Quy định về lệ phí trước bạ ô-tô
Các Website khác - 16/01/2006
Hỏi: Tôi mua một chiếc ô-tô bảy chỗ ngồi đã qua sử dụng và không dùng để kinh doanh. Xin hỏi lệ phí trước bạ được quy định trong trường hợp này như thế nào?
Trả lời: Trường hợp mua ô- tô của ông có hai vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất là giá trị tài sản tính trước bạ. Theo khoản 3, mục I, phần II Thông tư số 95/2005/TT-BTC ngày 26-10-2005 của Bộ Tài chính thì giá trị để tính lệ phí trước bạ đối với ô-tô là giá trị tài sản thực tế chuyển nhượng trên thị trường trong nước tại thời điểm tính lệ phí trước bạ. Đối với tài sản cũ đã qua sử dụng thì giá tính lệ phí trước bạ là giá trị tài sản mới (100%) nhân với tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của tài sản trước bạ. Vẫn thông tư trên hướng dẫn, trường hợp kê khai lệ phí trước bạ lần đầu tại Việt Nam thì áp dụng mức 100% (đối với tài sản mới) và 85% (tài sản đã qua sử dựng nhập khẩu vào Việt Nam).

Trường hợp kê khai lệ phí trước bạ tại Việt Nam từ lần thứ hai trở đi: thời gian sử dụng từ 1-3 năm: 85%; thời gian sử dụng từ 3-6 năm: 75%; thời gian sử dụng từ 6-10 năm: 60%; thời gian sử dụng trên 10 năm: 40%. Thời gian sử dụng được xác định từ năm sản xuất (hoặc nhập khẩu) đến năm kê khai lệ phí trước bạ.

Thứ hai, mức thu lệ phí trước bạ được xác định theo tỷ lệ % trên giá trị tài sản tính lệ phí trước bạ. Xe ô-tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống không phục vụ mục đích kinh doanh thì áp dụng mức 5% đối với trường hợp kê khai nộp lệ phí trước bạ lần đầu tại các tỉnh, thành phố (không phân biệt xe mới hay xe đã qua sử dụng); từ lần thứ hai trở đi là 2%.

--------------------

Nghĩa vụ của người quản lý di sản

Hỏi: Người bác họ của chị bị mất trong một vụ tai nạn giao thông, trước khi mất có viết lại di chúc để lại tài sản cho các con còn chưa đến tuổi thành niên, trong di chúc có chỉ định một người trong họ đứng ra quản lý di sản. Tuy nhiên chị cảm thấy không tin tưởng ở người được chỉ định đứng ra quản lý khối di sản của ông bác họ, chị hỏi người quản lý di sản có nghĩa vụ gì trong việc quản lý di sản, chị rất mong được quan tâm giải đáp.

Trả lời: Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định rất rõ người quản lý di sản là những người sau:

- Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.

- Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chia cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

- Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.

Như vậy, trong di chúc của bác họ chị đã chỉ định người quản lý di sản, vì vậy người quản lý di sản đó là hợp pháp. Tại Điều 639 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định rất rõ về nghĩa vụ của người quản lý di sản như sau: "1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:

a. Lập danh mục di sản; thu hồt tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b. Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;

c. Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

d. Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

đ. Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.

2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:

a. Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác;

b. Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

c. Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

d. Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.

--------------------

Chế tạo vũ khí thô sơ có thể phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Hỏi: Ở địa phương tôi có người thường xuyên chế ra các loại dao, cung, nỏ, lưỡi lê, thậm chí cả súng săn. Anh ta chế ra để sử dụng khi đi rừng nhưng khi có người cần mua, anh ta vẫn bán. Trước đây công an xã và chính quyền đã gọi anh ta lên làm việc nhưng sau thỉnh thoảng vẫn thấy anh ta bán cho người khác mấy thứ đó, trong đó cả con tôi cũng mua được một chiếc cung. Việc này pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Vũ khí, dù là vũ khí quân dụng hay vũ khí thô sơ cũng đều nguy hiểm cao độ chỉ có các cơ quan có thẩm quyền quản lý. Việc chế tạo, mua bán, sử dụng vũ khí thô sơ có thể gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng cho tính mạng, sức khoẻ con người và trật tự an ninh của xã hội. Vì vậy các loại vũ khí này luôn phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trường hợp người chế tạo, bán các loại cung, nỏ, dao, lê, súng săn như bạn phản ánh đó là chế tạo, mua bán các loại vũ khí thô sơ. Theo Quyết định số 404/QĐ-BNV ngày 15-7-1995 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) thì vũ khí thô sơ gồm: súng hơi, cung, nỏ, dao găm, lưỡi lê, giáo mác, đinh ba, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc vật rắn, các loại côn...

Hành vi chế tạo, mua bán trái phép các vũ khí thô sơ này nếu chưa nghiêm trọng thì phải bị xử phạt vi phạm hành chính để ngăn ngừa hậu quả xấu. Tuy nhiên, hành vi trên chỉ được coi là có tội (tội chế tạo tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiêm đoạ vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ - Điều 233 Bộ luật Hình sự) nếu trước đó người thực hiện hành vi đã bị xử phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này mà chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi nêu trên.

Nếu người ở xã của bạn đã bị công an và chính quyền xã gọi lên lập biên bản xử phạt hành chính mà nay lại tiếp tục vi phạm thì anh ta phải bị truy tố trước pháp luật về tội danh được quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự. Nếu anh ta bị công an và chính quyền xã gọi lên nhắc nhở, chưa bị xử phát hành chính thì nay cần phải bị xử phạt hành chính mà không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được.

--------------------

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn của Nhà nước?

Hỏi: Công ty chúng tôi (là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Tổng Công ty Nhà nước) được cổ phần hoá, trở thành Công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, trong đó Tổng Công ty còn giữ cổ phần. Vậy Tổng Công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình như thế nào?

Trả lời: Căn cứ Quy chế quản lý tài chính ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ số 199/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004, các điều 2, 46:

Tổng công ty là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại công ty cổ phần, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thông qua người đại diện. Người đại diện là người được hội đồng quản trị (hoặc tổng giám đốc nếu Tổng công ty không có hội đồng quản trị) cử để ứng cử hoặc tham gia vào Ban quản lý điều hành Công ty cổ phần có vốn góp của Tổng công ty nhà nước. Người đại diện có các quyền và nghĩa vụ sau:

1. Tham gia ứng cử vào bộ máy quản lý, điều hành của Công ty cổ phần theo điều lệ của doanh nghiệp này.

2. Khi được uỷ quyền thực hiện quyền của cổ đông, trong các kỳ họp đại hội đồng cổ đông, phải sử dụng quyền đó một cách cẩn trọng theo đúng chỉ đạo của đại diện chủ sở hữu, nhất là trong trường hợp là cổ đông chi phối.

3. Theo dõi, giám sát tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần theo quy định của luật pháp, điều lệ Công ty cổ phần. Thực hiện báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của đại diện chủ sở hữu về tình hình, kết quả hoạt động kinh doanh, vấn đề tài chính của Công ty cổ phần, việc thực hiện các nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu giao.

4. Theo dõi, đôn đốc và thực hiện thu hồi vốn nhà nước tại Công ty cổ phần gồm: Vốn cho người lao động vay để mua cổ phần, bán chịu cổ phần cho người lao động, chia cổ phần cho người lao động để hưởng cổ tức, chuyển nhượng cổ phần của Nhà nước, thu cổ tức và các khoản được chia khác từ vốn góp vào Công ty cổ phần.

5. Người đại diện tham gia ban quản lý điều hành công ty cổ phần phải nghiên cứu, đề xuất phương hướng, biện pháp hoạt động của mình tại Công ty cổ phần để trình đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Đối với những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp đưa ra thảo luận trong HĐQT, ban giám đốc, đại hội đồng cổ đông như: Phương hướng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, huy động thêm cổ phần, chia cổ tức... người đại diện phải xin ý kiến của đại diện chủ sở hữu vốn trước khi họp và biểu quyết. Trường hợp nhiều người đại diện cùng tham gia HĐQT, ban giám đốc của Công ty cổ phần thì phải cùng nhau bàn bạc và thống nhất ý kiến khi phát biểu và biểu quyết.

6. Người đại diện ở Công ty cổ phần có cổ phần chi phối của Nhà nước phải có trách nhiệm hướng công ty đó đi đúng mục tiêu, định hướng của Nhà nước. Khi phát hiện công ty đi chệch mục tiêu, định hướng của Nhà nước phải báo cáo ngay đại diện chủ sở hữu vốn và đề xuất giải pháp để khắc phục. Sau khi được đại diện chủ sở hữu vốn thông qua cần tổ chức thực hiện ngay để nhanh chóng hướng doanh nghiệp đi đúng mục tiêu, định hướng đã xác định.

7. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, điều lệ doanh nghiệp và đại diện chủ sở hữu vốn giao.

8. Chịu trách nhiệm trước đại diện chủ sở hữu vốn về các nhiệm vụ được giao. Trường hợp thiếu trách nhiệm, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn gây thiệt hại cho đại diện chủ sở hữu vốn thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong công ty cổ phần, người đại diện cho phần vốn của Tổng công ty tham gia với tư cách là cổ đông và phải tuân thủ điều lệ của Công ty cổ phần. Đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước (Tổng công ty) không được tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Công ty cổ phần, mà phải thực hiện thông qua người đại diện của mình.

Tổng hợp