Liệu pháp tâm lý điều trị chứng nghiện rượu ở Nga
Các Website khác - 23/10/2005
Liệu pháp tâm lý điều trị chứng nghiện rượu ở Nga

Nát rượu, nhưng sợ chết. Các bác sĩ tâm lý Nga đã đánh trúng tâm lý của các con nghiện nước này để điều trị chứng nghiện rượu cho họ thông qua liệu pháp tâm lý có tên gọi "mã hoá".

Là người nghiện rượu, Svetlana phải kiềm chế bản thân tránh xa các cuộc vui. Nhưng một ngày 2 năm trước, cô ngồi cạnh điện thoại và uống từng ngụm bia nhỏ, sẵn sàng gọi xe cứu thương nếu cần. Cô rất lo sợ và nghĩ rằng chỉ cần một chút cồn trong máu cũng khiến cô bị ngạt thở. "Tôi đã hoàn toàn tin rằng một điều gì đó tồi tệ sẽ xảy đến với mình" - Cô nhớ lại. 3 tháng trước đó cô đã bị "mã hoá" - từ mọi người dùng để gọi phương pháp điều trị chứng nghiện rượu của Nga.

Mã hoá được phát minh bởi chuyên gia tâm thần Xôviết Alexander Dovzhenko. Đó là một liệu pháp tác động lên tâm lý của người nghiện rượu để tạo ra lòng tin rằng nghiện rượu đồng nghĩa với cái chết. Bác sĩ tâm lý Andrei Yermoshin nói: "Phương pháp của Dovzhenko là một dạng thôi miên: Nếu uống rượu, bạn sẽ chết. Đó là phương pháp nhanh chóng và rẻ tiền, và việc bạn cai rượu trong 1, 2 hoặc 5 năm, phụ thuộc vào thời gian bạn bị mã hoá".

Vì là liệu pháp tâm lý nên mỗi bác sĩ lại có cách điều trị riêng tuỳ thuộc vào sở trường và óc sáng tạo của mình. Trong trường hợp của Svetlana, điều đó đã được tạo ra nhờ sự thôi miên nhẹ sau khi tiêm một loại dược phẩm mạnh có thể tấn công hệ hô hấp của cô. Trước khi thuốc có tác dụng, bác sĩ đưa cho cô uống một chút vodka. Cô cảm thấy choáng váng và khó thở trước khi vị bác sĩ làm cô hồi tỉnh bằng oxy. Vị bác sĩ cho biết, dược phẩm sẽ nằm lại trong cơ thể cô. Ông ta nói với Svetlana rằng, ông đã mã hoá cô trong 1 năm, và nếu cô uống rượu bia trong thời gian đó, cô sẽ chết. "Tôi đã tin ông ta, vì chúng tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về những người bị mã hoá chết khi uống rượu". - Svetlana thổ lộ.

Andrei Pavlov - nhà hoá học tại Viện nghiên cứu quốc gia ở Vladimir - cũng đã được mã hoá trong 5 năm. Ông cho biết, sau một loạt bài thuyết trình về kỹ thuật thư dãn, một vị bác sĩ massage đầu của ông trong vài phút, thầm thì những câu thần chú về sự nguy hiểm của rượu rồi nói: "Nếu anh uống rượu anh có thể bị liệt hoặc bị mù". Theo Pavlov, "mã hoá giống như chương trình máy tính được cài vào não bạn. Và khi bạn bắt đầu uống rượu, một điều gì đó tồi tệ xảy ra và nó có thể làm não bạn bị tổn thương". Ông đã mã hoá 2 lần vào năm 1995 và năm 2000 và đã cai nghiện được 9 năm.

Alexander Nemtsov - nhà tâm thần học của Viện Nghiên cứu Khoa học tâm thần Quốc gia ở Matxcơva - lại chọn cách áp dụng "công nghệ" trong điều trị nghiện rượu. Ông cho bệnh nhân uống một thứ chất lỏng gây tê cục bộ rồi đặt vào miệng họ các điện cực gây ra dòng điện rất yếu để tạo niềm tin rằng họ đã loại bỏ hoàn toàn khả năng uống rượu an toàn.

Các bác sĩ khác chụp lên đầu bệnh nhân một chiếc mũ giống của nhà du hành vũ trụ và nói với họ rằng, não của họ đang bị điều khiển. Một vài người cho biết, họ cho bệnh nhân uống các loại thuốc (thực chất là giả dược) và làm bệnh nhân tin rằng chúng sẽ tương tác với rượu và gây ra cái chết cho họ. Khi được hỏi đã cho bệnh nhân uống thuốc gì, Alexei Magalif, bác sĩ tâm thần ở Matxcơva, nói: "Đó là bí mật công nghệ, chúng tôi không được phép tiết lộ. Tôi chỉ có thể nói rằng tất cả các hợp chất đó là một dạng tâm lý liệu pháp".

Việc lạm dụng rượu ở Nga là rất trầm trọng. Theo các nhà nghiên cứu, nước Nga có hơn 50.000 người chết hàng năm do ngộ độc rượu, so với 400 người/năm ở Mỹ. Việc khuyên bảo người nghiện rượu tỏ ra không mấy hiệu quả, do vậy đối với nhiều người Nga, cách điều trị có hiệu lực duy nhất chính là mã hoá. Dù hiệu quả của phương pháp này chưa bao giờ được nghiên cứu một cách nghiêm túc, hàng trăm nghìn người ở Nga và các nước cộng hoà khác thuộc Liên Xô cũ đã được mã hoá để chống lại sự thèm khát rượu trong 20 năm qua. Kỳ Phong (Theo Washington Post)