Những điều tôi thấy vượt quá mong đợi
Các Website khác - 24/09/2003

(VietNamNet) - "Việt Nam đang đi đúng tiến độ trong quá trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Tôi đã được nghe nói và đọc rất nhiều về quá trình phát triển kinh tế- xã hội đầy ấn tượng của Việt Nam. Tới Hà Nội chiều qua, những gì tôi thấy vượt quá điều tôi mong đợi". Ông Zéphirin Diabré, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Phó Tổng giám đốc UNDP phát biểu như vậy tại buổi lễ kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác Việt Nam - UNDP, diễn ra sáng nay (24/9) tại Hà Nội. 

Ông Zéphirin Diabré

Chuyến thăm của ông Z. Diabré đến Việt Nam cho thấy UNDP rất coi trọng mối quan hệ "đối tác tin cậy và gần gũi" với Việt Nam. Trong buổi tiếp kiến Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng như tại lễ kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác Việt Nam- UNDP, ông Diabré nhiều lần nhắc tới ấn tượng sâu sắc của mình về những thành tích kinh tế- xã hội nổi bật của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, khẳng định cam kết của UNDP tiếp tục hỗ trợ Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc đổi mới. Ông Z.Diabre nói: ''Những thành công của Việt Nam trong chiến dịch chống đói nghèo có thể là bài học kinh nghiệm quý báu cho các nước đang phát triển, trong đó có các nước châu Phi, quê hương ông''.

Đôi nét về tiểu sử ông Zéphirin Diabré:

Zéphirin Diabré đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc UNDP từ năm 1999. Trước khi làm việc cho Liên hợp quốc ông Zéphirin Diabré là cố vấn kinh tế cho Tổng thống Burkina Faso năm 1998. Năm 1997 ông là giáo sư thỉnh giảng của Học viện phát triển Quốc tế của trường Đại học Harvard và là thành viên Trung tâm nghiên cứu quan hệ Quốc tế Weatherhead. Ngoài ra ông đã từng nắm giữ nhiều cương vị quan trọng trong Chính phủ Burkina Faso như Bộ trưởng kinh tế, tài chính và kế hoạch, Bộ trưởng thương mại công nghiệp, Nghị sĩ quốc hội...

Ông Diabré lấy bằng Thạc sĩ quản lý kinh doanh của trường Ecole Superiéure de Commerce de Bordeaux (1982), tiến sĩ kinh tế tài chính ở trường Institut d’Administration des Entreprises, University of Bordeaux (1987).

Trong cuộc họp báo bên lề lễ kỷ niệm, ông Diabré đã dành thời gian trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên liên quan đến hợp tác Việt Nam- UNDP, Việt Nam- Châu Phi

- Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế- xã hội, một phần từ sự hỗ trợ rất lớn từ UNDP. Theo ông, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức nào?

- Theo tôi, thách thức lớn nhất là làm sao Việt Nam có thể duy trì và phát huy những thành tựu kinh tế ấn tượng như hiện nay. So với các nước đang phát triển khác, những thành tích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá ngoạn mục song rõ ràng là sự tăng trưởng đó chưa đủ đê giải quyết những vấn đề của Việt Nam. Có rất nhiều thách thức có thể kể ra đây như sự bất bình đẳng xã hội cũng như bất bình đẳng giới, sự lây nhiễm HIV, vần đề sử dụng các nguồn đầu tư nước ngoài, đảm bảo phát triển bền vững rồi làm thế nào đạt được tiến bộ trong lĩnh vực quản trị...

- Xu hướng hợp tác giữa Việt Nam và UNDP trong tương lai?

- Hợp tác giữa Việt Nam và UNDP có đặc điểm là sự thảo luận sâu sắc giữa hai bên về vấn đề nguồn lực của UNDP sẽ được sử dụng như thế nào? Hiện nay, UNDP và chính phủ Việt Nam đã triển khai ba lĩnh vực hợp tác đạt nhiều tiến triển. Cụ thể là lĩnh vực điều hành quốc gia, trong đó mọi sự hỗ trợ của UNDP đều được thực hiện thông qua các cơ quan Việt Nam. Chúng tôi cũng xây dựng nên một cơ chế để các nhà tài trợ tập trung các nguồn hỗ trợ tài chính cho Việt Nam. Đặc biệt, gần đây đã bước đầu hình thành cơ chế chia sẻ kinh phí giữa Việt nam và UNDP, chẳng hạn như trong các dự án với Bộ Tư pháp và các cấp thẩm quyền tương đương ở TP.HCM. Trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên cho các vấn đề chính sách.

- Ông có thể cho biết cụ thể các chương trình hỗ trợ sắp tới của UNDP không?

- Sắp tới chúng tôi sẽ tập trung trợ giúp Việt Nam trong các lĩnh vực mà các bạn chưa có kinh nghiệm như ứng dụng công nghệ cao. Chúng tôi cũng sẽ dành mối quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững, tiếp tục các dự án thử nghiệm mới trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo và lĩnh vực y tế. Hiện nay, UNDP đang có chương trình hợp tác với Quốc hội Việt Nam để tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách vì lợi ích của họ.

- Việt Nam và châu Phi quê hương ông có rất nhiều điểm tương đồng song hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi trong thời gian qua dường như chưa tương xứng với tiềm năng. Ông nghĩ sao về triển vọng hợp tác giữa hai bên?

- Vấn đề hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi không chỉ có ý nghĩa quan trọng mà còn là một ưu tiên của các chính phủ hai bên. Gần đây, Việt Nam đã tổ chức khá thành công diễn đàn hợp tác Việt Nam - châu Phi. Chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam và châu Phi có thể chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm quý báu để học hỏi lẫn nhau. Đối với vấn đề xoá đói giảm nghèo, các nước châu Phi có thể học được ở Việt Nam nhiều bài học vì Việt Nam đã rất thành công trong lĩnh vực này, nhất là kinh nghiệm làm thế nào để giảm số người sống dưới mức nghèo khổ.

Còn đối với câu hỏi làm sao khai thác được tiềm năng hợp tác giữa hai bên tôi nghĩ điều quan trọng nhất là làm sao tạo ra được một hệ thống hợp tác Việt Nam - châu Phi - UNDP. Cá nhân tôi cũng như UNDP sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam- châu Phi. Tôi cũng muốn nói thêm rằng Việt Nam là nước nhập khẩu bông khá lớn từ Trung Quốc song các nước châu Phi lại là nơi trồng bông với số lượng lớn. Vậy tại sao chúng ta không hợp tác trong lĩnh vực này?

- UNDP sẽ giúp đỡ Việt Nam như thế nào trong quá trình đàm phán gia nhập WTO?

- Trước hết tôi muốn khẳng định rằng việc giúp đỡ Việt Nam gia nhập WTO cũng như tham gia vào các khuôn khổ thương mại đa phương khác là một nội dung hợp tác rất quan trọng của UNDP. Trước kia, chúng tôi đã giúp đỡ Việt Nam gia nhập ASEAN và bây giờ chúng tôi sẽ ủng hộ Việt Nam tham gia WTO. Vấn đề đặt ra đối với chúng tôi là làm thế nào giúp đỡ Việt Nam chuẩn bị và đáp ứng được các điều kiện gia nhập của WTO.

Một trong những yêu cầu để Việt Nam gia nhập WTO là phải đưa ra được một số luật điều chỉnh trong một số lĩnh vực của nền kinh tế. UNDP đã giúp đỡ Việt Nam soạn thảo Luật Doanh nghiệp, luật Cạnh tranh, Pháp lệnh chống bán phá giá... và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn soạn thảo các luật khác. Chúng tôi cho rằng quá trình phát triển phải lấy con người làm trọng tâm và toàn cầu hoá phải phục vụ lợi ích của người nghèo. Chúng ta cần tạo ra được liên kết việc Việt Nam gia nhập WTO với các chính sách đem lại lợi ích cho người nghèo.

- Trong bài phát biểu của mình, ông có nhắc tới những ấn tượng tốt đẹp về sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Vậy theo quan điểm của cá nhân ông, Việt Nam đã được coi là một nền kinh tế thị trường hay chưa?

- Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng nền kinh tế theo định hướng thị trường và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Người ta thường nói Chính phủ đề ra luật và thực hiện vai trò điều tiết thì tốt nhưng quản lý thì không vì không tạo ra được sự phân bổ hiệu quả các nguồn lực. Nhưng tôi không muốn nói rằng chúng ta nên tư nhân hoá một cách ồ ạt mà cần phải từ từ, trong đó chính phủ giữ lại các lĩnh vực có tính chiến lược.

25 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - UNDP

Có mặt ở Việt Nam từ năm 1977 đến nay, UNDP đã cung cấp gần 420 triệu USD trợ giúp phát triển trong tổng số hơn 1,3 tỷ USD chủ yếu là viện trợ không hoàn lại mà tất cả các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc đã cung cấp cho Việt Nam trong thời gian này. Chương trình hợp tác 2001-2005 là chu kỳ thứ sáu UNDP thực hiện tại Việt Nam.

Các mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - UNDP 25 năm qua:

1. Từ 1977 đến giữa thập kỷ 1980: Hỗ trợ tái thiết đất nước sau chiến tranh và chuyển giao công nghệ

2. Từ giữa thập kỷ 1980 đến giữa thập kỷ 1990: Hỗ trợ thực hiện tiến trình đổi mới và mở cửa.

3. Từ giữa thập kỷ 1990 đến nay: Thúc đẩy cải cách, xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững

Hiện nay trong những năm còn lại của chương trình hợp tác 2001-2005, sự trợ giúp của UNDP tập trung vào 3 định hướng lớn nhằm góp phần giúp Việt Nam thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của mình và các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đến năm 2015. Ba định hướng đó là xoá đói giảm nghèo và phát triển xã hội; điều hành quốc gia và cải cách thể chế; quản lý môi trường và giảm nhẹ thiên tai.