Việc thanh lý hợp đồng xuất khẩu lao động
Các Website khác - 14/09/2005
Hỏi: Khi người lao động đã hoàn thành hợp đồng lao động xuất khẩu và về nước, việc hoàn trả tiền đặt cọc và thanh lý hợp đồng sẽ được giải quyết như thế nào?

Trả lời:
Theo quy định hiện hành, việc thanh lý hợp đồng xuất khẩu được thực hiện như sau:

Đối với NLĐ hoàn thành hợp đồng, trường hợp người lao động (hoặc người được ủy quyền hợp pháp) đến thanh lý hợp đồng: nếu người lao động không gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải hoàn trả toàn bộ tiền đặt cọc và lãi tiền gửi ngân hàng cho người lao động. Nếu người lao động gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp thì tiền đặt cọc và lãi tiền gửi của người lao động được sử dụng để bù đắp các thiệt hại và chi phí hợp lý cho doanh nghiệp. Số tiền đặt cọc còn thừa (nếu có), doanh nghiệp phải hoàn trả cho người lao động. Trường hợp vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh...) hoặc không phải do lỗi của người lao động mà người lao động phải về nước trước thời hạn thì doanh nghiệp và người lao động lập biên bản thanh lý hợp đồng theo các điều kiện tài chính mà doanh nghiệp và người lao động đã ký ban đầu, hoàn trả toàn bộ tiền đặt cọc và lãi tiền gửi ngân hàng cho người lao động.

Thời báo kinh tế Việt Nam

-----------------------------

Đăng ký quyền sử dụng đất ở trong quan hệ vợ chồng

Hỏi: Trước khi đăng ký kết hôn, tôi được bố mẹ tặng cho một diện tích đất ở. Nay tôi làm thủ tục kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Tôi có thể chỉ đăng ký tên mình là người có quyền sử dụng đất hay phải đăng ký cả tên chồng tôi?

Trả lời: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Theo Điều 48 Luật Đất đai năm 2003, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ghi họ, tên người có quyền sử dụng đất đó. Trong trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng. Trường hợp chị hỏi, việc đăng ký quyền sử dụng đất chỉ ghi họ, tên người vợ hoặc ghi họ, tên cả vợ và chồng phải căn cứ vào việc xác định quyền sử dụng đất đó là tài sản riêng của người vợ hay tài sản chung của vợ và chồng.

Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản của vợ, chồng là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.

Như vậy, nếu chị có căn cứ để chứng minh được chị đã nhận quyền sử dụng đất trước khi kết hôn và chưa từng thỏa thuận đưa quyền sử dụng đất đó vào tài sản chung của vợ chồng thì có thể đăng ký tên một mình chị trong hồ sơ xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu quyền sử dụng đất đó đã được thỏa thuận là tài sản chung của vợ chồng hoặc có căn cứ chứng minh vợ chồng đã được tặng cho chung (ví dụ mặc dù tặng trước khi chị kết hôn nhưng khi tặng cho, bố mẹ chị đã tuyên bố tặng để cho vợ chồng chị sau này) thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi họ, tên của người vợ và họ, tên của người chồng.

Hà Nội mới