Tuyên phạt Nguyễn Gia Thiều 20 năm tù về tội buôn lậu và trốn thuế
Các Website khác - 30/11/2005
Sáng 30-11, Nguyễn Gia Thiều, giám đốc Công ty TNHH thương mại – dịch vụ viễn thông  Đông Nam, đã bị Toà án nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên phạt 20 năm về hai tội buôn lậu và trốn thuế.
Cũng trong phiên tòan sơ thẩm lần này, bị cáo Phạm Anh Vũ, giám đốc Công ty Thiên Anh bị phạt tổng cộng 10 năm tù với tội phạm buôn lậu và trốn thuế.

Mười bị cáo khác là Nguyễn Quang Hoan, Lê Văn Nhân, Nguyễn Đăng Chiểu, Nguyễn Đình Hiếu, Đào lê Anh, Vũ Hữu Thiều, Đặng Mạnh Quyền, Huỳnh Tiến Dũng, Đỗ Liên Anh, Nguyễn Thị Vinh Quang, phạm tội buôn lậu, bị phạt từ ba năm đến bảy năm tù, trong đó bị cáo Nguyễn Thị Minh Quang bị phạt ba năm tù nhưng được hưởng án treo.

Năm bị cáo nguyên là nhân viên Chi cục hải quan sân bay Nội Bài bị phạt từ 18 tháng đến ba năm tù nhưng được huởng án treo.

Căn cứ kết quả thẩm vấn các bị cáo tại phiên toà và các chứng cứ thu thập tại cơ quan điều tra, xem xét đánh giá lời bào chữa của các luật sư cho từng bị cáo, Hội đồng xét xử khẳng định có đủ cơ sở khẳng định Nguyễn Gia Thiều và các đồng phạm phạm các tội buôn lậu, trốn thuế, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như cáo trạng và bản luận tội mà đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP đã nêu.

Bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân TP Hồ Chí Minh nêu rõ: Lợi dụng chức năng chính của Công ty Đông Nam là kinh doanh, mua bán, sửa chữa, bảo hành các loại điện thoại di động (ĐTDĐ), từ năm 1999 Thiều đã bàn bạc, chỉ đạo các bị cáo Phạm Anh Vũ, Huỳnh Tiến Dũng, Đỗ Liên Anh, Nguyễn Quốc Tuấn tìm cách nhập lậu ĐTDĐ từ nước ngoài vào tiêu thụ trong nước. Bằng thủ đoạn thuê người lái, tiếp viên hàng không vận chuyển, gửi hàng qua đường bưu điện, gửi hàng phi mậu dịch, hàng quà biếu, xách tay... từ năm 1999 đến năm 2002, Thiều và đồng bọn đã nhập lậu tổng cộng 39.519 chiếc ĐTDĐ với tổng giá trị 168 tỷ 671 triệu đồng.

Về nguồn gốc số ĐTDĐ này, Hội đồng xét xử khẳng định: ĐTDĐ là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Mặt khác loại hàng hoá này trong nước chưa sản xuất hoặc lắp ráp, tất cả ĐTDĐ đang kinh doanh, sử dụng trong nước đều phải nhập qua biên giới. Việc có tới 39.519 chiếc ĐTDĐ mà Thiệu và đồng phạm không chứng minh được xuất xứ, không có hoá đơn chứng từ hợp pháp là minh chứng rõ ràng về hành vi buôn lậu của các bị cáo.

Tại toà, các bị cáo khai nhận, từ năm 1999 đến năm 2002, Thiều đã ký 244 hợp đồng nhập khẩu tổng cộng 218.295 chiếc ĐTDĐ. Bằng thủ đoạn hạ thấp giá ghi trong hợp đồng soa với giá thực tế phải thanh toán từ 75USD đến 375 USD cho mỗi chiếc ĐTDĐ, Nguyễn Gia Thiều và Phạm Anh Vũ đã trốn 99tỷ 984 triệu đồng tiền thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Đánh giá hành vi, mức độ phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử khẳng định: Là kẻ cầm đầu, tổ chức, Nguyễn Gia Thiều phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Với số hàng hoá buôn lậu có giá trị đặc biệt lớn; số tiền trốn thuế đặc biệt nhiều, tổng số lợi nhuận thu bất chính đặc biệt cao, hành vi phạm tội của Nguyễn Gia Thiều là rất nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm chế độ, chính sách thuế của Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng việc ổn định thị trường trong nước. Ngoài ra, Thiều còn dùng tiền bạc mua chuộc một số nhân viên ngành hải quan trở thành kẻ tiếp tay cho buôn lậu, gây ảnh hưởng uy tín của ngành. Hành vi đó phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, áp dụng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta, Hội đồng xét xử đã giảm một phần hình phạt mà lẽ ra Phạm Gia Thiều phải chịu.

Với các bị cáo nguyên là nhân viên hải quan sân bay Nội Bài phạm tội, Hội đồng xét xử khẳng định: Vì tiền các bị cáo đã bỏ qua quy định của ngành, không làm tròn trách nhiệm được giao, để lọt qua cửa khẩu số lượng hàng lậu có giá trị lớn. Hành vi đó đủ căn cứ kết luận phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên do các bị cáo phạm tội lầm đầu, thành khẩn khai báo... nên được giảm một phần hình phạt, không bị cách ly khỏi xã hội.

Ngoài hình phạt tù, Hội đồng xét xử còn tuyên phạt Nguyễn Gia Thiều 30 triệu đồng về tội buôn lậu; nộp lại số tiền bằng trị giá số hàng buôn lậu. Buộc bị cáo phải nộp số tiền thuế đã trốn và nộp phạt một lần trị tiền thuế đã trốn. Các bị cáo khác phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính.

Hội đồng xét xử cũng tuyên tịch thu số tiền 200 nghìn USD và 10 triệu đồng thu giữ được tại nhà Hà Kiều Anh ( vợ Nguyễn Gia Thiều) để bảo đảm thi hành án vì không có chứng cứ chứng minh số tiền đó là tiền riêng của Hà Kiều Anh mà đó chính là tiền của Nguyễn Gia Thiều.

XUÂN HÙNG