Ấn Độ : Tòa án New Delhi công nhận tình dục đồng giới
Các Website khác - 03/07/2009
Tòa dân sự Delhi, Ấn Độ hôm qua ra phán quyết rằng, tình dục đồng giới có sự đồng thuận của hai bên không phải là tội ác. Theo luật hiện hành, người phạm tội có thể phải ngồi tù 10 năm.  

“Tình dục đồng thuận ở người lớn là hợp pháp, kể cả tình dục giữa hai người cùng giới tính”, thẩm phán tuyên bố. Luật hiện hành cấm “tình dục trái tự nhiên”, thuật ngữ mà người Ấn Độ hiểu là “tình dục đồng giới”, sẽ áp dụng trong trường hợp ân ái không có sự đồng thuận, ví dụ như lạm dụng bé trai hay hiếp dâm nam giới.

Tuy nhiên, con đường hợp pháp hóa tình dục đồng giới ở Ấn Độ còn dài. Tòa án Tối cao có thể đảo ngược phán quyết này.

Một số người ủng hộ quyền của người đồng tính ăn mừng phán quyết của tòa. Nguồn ảnh: AP

Tình dục đồng giới bị phản đối kịch liệt

Các nhà hoạt động xã hội vì quyền của người đồng tính cho rằng luật cấm “tình dục trái tự nhiên” ban hành năm 1861 dưới thời cai trị của Anh cản trở hoạt động phòng chống HIV/AIDS vì nhiều người đồng tính không muốn lộ diện vì ngại cơ quan chức năng làm phiền. Tuy nhiên, tất cả lời thỉnh cầu thay đổi luật cấm đều bị chính phủ kiên quyết từ chối.

Hiện chính phủ Ấn Độ chưa có động thái rõ ràng dù vài ngày trước khi tòa ra phán quyết, một số bộ trưởng cơ bản đồng ý với chủ trương bãi bỏ luật cấm “tình dục trái tự nhiên”.

Trong khi đó, các nhóm tôn giáo ở Ấn Độ bắt đầu phản đối kịch liệt phán quyết của Tòa dân sự Delhi. Đảng đối lập Bharatiya Janata cũng phản đối mạnh mẽ. Theo họ, tình dục đồng giới là phi đạo đức, trái tự nhiên và xã hội Ấn Độ không chấp nhận điều đó. Khả năng họ vận động Tòa án Tối cao tuyên bố phán quyết của Tòa dân sự Delhi vô giá trị là rất cao.

Nhiều người dân cho rằng xã hội Ấn Độ vẫn chưa thực sự cởi mở đối với vấn đề tình dục, đặc biệt là tình dục đồng tính. Có tới 11 bang ở nước này cấm giáo dục giới tính trong trường học. “Một người hàng xóm vào thăm căn hộ của tôi khi tôi đang xem tin về hợp pháp hóa tình dục đồng tính. “Tình dục đồng tính là gì?”, cô ấy hỏi. Khi tôi giải thích, cô ấy bị sốc và nói rằng đấy là bằng chứng của sự suy đồi đạo đức”, ông Balaji Ravichandran nói.

Phán quyết giúp phòng chống HIV/AIDS

Nhiều người cho rằng phán quyết của tòa sẽ “tiếp lửa” cho các tổ chức y tế và nhóm người đồng tính tích cực yêu cầu chính phủ bãi bỏ luật cấm tình dục đồng giới. Họ coi đây là một quyết định mạnh bạo vì ở Ấn Độ, việc ôm hôn, thậm chí giữa những người khác giới, ở nơi công cộng thường bị dè bỉu, phê bình.

“Cuối cùng chúng ta đã bước vào thế kỷ 21”, Anjali Gopalan, Giám đốc điều hành của Quỹ Naz Ấn Độ chuyên ủng hộ quyền của người đồng tính nam, phát biểu sau khi biết được nội dung phán quyết.

Quỹ Naz cho rằng nếu phán quyết được đưa vào cuộc sống, không bị Tòa án Tối cao bác bỏ thì các hoạt động đồng tính ngầm sẽ lộ sáng và điều này giúp ngăn HIV/AIDS lan rộng ra cộng đồng vì “bóng” nam, “bóng” nữ mang virus có thể yên tâm công khai đi chữa bệnh.

Ngày 2/7, Chương trình phối hợp về HIV/AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS) nhận xét rằng phán quyết của tòa án Ấn Độ có thể nêu gương cho khoảng 80 nước vẫn đang đặt tình dục đồng giới ngoài vòng pháp luật. Phán quyết này cũng sẽ khuyến khích người có HIV ở Ấn Độ tích cực chữa trị và tìm kiếm thông tin liên quan.

Bà Susan Timberlake, Trưởng nhóm luật và nhân quyền của UNAIDS, nói: “Luật cấm và sự sợ hãi đồng tính khiến nhiều người đồng tính nam, người đồng tính nữ và người chuyển giới không có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế mà họ rất cần trong một thế giới đầy rẫy HIV”.

Trong khi một số nước ở châu Phi, châu Á như Malaysia, Singapore, Bangladesh… và nhiều đảo ở vùng Caribea vẫn coi tình dục đồng giới là bất hợp pháp, Ấn Độ trở thành nước thứ 127 trên thế giới hợp pháp hóa hành vi này.

Quá trình công nhận pháp lý với các hành vi đồng tính bắt đầu từ năm 1989 khi Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận hôn nhân đồng giới. Na Uy, Thụy Điển và Băng Đảo có những quy định tương tự vào năm 1996 và Phần Lan “nối gót” 6 năm sau đó.

Hà Lan trở thành nước đầu tiên công nhận quyền hôn nhân đầy đủ của các cặp đồng tính vào năm 2001. Các nước có động thái tương tự gồm có Bỉ (năm 2003), New Zealand (2004), Tây Ban Nha, Canada và Nam Phi (2005).

Minh Long (tổng hợp)