Hội nghị thượng đỉnh APEC 2005 tại Busan (Hàn Quốc): Hiện thực hoá các mục tiêu và thoả thuận Từ ngày 18-19.11, thành phố cảng Busan sẽ là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đây là lần thứ hai Hàn Quốc (HQ) đăng cai tổ chức hội nghị này. PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Yeon-chul Yoo - Tham tán kinh tế Đại sứ quán HQ - về công tác chuẩn bị cũng như nội dung hội nghị. - Tuyên ngôn đầy đủ của biểu ngữ là "Hướng tới một cộng đồng: Đối đầu thách thức, tạo ra thay đổi", với hy vọng xây dựng APEC thành một cộng đồng thống nhất. Theo tôi, có ba thách thức hội nghị phải vượt qua: Làm sao đạt được mục tiêu Bogor (được đưa ra năm 1994 tại Indonesia) về tự do hoá thương mại trong khu vực đối với quốc gia phát triển vào năm 2010 và các quốc gia đang phát triển vào năm 2020. Tiếp đó là đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn và minh bạch, loại trừ các yếu tố bất ổn như tham nhũng, khủng bố. Tại hội nghị, HQ cũng hướng tới việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển, xây dựng cầu nối vượt qua những cách biệt nhằm hướng sự thịnh vượng chung. ´ Còn những thay đổi? - Thông thường các hội nghị APEC thường chỉ đề ra mục tiêu, mà không mang nhiều tính thực tiễn. Nhưng trong hội nghị lần này HQ tham vọng đề ra "lộ trình Busan" để có thể hiện thực hoá những mục tiêu và thoả thuận được đưa ra tại hội nghị, trong đó có đề cập tới tự do hoá thương mại và đầu tư, cũng như những vấn đề thời sự hiện nay là chống khủng bố, tham nhũng, cúm gia cầm... ´ An ninh là một trong những vấn đề quan ngại tại các hội nghị thượng đỉnh. HQ sẽ đảm bảo an ninh ra sao cho hội nghị APEC lần này? - HQ đã huy động 37.000 nhân viên an ninh để bảo vệ cho hội nghị. Ngoài ra, còn có 15.000 nhân viên an ninh tình nguyện tham gia. Sở Cảnh sát HQ sẽ thành lập Uỷ ban An ninh APEC chịu trách nhiệm an ninh, chống khủng bố và đảm bảo an toàn cho các vị khách trong trường hợp động đất, bão... ´ Ông kỳ vọng Việt Nam sẽ góp tiếng nói như thế nào tại diễn đàn lần này? - Hội nghị APEC là cơ hội để Việt Nam kêu gọi các nước thành viên tiếp tục ủng hộ tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tôi cũng hy vọng Việt Nam sẽ có bài tham luận về chống tham nhũng và dịch bệnh cúm gia cầm - hai vấn đề nóng bỏng hiện nay. ´ Vừa qua, HQ đã xúc tiến đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các nước ASEAN. Xin ông cho biết tiến triển của vòng đàm phán? - Vòng đàm phán FTA đầu tiên diễn ra tại Hà Nội vừa qua đã đưa ra những dấu hiệu khả quan. Vấn đề này cũng sẽ được đưa ra trong cuộc gặp giữa HQ và các nước ASEAN tại hội nghị APEC, và tiếp tục bàn thảo tại hội nghị ASEAN ở Malaysia vào tháng 12 tới. Vì trình độ phát triển kinh tế của các quốc gia ASEAN khác nhau, nên HQ sẽ có kế hoạch xem xét riêng với mỗi nước và như vậy tiến trình đàm phán có thể sẽ mất khá nhiều thời gian. ´ Lộ trình Trung Quốc đưa ra là ký kết FTA với ASEAN vào năm 2010. Phải chăng HQ đã chậm chân khi đến nay mới khởi động đàm phán FTA với ASEAN? - Thực ra HQ đã xúc tiến và hoàn tất đàm phán FTA với Singapore, nên tôi không nghĩ rằng việc đàm phán hiện nay với ASEAN là muộn. Có điều HQ và ASEAN cần thêm thời gian để hiểu hơn về nền kinh tế của nhau, trước khi ký kết hiệp định. - Xin cảm ơn ông! Phương Thuỷ thực hiện |
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (08/11/2005)
▪ Chủ tịch Nước Trần Đức Lương dự APEC 13 (08/11/2005)
▪ Ấn Độ và Pakistan mở cửa khẩu biên giới Kashmir (08/11/2005)
▪ Quảng trường Đỏ tràn ngập không khí lễ hội (08/11/2005)
▪ Hợp tác quốc tế để đối phó với thuốc lắc (08/11/2005)
▪ Tình ngay lý gian? (08/11/2005)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (07/11/2005)
▪ Năm cầm quyền chán nản của Tổng thống Ukraina (07/11/2005)
▪ Bạo lực tiến vào trung tâm Paris (07/11/2005)
▪ Trung Quốc không loại trừ ca tử vong đầu tiên do cúm gia cầm (07/11/2005)