Hanoinet - Không muốn phải chia di sản thừa kế, nhiều người đã “khai tử” người thân ruột thịt của mình khi làm thủ tục khai nhận di sản. Việc gian dối này khá phổ biến nhưng lại không được xử lý nghiêm.
Đang sống, bị cho là chết
Tháng 6-2008, Phòng công chứng số 4, TP.HCM tiếp nhận hồ sơ khai nhận di sản (KNDS) thừa kế của ông H.C.H. (đã chết) do bà N.T.T. (vợ ông H.) và sáu người con của ông đứng ra khai. Khi kiểm tra hồ sơ về hàng thừa kế theo luật, công chứng viên được bà T. cho biết cha mẹ của ông H. đã chết trước ông. Khi công chứng viên yêu cầu xuất trình giấy khai tử thì bà T. xin được bổ sung sau. Do thủ tục về công chứng quy định trước khi chứng văn bản KNDS phải niêm yết công khai việc KNDS trong thời hạn 30 ngày nên công chứng viên đã lập văn bản gửi về UBND P.7, Q.Gò Vấp để niêm yết.
Trong thời gian niêm yết, phòng công chứng đã nhận được khiếu nại của gia đình ông H. rằng cha ông H. hiện còn sống, vẫn đang thường trú tại P.7, Q.Gò Vấp, có xác nhận của chính quyền. Chính vì vậy, hồ sơ KNDS của bà T. đã được ngăn chặn lại.
Theo giải thích của lãnh đạo Phòng công chứng số 4, thủ tục KNDS có quy định khi người nhận di sản khai có người đồng thừa kế đã chết thì phải có giấy chứng tử của cơ quan có thẩm quyền. Nhưng trên thực tế có trường hợp cha mẹ của người để lại di sản đã chết mấy chục năm trước, tại tỉnh thành khác mà đòi hỏi phải xuất trình giấy khai tử là điều rất khó.
Chính vì vậy, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, để gỡ vướng cho các trường hợp này cơ quan công chứng đã thay bằng thủ tục cho người KNDS cam đoan về các quan hệ nhân thân của người chết. Bản cam đoan này được chính quyền địa phương nơi thường trú xác nhận và người khai phải chịu trách nhiệm về nội dung đã khai. Lợi dụng việc đơn giản hóa thủ tục này, nhiều người cố tình khai gian dối để không phải chia di sản cho các đồng thừa kế.
Khó kiểm tra?
Thống kê từ các phòng công chứng TP.HCM cho thấy chuyện khai thiếu, thậm chí “khai tử” người còn sống để khỏi phải chia di sản không phải là ít. Theo một công chứng viên, công chứng viên chỉ có thể kiểm tra giấy chứng tử của người để lại di sản, tài sản sở hữu có đúng là của người chết hay không, những người đến KNDS có thật sự là người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật (gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con ruột, con nuôi) hay không. Còn chuyện những người đến khai nhận có khai đầy đủ số lượng người thuộc hàng thừa kế hay giấu bớt thì công chứng viên khó kiểm tra hết được.
Có nhiều trường hợp người được thừa kế đang định cư ở nước ngoài khó có điều kiện đến cơ quan công chứng hoặc trường hợp người được thừa kế cũng đã chết, phải khai trình người thừa kế thế vị rất rắc rối nên các đương sự thỏa thuận bỏ bớt tên người thừa kế đi. Cũng có người vì không muốn phải chia di sản nên đã khai gian dối về những đồng thừa kế khác.
Có quy định, không xử phạt
Để xử lý các hành vi gian dối trong hoạt động tư pháp (thi hành án, đấu giá, hộ tịch, công chứng...), Chính phủ đã có nghị định 76/2006 ngày 2-8-2006 quy định việc xử phạt hành chính. Tuy nhiên mức xử phạt còn quá nhẹ (xem khung), nhất là so với những vụ KNDS có giá trị lớn. Đã vậy, trên thực tế nghị định trên rất ít được áp dụng. Dù đã có không ít vụ gian dối bị phát hiện nhưng theo các phòng công chứng, chưa có trường hợp nào bị xử phạt hành chính.
Theo giải thích của lãnh đạo một số phòng công chứng, chỉ trong một số trường hợp sử dụng giấy tờ sở hữu, giấy tờ tùy thân giả mạo thì cơ quan công chứng mới đề nghị công an, chính quyền địa phương giải quyết. Còn hầu hết những vụ có gian dối trong KNDS thừa kế bị phát hiện thì người vi phạm bỏ đi, không quay lại để làm tiếp thủ tục nữa nên các phòng công chứng lúng túng trong thủ tục lập biên bản vi phạm. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng cơ quan công chứng có tâm lý cho rằng vi phạm chưa gây thiệt hại vì đã được ngăn chặn nên... thôi, không muốn làm căng đối với người vi phạm.
Thực tế, người dân VN chưa có thói quen viết di chúc nên khi cha mẹ mất đi, con cái muốn bán nhà, đất của cha mẹ để chia cho các anh chị em thường phải thông qua thủ tục KNDS thừa kế để hợp thức hóa các thủ tục sở hữu di sản trước khi bán. Thủ tục KNDS này có ý nghĩa quan trọng.
Thông qua văn bản khai nhận đã được công chứng, người thừa kế có thể được đăng ký sở hữu hoặc ký hợp đồng bán nhà đất nên nếu bị sót tên thì quyền lợi của người được quyền thừa kế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có nhiều trường hợp đương sự đã được công chứng cho KNDS thừa kế xong, đã đi đăng ký sở hữu tài sản, thậm chí bán xong nhà cửa, đất đai thì các đồng thừa kế khác (con riêng, con nuôi, các thừa kế thế vị của cha, mẹ người chết) mới phát hiện mình bị truất quyền thừa kế và kiện ra tòa. Có nhiều vụ kiện tranh chấp di sản phức tạp, trị giá hàng tỉ đồng. Có xử phạt nghiêm đối với các vi phạm trong công chứng, chứng thực mới hạn chế được tình trạng gian dối khi KNDS, nguyên nhân các vụ tranh chấp phức tạp, kéo dài đang phải nhờ tòa án giải quyết.
Luật sư Võ Xuân Trung (Đoàn Luật sư TP.HCM): Cần chế tài thật nghiêm Để hạn chế tình trạng gian dối, đối với trường hợp không khai, giấu bớt người thừa kế di sản hoặc khai gian dối rằng người thừa kế đã chết thì khi phát hiện cần phải bị xử phạt hành chính đúng theo quy định. Trường hợp đương sự sử dụng giấy tờ giả (chứng tử giả) để chứng minh người đồng thừa kế khác đã chết thì còn có dấu hiệu hình sự, cơ quan công chứng phải có trách nhiệm chuyển cho cơ quan điều tra xử lý. Khi phát hiện người đến yêu cầu công chứng đã gian dối, cơ quan công chứng cần phải lập biên bản hoặc căn cứ trên các hồ sơ, giấy tờ còn lưu giữ để gửi thông báo cho chính quyền địa phương của người có vi phạm đề nghị chính quyền xử phạt. Chính người bị “truất quyền” thừa kế cũng có thể kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để xử phạt người có hành vi vi phạm. |