Đẩy mạnh giáo dục truyền thông phòng chống HIV/AIDS
Các Website khác - 07/05/2005

Hà Nội (TTXVN) - Nhằm hạn chế số người bị nhiễm HIV/AIDS, Ngân hàng Thế giới đã quyết định hỗ trợ Việt Nam triển khai dự án ”Phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam “ từ tháng 6/2005 đến tháng 6/2011 trên phạm vi 20 tỉnh, thành phố.

Mục tiêu chính của dự án là khuyến khích thay đổi hành vi làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho mỗi cá nhân và cộng đồng bằng cách phổ biến các thông điệp về sức khỏe qua nhiều kênh truyền thông khác nhau.

Dự án sẽ cung cấp các thông tin chính xác về dịch HIV/AIDS và cách phòng tránh cho các nhóm đối tượng; củng cố sự chấp nhận và thường xuyên thực hành hành vi tình dục an toàn, hành vi tiêm chích an toàn; khuyến khích người dân đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục STD; khuyến khích nhu cầu tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, giảm phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Để dự án được triển khai hiệu quả, cán bộ tham gia chương trình sẽ vận động chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể liên quan, các nhà hoạch định chính sách cam kết ủng hộ và phối hợp triển khai chương trình ở địa phương, đặc biệt là chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại, hỗ trợ ngườì nhiễm HIV/AIDS. Các cộng tác viên, đồng đẳng viên sẽ trực tiếp giáo dục, tư vấn phòng chống HIV/AIDS cho nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 16/4 số người nhiễm HIV trong cả nước là 93.927 người, số bệnh nhân AIDS là 15.015 người và số người tử vong do AIDS là 8.812 người. Đặc biệt theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở các vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống tăng cao.

WHO cho biết tỷ lệ mắc HIV/AIDS dao động rất lớn ở những tỉnh phía Bắc giáp Trung Quốc, tỷ lệ lưu hành HIV ở những người tiêm chích ma túy tăng rất nhanh. Hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, nơi có đông người Tày và người Nùng cư trú, đang đứng thứ 7 và thứ 9 về tỷ lệ người nhiễm HIV trong cả nước. Tại vùng Tây Nguyên, nguy cơ lây truyền HIV khá nhanh. Đắk Lắk là tỉnh có tỷ lệ gái mại dâm nhiễm HIV cao nhất, gấp 4 lần so với Thành phố Hồ Chí Minh. Nhận thức về HIV/AIDS của người dân tộc thiểu số nói chung và các dân tộc Tây Nguyên nói riêng thấp hơn so với người Kinh.

WHO cho rằng việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tộc thiểu số hiểu biết về các biện pháp phòng chống HIV/AIDS là hết sức cần thiết. Ngành y tế các địa phương cần phối hợp với ngành văn hóa thông tin và các ban ngành, đoàn thể, xây dựng các chương trình truyền thông lồng ghép tuyên truyền về HIV/AIDS đến tận nơi cư trú của người dân; mở triển lãm, phát tờ rơi tại các địa điểm công cộng để người dân được tiếp cận trực tiếp với những thông tin về HIV/AIDS trên thế giới, trong nước và của địa phương mình./.