Tiền Giang: Tiểu dự án chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS
Các Website khác - 11/06/2005

Tiền Giang (TTXVN) - Sáng 11/6, tại Tiền Giang, Dự án "Dự phòng và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS ở Việt Nam" - Tiểu dự án Life-Gap Tiền Giang do Bộ Y tế phối hợp với Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đi vào hoạt động.

Đây là dự án do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính, nhằm làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, bắt đầu từ những nhóm có hành vi nguy cơ cao ở 40 tỉnh, thành tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ chăm sóc và điều trị miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS.

Tiểu dự án Life-Gap Tiền Giang bao gồm 3 chương trình hoạt động chính là: Tư vấn xét nghiệm tự nguyện, tiếp cận cộng đồng, chăm sóc và điều trị HIV bằng mô hình phòng khám ngoại trú với tổng kinh phí hơn 90.000 USD, được thực hiện từ nay đến tháng 6/2006.

Trước khi triển khai, các giảng viên của Văn phòng Tiểu dự án Life-Gap Tiền Giang đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ về các phương pháp tư vấn, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Theo Tiến sĩ Trần Như Nguyên, Phó trưởng Ban quản lý dự án Life-Gap (Bộ Y tế), đến nay dự án "Dự phòng và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS ở Việt Nam" đã được triển khai ở 33 tỉnh, thành trong cả nước và bước đầu đạt hiệu quả cao.

Dự án đã mở 29 khóa tư vấn xét nghiệm tự nguyện; đào tạo 800 tư vấn viên, xét nghiệm viên; tư vấn cho 47.000 khách hàng; phát hiện 8.000 trường hợp nhiễm HIV (khoảng 17%); trên 94% khách hàng quay lại nhận kết quả xét nghiệm và tư vấn lần 2. Dự án cũng đã đào tạo 842 nhân viên tiếp cận cộng đồng, tiếp cận trên 45.000 thân chủ; thành lập 35 phòng khám ngoại trú, mỗi ngày tiếp nhận, điều trị cho hàng chục lượt bệnh nhân...

Đến đầu tháng 6/2005, Tiền Giang đã phát hiện gần 1.600 ca nhiễm HIV/AIDS, trong đó có trên 260 ca chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 240 người chết vì căn bệnh này./.