Dùng thư bảo lãnh thanh toán giả lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng
Các Website khác - 23/02/2006
Công an tỉnh Hưng Yên vừa khởi tố vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Kinh tế đối ngoại Thái Sơn. Bằng thủ đoạn dùng thư bảo lãnh thanh toán giả, Giám đốc công ty Hoàng Văn Nam đã chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng tiền hàng của Chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp  tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
Ngày 17-8-2005, Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp (ĐT&PTCN), trụ sở tại 121/11 Thái Hà, Đống Đa (Hà Nội), có tài khoản tại Ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam do Phó Giám đốc Nguyễn Kiêm Thành đại diện đã ký hợp đồng kinh tế số 85/HĐKT/INDECO với Công ty Cổ phần Kinh tế đối ngoại Thái Sơn (gọi tắt Công ty Thái Sơn), trụ sở tại Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên do Hoàng Văn Nam (còn gọi là Hoàng Phương Nam) làm giám đốc.

Nội dung hợp đồng ghi rõ Công ty ĐT&PTCN bán 200 tấn thép cốt bê tông do nhà máy thép Hoà Phát sản xuất cho công ty Thái Sơn. Nếu thanh toán chậm trả trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hàng thì Công ty Thái Sơn phải mở thư bảo lãnh của Ngân hàng để bảo đảm việc thanh toán cho toàn bộ giá trị tiền hàng chậm trả theo hợp đồng là 1,5 tỷ đồng. Bản gốc của bảo lãnh ngân hàng phải được gửi cho Công ty ĐT&PTCN khi hai bên tiến hành giao nhận hàng.

Nhằm chiếm đoạt toàn bộ số hàng nói trên, Hoàng Văn Nam đã tiến hành làm giả thư bảo lãnh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Văn Lâm (Hưng Yên) trong rất giống như thật, trong đó con dấu được vẽ bằng bút đỏ theo kiểu thủ công, chữ ký của Giám đốc ngân hàng cũng được bắt trước ký nhái rất tinh vi.

Nội dung thư bảo lãnh giả đề cập “Ngân hàng NN&PTNT huyện Văn Lâm xin được bảo lãnh thanh toán cho Công ty Thái Sơn số tiền tối đa 1,5 tỷ đồng như trong hợp đồng số 85/HĐKT/INDECO mà hai bên đã ký và sẽ có trách nhiệm thanh toán 1,5 tỷ đồng cho Công ty ĐT&PTCN ngay sau khi nhận văn bản đầu tiên của Công ty ĐT&PTCN xác nhận khách là Công ty Thái Sơn”.

Sau khi nhận được thư bảo lãnh giả của Nam đề ngày 18-8-2005, công ty ĐT&PTCN đã giao tổng số 201.629 kg thép các loại trị giá 1,512 tỷ đồng. Đến thời hạn thanh toán, vì công ty Thái Sơn vẫn chưa trả tiền theo đúng hợp đồng nên ngày 5-12-2005, Công ty cổ phần ĐT&PTCN đã làm việc với Ngân hàng NN&PTNT Văn Lâm, phát hiện thư bảo lãnh thanh toán cho công ty Thái Sơn là giả và gửi đơn trình báo với cơ quan công an.

Qua trưng cầu giám định của Phòng Khoa học Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Hưng Yên một lần nữa khẳng định thư bảo lãnh trên là giả. Ngày 7-2, Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Cổ phần Kinh tế đối ngoại Thái Sơn đồng thời khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng bị can Hoàng Văn Nam về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thực hiện lệnh khám xét nơi đồng thời là trụ sở công ty không thu hồi được gì. Kiểm tra sổ sách, chứng từ cho thấy, công ty mới hoạt động và chưa kê khai thuế. Riêng 92 tấn thép trị giá hơn 695 triệu còn trong kho chưa kịp tiêu thụ, Công ty ĐT&PTCN đã kịp thời thu hồi, số còn lại Nam đã tẩu tán.

Sở dĩ Hoàng Văn Nam có thể làm giả thư bảo lãnh để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo bởi trước đó Nam đã cùng đồng bọn làm giả làm giả đăng ký xe máy. Năm 2002, Toà án phúc thẩm đã tuyên phạt Nam ba năm tù giam về tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức. Vì Nam đã tìm cách trốn không chấp hành bản án, do vậy Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã đề nghị cơ quan điều tra Công an huyện Văn Lâm truy nã Hoàng Văn Nam.

Để đối phó, Nam đã giả vờ bị bệnh tâm thần và nhập viện đi chữa bệnh. Tuy nhiên, tháng 3- 2005, Nam vẫn thành lập công ty Cổ phần Kinh tế đối ngoại Thái Sơn, trụ sở tại nhà riêng ở thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm (Hưng Yên), chuyên doanh 21 loại hình ngành nghề kinh doanh, điển hình như mua bán vật tư máy móc thiết bị nông nghiệp, giao thông vận tải, mua bán thang máy, thiết bị điện tử, y tế, điện lạnh viễn thông và linh kiện thay thế…

Ngay sau khi Nam bị bắt, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Hưng Yên đã liên tiếp nhận được đơn thư phản ánh tố cáo của một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh tố cáo Nam đã chiếm đoạt tài sản của họ, ngay cả từ khi Nam chưa thành lập doanh nghiệp. Qua những mối quan hệ quan biết, với tư cách cá nhân Nam đã liên tục tới mua nguyên vật liệu nhưng cố tình chây ỳ không trả tiền. Nổi bật nhất là trường hợp anh Ngô Duy Tiến ở tập thể công ty xe khách Nam Hà Nội, phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân (Hà Nội), chủ cửa hàng thép xây dựng Tam Trinh ở 305 đường Nguyễn Tam Trinh, Hoàng Mai (Hà Nội) đã gửi đơn và hồ sơ tố cáo Nam đã ký hợp đồng số 06/2003 về mua bán thép xây dựng và nhận 375 triệu tiền hàng nhưng vẫn còn nợ hơn 300 triệu.

Qua vụ án cho thấy kẽ hở là việc xét duyệt, cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp quá dễ dàng vì thủ tục khá thông thoáng, chỉ cần xuất trình chứng minh thư và đơn trình gửi Sở Kế hoạch đầu tư xin thành lập doanh nghiệp, do vậy ngay cả đối tượng đang bị truy nã, chưa thi hành án, giả vờ tâm thần như Hoàng Văn Nam vẫn có thể làm Giám đốc doanh nghiệp. Ngoài ra vụ án cũng cảnh báo về hiện tượng dùng giấy tờ giả trong hoạt động giao dịch thương mại, vay vốn ngân hàng đang có chiều hướng ngày càng gia tăng đòi hỏi lực lượng chức năng phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Hiện nay cơ quan điều tra tỉnh Hưng Yên đang tiếp nhận các đơn thư tố giác của các nạn nhân để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Hoàng Văn Nam.

PV