Những kết quả tích cực từ vòng âm đạo chống HIV
Báo Tiếng chuông - 21/07/2016
Khả năng chống lại HIV của vòng âm đạo chứa thuốc dapivirine sẽ tăng lên 75% nếu phụ nữ mang vòng thường xuyên hơn.
Khả năng chống lại HIV của vòng âm đạo chứa thuốc dapivirine sẽ tăng lên 75% nếu phụ nữ mang vòng thường xuyên hơn

 

Bên thềm Hội nghị quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu 2016 đang diễn ra tại thành phố Durban (Nam Phi) từ ngày 18 – 22/7, tin vui cho cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, đó là 2 nghiên cứu sử dụng vòng âm đạo chứa thuốc dapivirine đã mang lại những kết quả rất tích cực.

Dữ liệu mới nhất thu thập từ hai nghiên cứu ASPIRE và The Ring Study, thực hiện từ 8/2012 – 6/2015 tại Nam Phi, Uganda, Malawi và Zimbabwe trên 4.588 phụ nữ từ 18 – 45 tuổi cho thấy, vòng âm đạo giúp giảm được tỷ lệ nhiễm HIV từ 27 – 31% tùy theo nghiên cứu nếu phụ nữ mang vòng mỗi tháng một lần.

Những con số này là rất đáng khích lệ, tuy nhiên, nếu dựa trên phân tích mới nhất tại hội nghị AIDS toàn cầu 2016, người ta thấy khả năng bảo vệ của vòng còn tăng lên 56% nếu phụ nữ mang nó một cách thường xuyên, thậm chí còn giảm được 75% nguy cơ nhiễm HIV trong một số trường hợp.

Vòng âm đạo là một sản phẩm làm bằng chất liệu mềm dẻo có tẩm thuốc ARV tên dapivirine. Thuốc được International Partnership for Microbicides (IPM) phát triển nhằm giúp phụ nữ tự phòng vệ tốt hơn. Khi đưa vòng vào âm đạo nó sẽ từ từ tiết ra dapivirine giúp tiêu diệt virus HIV.

Theo các nhà nhà nghiên cứu, nếu giải pháp này kết hợp thành công với PrEP, một chiến lược cho người khỏe dùng thuốc hàng ngày chống lại nhiễm trùng, sự lây lan của HIV/AIDS có thể còn được giảm thiểu nhiều hơn.

Trên cơ sở thành công bước đầu này, các nhà nghiên cứu đang thiết kế hai nghiên cứu khác trong thời gian tới có tên HOPE (HIV Open-label Prevention Extension) và DREAM (Dapivirine Ring Extended Access and Monitoring) để tiếp tục đánh giá hiệu quả của vòng âm đạo.

IPM lên kế hoạch sẽ trình bày kết quả nghiên cứu vào giữa năm 2017 với hy vọng vòng âm đạo chứa thuốc dapivirine sẽ có mặt trên thị trường một số quốc gia vào năm 2018.

Tại vùng châu Phi Cận Sahara, trong số  người  lớn nhiễm HIV, ước tính  có đến 60% phụ nữ nơi đây quan hệ tình dục khác giới không được bảo vệ là tác nhân chính gây ra đại dịch.

Mặc dù công tác phòng ngừa HIV đã đạt được những tiến bộ, tuy nhiên nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ vẫn không tiếp cận với những giải pháp phòng ngừa. Do đó, vòng âm đạo chứa thuốc dapivirine hy vọng sẽ là giải pháp tốt nhất cho họ.