Kết tội võ đoán
Cả hai phiên tòa sơ thẩm đều kết luận bà Lâm và các con có tội. Nhưng ba phiên toà phúc thẩm đều trả hồ sơ điều tra lại. Trong quá trình tố tụng đã có nhiều sai sót với những chi tiết phi lý trong hồ sơ.
Theo hồ sơ thì Nguyễn Thị Nhung (con bà Lâm) bắt gặp trong túi quần Nguyễn Văn Sáng - chồng Nhung - lá thư hẹn hò của Dương Thị Mỹ: "Một giờ khuya đêm nay gặp tại vườn điều...". Thế rồi bà Nguyễn Thị Lâm (mẹ Nhung ) và con cháu cả thảy 9 người cùng kéo đến vườn điều chém chết chị Mỹ. Trong vườn điều tối om rộng 1.500m, nhưng họ vẫn xác định chính xác chỗ hẹn của đôi tình nhân và bà Lâm - một phụ nữ lớn tuổi - đã chém những nhát dao cực kỳ chính xác. Nhưng trên người, quần áo nạn nhân và hiện trường lại không có vết máu.
Trước Cơ quan điều tra, các bị can khai ra những điều không ai có thể nhìn thấy, đo đạc được trong đêm tối: Huỳnh Văn Nén (con rể bà Lâm) khai bỏ xác nạn nhân vào chiếc sọt đan hình mắt cáo đường kính 80cm, đậy bằng chiếc chiếu trơn rộng 1,1m. Bà Lâm khai thấy Nguyễn Thị Tiến lột của chị Mỹ sợi dây chuyền vàng 5 phân, nhẫn vàng 18K, bông tai vàng 18K...
Điều tra viên Cao Văn Hùng cũng đã bỏ ngoài hồ sơ những chứng cứ có lợi cho bị cáo, như chi tiết Huỳnh Văn Nén đi làm thuê ở Đồng Nai trong thời gian xảy ra vụ án. Về lá thư hẹn hò, cả chồng và con chị Mỹ ra trước toà đều khai là... nạn nhân không biết chữ. Đến phiên phúc thẩm sau cùng, Cơ quan ĐT đưa ra nhân chứng Trần Thị Kim Yến - láng giềng cũ của chị Mỹ - khai đã viết giúp lá thư. Thế nhưng, khi bị luật sư hỏi, bà Yến lúng túng khai ngày viết thư không khớp thời gian xảy ra vụ án.
Tan tác một gia đình
Khi điều tra viên Cao Văn Hùng "khui" ra vụ án này vào năm 1998, gia đình bà Lâm 9 người đều bị bắt giam, trong đó có cả Trần Thanh Vân (chưa đầy 14 tuổi lúc xảy ra vụ án). Số phận gia đình họ thật thảm thương. Nguyễn Thị Nhung chết vì bệnh sau hơn 3 năm bị tạm giam. Hai con của Nguyễn Văn Tiền (mới 7 tuổi và 5 tuổi), phải đi chăn bò thuê để kiếm ăn, sau đó được đưa vào làng SOS Gò Vấp. Nguyễn Văn Sơn có vợ mới chết 3 tháng trước khi bị bắt, ba đứa con nhỏ sống vất vưởng nay đây mai đó, về sau đứa nhỏ nhất được đưa vào làng SOS. Nguyễn Thị Tiến có hai con mới 7 tuổi và 5 tuổi, cũng được đưa vào làng SOS. Huỳnh Văn Nén và Nguyễn Thị Cẩm có ba con gửi vào làng SOS...
Nỗi oan của gia đình bà Lâm sẽ được tẩy rửa như thế nào? Dư luận đang trông chờ vào các cơ quan thực thi pháp luật.
|