Tại Lạng Sơn, dự án nhà máy xi măng lò đứng vẫn triển khai, dù Chính phủ chỉ đạo chỉ được xây loại lò quay. Một đoàn cán bộ sang Trung Quốc kiểm tra việc nhập thiết bị nhưng cuối cùng dây chuyền đưa về không đảm bảo chất lượng. Nhà máy tới nay chưa hoạt động, gây thất thoát tiền nhà nước.
Cuối tháng 2, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ Bộ Công an đã làm việc với một số người về việc này.
Cơ quan công an nhận định, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan điều tra đã vào cuộc, làm rõ các sai phạm này.
Kết quả xác minh cho thấy, trước việc tồn tại nhà máy xi măng lò đứng tại thành phố Lạng Sơn, Bộ Xây dựng có chủ trương di dời cơ sở này ra khỏi thành phố để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đầu năm 2003, UBND tỉnh Lạng Sơn ra quyết định phê duyệt đầu tư nhà máy xi măng tại xã Hồng Phong, Cao Lộc, Lạng Sơn.
Ngày 28/5/2003, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ đồng ý việc di dời; đồng thời chỉ đạo chỉ được xây dựng nhà máy xi măng lò quay 1,4 triệu tấn/năm theo đúng quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam.
Dù vậy, UBND tỉnh Lạng Sơn vẫn phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới toàn bộ nhà máy xi măng lò đứng 8,5 vạn tấn/năm tại xã Hồng Phong, tổng vốn gần 60 tỷ đồng. Việc này không được báo cáo lên cấp trên. Trong khi đó, được sự đồng ý của Chính phủ, tỉnh cũng đang chỉ đạo xây dựng một nhà máy xi măng khác tại Đồng Bành, huyện Chi Lăng.
Ngày 25/2/2004, công tác đấu thầu dây chuyền thiết bị lò đứng được tiến hành. Công ty cổ phần xuất nhập khẩu kỹ thuật Technimex (Hà Nội) trúng thầu cung cấp dây chuyền thiết bị xi măng với giá gần 19 tỷ đồng. Theo đó, họ cam kết nhà cung cấp thiết bị là tập đoàn Bằng Phi, Trung Quốc. Hợp đồng được ký kết. Trong quá trình triển khai, Technimex thông báo thay đổi đơn vị cung cấp thiết bị từ Bằng Phi sang Phi Bằng, cũng của Trung Quốc, và một số đơn vị khác. Chủ đầu tư đồng ý với việc này, song không xem xét lại giá cả, chất lượng của thiết bị cung cấp. Quá trình thay đổi xuất xứ hàng hoá và kết quả đấu thầu được UBND tỉnh phê duyệt.
Cơ quan điều tra đánh giá, việc thay đổi nhà cung cấp thiết bị là không thực hiện đúng quy định đấu thầu, cố ý làm trái quy định của nhà nước. 50 trong 105 thiết bị nhập về không đúng chủng loại theo hồ sơ đấu thầu, chất lượng thấp. Phần lớn số này được nâng giá cao hơn thực tế. Theo cơ quan điều tra, nếu đưa những thiết bị này vào sản xuất sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của nhà nước. Nhà máy xi măng Hồng Phong dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2005, nhưng tới nay toàn bộ dây chuyền vẫn chưa được lắp đặt để vận hành vì không đồng bộ.
Đặc biệt, trước khi nhập dây chuyền về Việt Nam, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cử một đoàn cán bộ sang Trung Quốc để kiểm tra. Tuy nhiên khi trở về, đoàn không có báo cáo chi tiết về chuyên môn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. Theo cơ quan chức năng, việc nhập thiết bị chất lượng kém có trách nhiệm của đoàn cán bộ này vì không làm tròn công việc được giao.
Cơ quan điều tra đã đề xuất Bộ Công an điều tra làm rõ những vi phạm của tập thể, cá nhân liên quan công trình xây dựng nhà máy xi măng lò đứng Hồng Phong. Theo Ban thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn, trách nhiệm trước hết thuộc về tập thể Ban cán sự Đảng, đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Bá Nhiên. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và ông Nhiên phải kiểm điểm. Trong quá trình giải quyết, phát hiện dấu hiệu vi phạm, tuỳ theo mức độ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân có liên quan.
Anh Thư
▪ Những cảnh sát mặc thường phục (06/03/2006)
▪ Để việc công khai tài chính đi vào cuộc sống (06/03/2006)
▪ Nguyên Giám đốc Sinhanco "chạy án" hơn 3 tỷ đồng như thế nào? (06/03/2006)
▪ Bắt giữ giám đốc "lừa" Hoàng Minh Thắng (06/03/2006)
▪ Tài nguyên bị hủy hoại trong việc khai thác vonfram trái phép ở Đác Nông (06/03/2006)
▪ Thủ tục nhận tiền thừa kế (06/03/2006)
▪ Tiền bồi thường cho người bị oan tăng theo mức lương mới (06/03/2006)
▪ Đội trưởng cảnh sát giao thông bắn người trọng thương (06/03/2006)
▪ Một kỹ sư bị hành hung trong phòng giám đốc (06/03/2006)
▪ Nữ cảnh sát điều tra giả làm người giúp việc (06/03/2006)