Không cần thi cấp chứng chỉ hành nghề luật sư
Các Website khác - 30/09/2005

Kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề luật sư là yêu cầu quá cao và không tương xứng về yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ so với một số chức danh bổ trợ tư pháp khác, tạo thêm thủ tục không cần thiết. Đó là ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật về luật sư do Chính phủ trình ngày 30/9.

Dự thảo luật đưa ra quy định mới về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Đó là người có bằng cử nhân luật phải qua khoá đào tạo nghề luật sư từ 6 đến 12 tháng (quy định hiện hành là 6 tháng), qua thời gian tập sư hành nghề luật sư 18 tháng, đặc biệt phải đạt yêu cầu thi cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Bộ Tư pháp là cơ quan cấp chứng chỉ này. Những người được miễn thời gian tập sự hành nghề luật sư cũng phải trải qua kỳ thi này. Theo Bộ Tư pháp, quy định này nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ luật sư.

Uỷ ban Pháp luật cho rằng, dự thảo luật đặt ra điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cao hơn cả với các chức danh tư pháp khác như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên. Hoạt động của luật sư là bổ trợ tư pháp, do vậy tiêu chuẩn hành nghề phải có sự cân đối với các chức danh bổ trợ tư pháp khác như giám định viên, công chứng viên. Chẳng hạn, tiêu chuẩn của giám định viên là có trình độ đại học trở lên, đã qua hoạt động chuyên môn theo ngành học từ 5 năm trở lên. Hay công chứng viên phải có bằng cử nhân luật, tốt nghiệp khoá đào tạo nghề công chứng, có thời gian công tác pháp luật nhất định. Còn các chức danh tư pháp khác cũng chỉ xét bổ nhiệm.

Vì lẽ đó, Uỷ ban đề nghị bỏ quy định về kỳ thi, bởi đây không phải là biện pháp nâng cao chất lượng luật sư theo yêu cầu, lại không thiết thực và gây phiền hà cho người muốn trở thành luật sư.

Một điểm mới nữa của dự án luật là rút ngắn thời gian tập sự hành nghề luật sư từ 24 tháng xuống 18 tháng. Có nhiều ý kiến tán thành phương án này, vì cho rằng kỹ năng hành nghề của luật sư tập sư cần được rèn thông qua thực tiễn tham gia tố tụng. Việc nâng cao trình độ chuyên môn phải do chính họ tự trau dồi thông qua quá trình hành nghề. Có đại biểu cân nhắc trước chức danh "luật sư tập sự". Theo đó, người chưa được công nhận là luật sư thì không đủ điều kiện hành nghề luật sư. Hơn nữa, pháp luật hiện hành cũng không có chức danh luật sư tập sự khi tham gia hoạt động tố tụng.

Đề xuất hình thành đội ngũ luật sư làm việc cho cơ quan nhà nước theo chế độ công chức đã không nhận được sự ủng hộ của Uỷ ban Pháp luật. Ông Phạm Quốc Anh (Chủ tịch Hội luật gia VN) nêu quan điểm: "Không nên có luật sư công vì bản chất công việc của luật sư là hành nghề tự do. Chúng ta cải cách một hồi rồi lại quay về với cái cũ. Việc ra đời luật sư làm việc theo chế độ công chức là mâu thuẫn với chủ trương tinh giản bộ máy cán bộ, công chức. Nhà nước sẽ không quản lý được đội ngũ luật sư công này vì không phải lúc nào cũng có vụ việc cần giải quyết. Nếu lương không đủ sống, họ làm thêm ở bên ngoài thì tình hình càng phức tạp hơn". Cùng quan điểm này, ông Mai Ngọc Trinh (Trợ lý Chủ tịch nước) nhận xét, việc xây dựng phòng pháp chế tại các tổng công ty, doanh nghiệp lớn hiện nay là rất phù hợp. Nhân rộng mô hình này thì sẽ không cần thiết phải có luật sư công.

Uỷ ban Pháp luật cho rằng, cơ quan nhà nước khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp lý thì có thể thuê luật sư theo phương thức hợp đồng. Quy định luật sư làm việc trong cơ quan nhà nước, tổ cứhc trợ giúp pháp lý của nhà nước là không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, trái với pháp luật về cán bộ, công chức và không thống nhất với nhiều quy định trong dự thảo luật.

Dự thảo dự án luật về luật sư cũng đề cập tới mong mỏi bấy lâu trong giới luật sư là sớm ra đời một tổ chức thống nhất trong cả nước. Cơ quan soạn thảo đưa ra tên gọi cho tổ chức này là Liên đoàn luật sư Việt Nam hoặc Hiệp hội luật sư Việt Nam. Hội đồng luật sư toàn quốc sẽ là cơ quan lãnh đạo của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Dự án luật sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Anh Thư