Thủ tục xin visa sinh viên
Các Website khác - 23/12/2005
Hỏi: Em sắp đi du học tại Pháp theo diện tự túc, xin hướng dẫn làm thủ tục cấp visa sinh viên.

Trả lời: Hồ sơ mà bạn phải hoàn thiện gồm: mẫu đơn xin visa dài hạn, chứng nhận đăng ký học, bản sao công chứng các loại bằng cấp mình có và thẻ thanh toán quốc tế. Mẫu đơn xin visa dài hạn phải điền đầy đủ, ghi rõ ngày tháng và ký tên. Phải ghi mục đích đi học là học đại học tại Pháp (nếu chỉ đi học tiếng thì cũng nên ghi là học xong sẽ học tiếp đại học).

Giấy chứng nhận đăng ký học có thể là thư báo đỗ hoặc trong trường hợp đã đỗ có thể là giấy hẹn đăng ký hoặc giấy chứng nhận đăng ký hay thậm chí một giấy chứng nhận theo học của một cơ sở giáo dục tại Pháp. Giấy này phải ghi rõ cấp độ khóa học và thông tin về trường học.

Trong trường hợp bạn theo học một trường tư thục thì tài liệu phải ghi rõ số giờ học và chứng nhận rằng tiền học cho năm tới đã đóng đủ. Bản sao công chứng các loại bằng cấp phải bằng tiếng Pháp. Chú ý, nếu bạn đã tốt nghiệp một bằng đại học thì nên dịch là "maitrise" thì sẽ được học thẳng cao học, còn các phòng công chứng Việt Nam hay dùng từ "lincence" sẽ khó khăn trong thủ tục khi đã ở Pháp.

Vì là du học tự túc nên cần phải có một sổ tiết kiệm tối thiểu là 5.000 USD hoặc chứng nhận ngân hàng đứng tên bạn. Ngoài ra bạn cũng cần có một thẻ thanh toán quốc tế tốt nhất là visa card vì nó khá phổ biến ở Pháp.

.......................................................

Cấp visa nhập cảnh Malaysia

Hỏi: Đề nghị cho biết về hình thức cấp visa cho lao động nước ngoài ngay tại sân bay mà Malaysia mới áp dụng được không?

Trả lời: Kể từ ngày 1-8-2005, bên cạnh việc cấp calling visa cho lao động nước ngoài để xin visa tại Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Malaysia tại nước sở tại (như vẫn tiến hành từ trước đến nay), Bộ nội vụ Malaysia áp dụng thêm một hình thức cấp visa mới cho lao động nước ngoài - visa cấp tại sân bay (visa on arrival).

Quy trình cấp visa tại sân bay như sau: người sử dụng lao động có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài làm bộ hồ sơ theo quy định và nộp tại "Trung tâm một cửa Bộ nội vụ". Nếu bộ hồ sơ đầy đủ và được chấp thuận thì người sử dụng lao động phải nộp ngay tiền thuế Chính phủ (levy). Sau khi nộp thuế levy, người sử dụng lao động có thể yêu cầu cơ quan nhập cư cấp calling visa cho người lao động theo diện cấp visa tại sân bay (trường hợp người sử dụng lao động đã chuẩn bị sẵn biodata của lao động nước ngoài).

Trường hợp người sử dụng lao động chưa có biodata thì cơ quan nhập cư Malaysia sẽ cấp thư chấp thuận có điều kiện (Approval with conditions) và hai tuần trước khi lao động nhập cảnh vào Malaysia, người sử dụng lao động phải xuất trình biodata của lao động.

Người lao động có tên trong calling visa (ghi rõ visa on arrival) chỉ cần có hộ chiếu và vé máy bay là có thể làm thủ tục sang Malaysia, không cần xin visa tại Đại sứ quán hay Tổng lãnh sự quán Malaysia tại Việt Nam.

Để xin visa tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur ( KLIA), người lao động phải điền vào đơn xin cấp visa (mẫu kèm theo) giá 1 RM và nộp lệ phí làm visa là 13 RM. Trong thời gian người lao động làm thủ tục tại sân bay, người sử dụng lao động phải có mặt tại sân bay để xác nhận là người bảo trợ cho lao động. Cần lưu ý: việc cấp visa tại sân bay được tiến hành song song với hình thức cấp visa trước đây tại KLIA. Tại các cửa khẩu nhập cảnh khác, vẫn áp dụng hình thức cấp visa như trước.

.......................................................

Xây dựng thang lương trong công ty cổ phần

Hỏi: Hiện nay, khi tiến hành xây dựng thang lương cho doanh nghiệp, chúng tôi có tham khảo hệ thống thang, bảng lương của công ty Nhà nước. Vậy nếu chúng tôi áp dụng hệ thống thang lương này cho doanh nghiệp cổ phần của mình thì có được không?

Trả lời: Theo Nghị định số 114/2002/NĐ-CP (31-12-2002), Nghị định số 205/2004/NĐ-CP (14-12-2004) thì công ty cổ phần không thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương quy định đối với công ty nhà nước. Các công ty này được quyền tự xây dựng thang lương, bảng lương hoặc vận dụng hệ thống thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định đối với công ty nhà nước làm cơ sở để xếp lương, trả lương cho người lao động.

Đối với trường hợp công ty của bà là một công ty cổ phần, nếu áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương do Nhà nuớc quy định thì phải thực hiện đúng việc chuyển xếp lương, nâng bậc lương, ngạch lương, xếp hạng doanh nghiệp và chế độ bảo hiểm xã hội như đối với công ty nhà nước theo quy định tại Thông tư số 21/2005/TT- BLĐTBXH (9-8-2005) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong đó các hệ số mức lương theo thang luơng, bảng lương do Nhà nước ban hành và mức lương tối thiểu chung do Nhà nuớc quy định là cơ sở để xếp lương, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

.......................................................

Khi nào thì thực hiện kiến nghị trợ giúp pháp lý

Hỏi: "Tôi là cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước, có người hỏi kiến nghị trợ giúp pháp lý là như thế nào, tôi thấy khó trả lời quá, đề nghị hướng dẫn cho tôi được rõ."

Trả lời: Theo tài liệu hướng dẫn "Một số vấn đề về kỹ năng kiến nghị giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý" do ông Trần Huy Liệu, Phó Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp trình bày tại Hội nghị tập huấn về trợ giúp pháp lý tổ chức năm 2001 tại Quảng Bình, thì kiến nghị là một phạm vi hoạt động được quy định tại Điểm 5 Mục 1 Phần III Thông tư Liên tịch số 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH ngày 14-01-1998 của Liên Bộ Tư pháp - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động thương binh và xã hội, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, tổ chức trợ giúp pháp lý có quyền trực tiếp kiến nghị hoặc đề xuất cơ quan quản lý cấp trên kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

Về mặt thuật ngữ, kiến nghị là việc nêu ý kiến đề nghị về một việc chung để cơ quan có thẩm quyền xét (Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Trung tâm Từ điển học, 1994) hoặc là nêu và trình bày ý kiến để được trao đổi xem xét, quyết định (Đại Từ điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb Văn hóa Thông tin, 1999). Như vậy, có thể hiểu nghĩa của kiến nghị là nêu ý kiến theo sự nhìn nhận chủ quan về bản chất và đề xuất hướng giải quyết một vấn đề cụ thể để thuyết phục cơ quan hoặc người có thẩm quyền theo quy định pháp luật chấp nhận ý kiến đã nêu ra, xem xét và quyết định việc giải quyết vấn đề đó.

Về mặt pháp lý, kiến nghị phải dựa trên cơ sở quy định pháp luật, là một trong những phương thức được tổ chức trợ giúp pháp lý sử dụng trước hết để giúp cho đối tượng trợ giúp pháp lý khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp đã bị xâm hại do đã có những sai sót trong hoạt động công vụ của người có thẩm quyền hoặc của cơ quan nhà nước gây ra. Việc kiến nghị cũng đồng thời nhằm giúp cho các cơ quan và người có thẩm quyền thấy và có biện pháp khắc phục kịp thời những sai sót đã xảy ra trong hoạt động công vụ, góp phần giữ uy tín của cơ quan nhà nước, tạo cho mọi người niềm tin vào đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thông thường, kiến nghị trợ giúp pháp lý được thực hiện đối với các vụ việc cụ thể. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có cơ sở khẳng định vụ việc đã được các cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết không phù hợp với quy định của pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng trợ giúp pháp lý thì tổ chức trợ giúp pháp lý có thể thực hiện kiến nghị đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền để giải quyết. Việc kiến nghị được thực hiện trên các căn cứ sau:

1. Đối tượng có yêu cầu tổ chức trợ giúp pháp lý kiến nghị đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

2.Tổ chức trợ giúp pháp lý có cơ sở khẳng định việc giải quyết hoặc không giải quyết của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền là không phù hợp với quy định của pháp luật, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng trợ giúp pháp lý;

3. Vụ việc còn đang trong thời hiệu giải quyết theo quy định của pháp luật.

Vấn đề cần lưu ý ở đây là mặc dù đã có những căn cứ nhưng tổ chức trợ giúp pháp lý chỉ kiến nghị khi đối tượng đã thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định pháp luật mà vụ việc vẫn không được cơ quan hoặc người có thẩm quyền xem xét giải quyết, trường hợp đối tượng không biết hoặc chưa thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục thì tổ chức trợ giúp pháp lý hướng dẫn để họ tự thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình mà không làm thay đối tượng. Kiến nghị trợ giúp pháp lý có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản dưới hình thức công văn do người có thẩm quyền của tổ chức trợ giúp pháp lý thực hiện và được gửi tới cơ quan hoặc người có thẩm quyền xem xét giải quyết theo chế độ lưu hành công văn của Nhà nước.

Theo (Tổng hợp)