng tôi có quy định thời gian giải quyết và trả kết quả. Cụ thể, đối với trường hợp trẻ em mới sinh và trường hợp điều chỉnh, thay đổi về nhân khẩu và hộ khẩu thì thời gian giải quyết và trả kết quả tối đa không quá năm ngày; đối với các trường hợp khác là không quá 10 ngày (không tính ngày nghỉ, ngày lễ).
Về quy trình tiếp nhận hồ sơ cũng có những cải tiến theo hướng giảm thời gian đi lại cho người dân đến ĐKHK. Trước đây, người dân đi ĐKHK tại quận, huyện thì công an quận, huyện thực hiện thẩm định và chuyển về Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội để đề xuất Giám đốc công an thành phố giải quyết. Nhưng nay thay đổi bằng cách rút gọn lại chỉ còn “một cửa”. Tất cả việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục đều do công an các quận, huyện mà trực tiếp là những cán bộ tiếp dân, còn việc xác minh thì giao cho lực lượng công an khu vực.
“Một cửa” trong việc giải quyết và trả kết quả còn thể hiện ở chỗ, nếu như trước đây nhận hồ sơ rồi mới nghiên cứu và kiểm tra, nhưng bây giờ khi nhận hồ sơ nếu thấy thiếu giấy tờ gì thì yêu cầu bổ sung một lần luôn, đủ mới tiếp nhận nhằm giảm thời gian đi lại cho người dân.
Chúng tôi sẽ quán triệt tinh thần sau: Thứ nhất, làm sao giảm được số lần đi lại của người dân bằng cách tiếp nhận và trả lời cho người dân luôn; Thứ hai, quy định rất ngặt nghèo về thời gian giải quyết và trả kết quả; Thứ ba, tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về thủ tục và điều kiện ĐKHK mới.
Đồng thời, yêu cầu công an các quận, huyện phải nắm được số người đủ điều kiện được ĐKHK theo quy định mới, để tăng cường lực lượng thực hiện đúng thời gian quy định của NĐ 108/CP đã ban hành.
* Xin cảm ơn ông.
(Tiền phong)
Trung Quốc tính chuyện bỏ hộ khẩu Theo tin từ báo chí Trung Quốc, nước này đang có kế hoạch bãi bỏ việc sử dụng hộ khẩu như một biện pháp kiểm soát tình trạng di dân từ nông thôn lên thành thị. Trước mắt, chính quyền 11 tỉnh, thành của Trung Quốc sẽ cho phép người nhập cư đăng ký cư trú như người đang có hộ khẩu và họ có quyền bình đẳng trong việc hưởng các quyền lợi nhà ở, giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Trung Quốc đưa ra khái niệm hộ khẩu từ thập niên 1950, buộc mọi người phải sinh sống ở nơi đăng ký nhân khẩu thường trú. Thậm chí trong nhiều năm đầu, việc đi ra khỏi nơi thường trú cũng phải xin phép một cách khó khăn. Chuyện hộ khẩu trên thực tế đã được nới lỏng trong 10 năm qua và ước tính có chừng 200 triệu nông dân đã rời bỏ ruộng đồng để kiếm việc làm ở các khu công nghiệp và chốn thị tứ. Càng ngày, khi người dân không còn dựa vào phiếu lương thực, y tế miễn phí hay trường học công lập thì hộ khẩu không còn đóng vai trò quan trọng như ngày trước. Tuy nhiên, chế độ hộ khẩu vẫn được duy trì cho mãi đến lần bãi bỏ thí điểm này. Tần Huệ, Giáo sư sử học của Đại học Thanh Hoa, cho rằng hộ khẩu “là cách quản lý lỗi thời đối với một nước rộng lớn và không còn ý nghĩa gì trong một nền kinh tế thị trường. Nếu thật sự bỏ được hộ khẩu, đây là một bước chuyển biến quan trọng”. Trung Quốc đã bàn đến chuyện bãi bỏ chế độ hộ khẩu từ Đại hội Đảng lần thứ 16 vào năm 2002. Trước đó, Thượng Hải đã lần đầu tiên đưa ra khái niệm “thẻ xanh” cấp cho công nhân nhập cư hội đủ một số điều kiện. Thật ra, cư dân ở những thành phố mới xây dựng như Thâm Quyến phần lớn là người từ nơi khác đến. Đến năm 2003, sau một vụ cảnh sát bắt giam một sinh viên nhập cư và đánh chết người này trong trại giam, sức ép của công luận buộc chính quyền Trung Quốc phải bỏ quy định bắt hồi hương những người nhập cư trái phép. Nay, với việc thí điểm bỏ hộ khẩu tại 11 tỉnh, thành trong tổng số 23 tỉnh trên cả nước, Trung Quốc muốn đẩy mạnh chính sách lấp dần khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị để tránh bất ổn xã hội. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích bình luận, dù bãi bỏ chế độ hộ khẩu, chính quyền các địa phương vẫn sẽ có biện pháp kiểm soát sự bùng nổ dân số để tránh các cụm dân cư ổ chuột tại các thành phố lớn. Họ cho rằng việc đăng ký cư trú ở các thành phố lớn vẫn sẽ bị hạn chế nhưng các thành phố cỡ vừa và các khu mới phát triển sẽ được nới lỏng nhiều hơn. Chẳng hạn ở Bắc Kinh, hiện có dân số khoảng 15 triệu người, hằng năm có thêm trên 300.000 dân nhập cư trong giai đoạn từ năm 2001-2004. Mặc dù mức tăng dân số cơ học này đã gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh, nhưng các biện pháp hạn chế như cấm người không có hộ khẩu cư trú tại thủ đô lại không được các nhà hoạt động xã hội ở Trung Quốc đồng tình. Hoàng Khắc Khắc, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu lịch sử thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội, nói: “Tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu mỗi khi nghe từ “dân nhập cư”. Dịch chuyển dân cư là một hiện tượng xã hội không thể tránh được xuất phát từ quy luật phát triển”. Một nhà nghiên cứu khác thì cho rằng sự hấp dẫn của Bắc Kinh đối với người nhập cư chứng tỏ tương lai phát triển của thành phố này. “Với một nước, một vùng hay một thành phố, nếu không ai muốn dọn đến ở thì chỉ có nghĩa nơi đó đã bắt đầu suy tàn”. Báo chí Trung Quốc cũng tham gia phong trào yêu cầu bỏ chế độ hộ khẩu khi đăng tải nhiều bài viết về nạn phân biệt giữa người có hộ khẩu và người không có hộ khẩu trong học hành, tuyển dụng và thậm chí trong việc đăng ký kết hôn. Thời báo kinh tế Sài Gòn
|
|