Đưa dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm vào "khuôn khổ"
Báo Tiếng chuông - 25/03/2016
Để phòng chống tệ nạn mại dâm, thời gian tới một số địa phương sẽ được lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của mô hình này có được như mong đợi không lại là điều đáng bàn.

Gom để quản lý

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sẽ chọn địa phương thí điểm mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Theo căn cứ mà chương trình đưa ra, với quy định hiện hành, mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, xét về mặt xã hội, người bán dâm là nhóm người dễ bị tổn thương (bị ngược đãi, bạo lực, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bị phân biệt đối xử, không tiếp cận được các dịch vụ y tế xã hội)…, do vậy cần thiết phải có các biện pháp, giải pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng tiến tới giảm thiểu tệ nạn mại dâm, giảm tác hại của mại dâm đối với cộng đồng và đối với chính người hoạt động mại dâm.

Theo ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, gom các ngành nghề kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội thành một khu riêng để dễ quản lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động về tiền lương, bảo hiểm, sức khỏe, y tế và nhiều vấn đề khác. Từ mô hình này, các tổ chức xã hội có thể cảm hóa người bán dâm, kéo họ về với cuộc sống bình thường thông qua trợ giúp tư vấn pháp lý, hỗ trợ việc làm. “Mục đích của việc tập trung các cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ "nhạy cảm" như khách sạn, quán bar, vũ trường, mát xa, xông hơi xoa bóp, karaoke, hớt tóc có tiếp viên nữ… vào một khu vực để tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước tốt hơn chứ không phải thừa nhận mại dâm. Nhà nước sẽ quản lý để đảm bảo quyền lợi cho người lao động làm việc tại các cơ sở này, họ sẽ phải được ký hợp đồng lao động và hưởng lương đầy đủ chứ không phải ký hợp đồng lao động theo hình thức như hiện nay, được bảo vệ khỏi bị bóc lột, được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và được chăm sóc sức khỏe về y tế. Đồng thời, việc tập trung cũng sẽ đảm bảo các vấn đề an ninh trật tự tại khu vực”, ông Quý lý giải.

Lấy ví dụ minh chứng việc các nước đã thực hiện thành công những mô hình quản lý tập trung dịch vụ nhạy cảm này, TS Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) cho biết, các nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan coi hoạt động mại dâm là một nghề hợp pháp. Ở các nước này, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng, có ranh giới rõ ràng giữa người mua dâm và người không mua dâm, giữa bán dâm và các nghề khác. Mại dâm chỉ dành cho một số đối tượng nhất định. Ai bước vào khu vực đèn đỏ sẽ phải cân nhắc. Người bán dâm phải đăng ký, được khám bệnh và có quyền từ chối quan hệ tình dục không an toàn, được pháp luật bảo vệ nếu bị bạo lực…

Ở nước ta hiện nay, việc mua dâm tràn lan gây lãng phí lớn, từ túi tiền cá nhân đến tiền công. Khi mại dâm lén lút thì “tảng băng chìm” sẽ rất lớn, dẫn đến tình trạng tội phạm như buôn bán phụ nữ, cưỡng ép phụ nữ hành nghề mại dâm, trong đó có cả trẻ em. Ngoài ra, bệnh tật không được kiểm soát thì chi phí điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV sẽ rất lớn, thậm chí theo cấp số nhân khi người nọ “bắc cầu” qua người kia.

Theo TS Đỗ Văn Quân (Viện Xã hội học), cũng giống như việc muốn bơi thì có thể phải uống nước, việc chấp nhận mại dâm sẽ gặp phải những phản đối gay gắt từ phía dư luận xã hội vì những tác động của nó. Tuy nhiên, nếu không làm thí điểm để có so sánh xem việc chấp nhận hơn hay cấm đoán hơn thì sẽ chẳng bao giờ chúng ta có được cách ứng xử phù hợp, sẽ càng rơi vào vòng luẩn quẩn, bất cập.

Quản lý ra sao?

Nhiều người tỏ ý băn khoăn rằng, hiện chúng ta cấm đoán mại dâm mà còn không kiểm soát nổi thì khi chấp nhận nó, liệu có làm cho xã hội bất ổn hơn, liệu có “vẽ đường cho hươu chạy”? Trước vấn đề này, TS Đỗ Văn Quân thẳng thắn nhìn nhận, nguyên tắc là chúng ta buộc chấp nhận mại dâm chứ không khuyến khích nó, thực hiện biện pháp quản lý để hướng đến mục tiêu phòng chống mại dâm. Do vậy, khi đã thực hiện thí điểm thì phải đánh thuế hoạt động này, phải có đăng ký hành nghề (về độ tuổi, về sự tự nguyện, an ninh trật tự, đảm bảo các quyền con người, về khám chữa bệnh, phòng ngừa không bị lây nhiễm bệnh liên quan đến đường tình dục…).

Đồng tình với ý kiến trên, TS Khuất Thu Hồng cho rằng: “Vẫn có thể thí điểm một mô hình hợp pháp hóa hoạt động mại dâm sau khi có những nghiên cứu toàn diện, thấu đáo ở nhiều góc độ xã hội, văn hóa, pháp lý. Hợp pháp hóa nó ở phạm vi nhỏ hẹp để quản lý, điều chỉnh cho phù hợp với các góc độ trên rồi từ đó có thể rút kinh nghiệm. Dễ hiểu hơn là cần lập những khu chuyên biệt như một số nước để làm dần dần. Tuy nhiên, quan điểm hợp pháp hóa dù thí điểm nhưng nếu không lường trước một số vấn đề liên quan như quy mô, tác động thì hậu quả xã hội sẽ rất xấu. Các nhà làm luật sẽ phải xét kỹ thời điểm, mức độ để có thể hợp pháp hóa hoạt động mại dâm. Vấn đề quan trọng nhất là về mặt quản lý xã hội hoạt động mại dâm như thế nào khi đã quy hoạch thí điểm các “phố đèn đỏ”.

Để chương trình thí điểm này đạt kết quả như mong muốn, theo TS Đỗ Văn Quân, trước hết, cần phải thay đổi nhận thức, thái độ trong xã hội về vấn đề này, đặc biệt là của các nhà quản lý, cơ quan có liên quan.  Đi kèm với đó phải có lộ trình thay đổi hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan; cũng như hàng loạt giải pháp mang tính tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “Chúng ta chọn địa phương là điểm nóng về mại dâm để thực hiện thí điểm, nếu thành công thì sẽ làm đại trà, ngược lại nếu thực tế không như mong đợi, khi đó nói đến chuyện cấm đoán cũng chưa muộn”. 

 

 Theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Sẽ xây dựng thử nghiệm 3 mô hình: 1- Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; 2- Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 3- Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới.