Người biểu tình bao vây Phủ Thủ tướng Thái Lan
Các Website khác - 21/06/2008
 
Đoàn người biểu tình đứng trải dài hàng cây số quanh khu vực Phủ Thủ tướng - Ảnh: Việt Phương

Tình hình chính trị tại Thái Lan đã nóng nay lại càng ngột ngạt hơn khi những người biểu tình tiến đến bao vây Phủ Thủ tướng vào chiều hôm qua.

Cuộc bủa vây được tính toán

Hôm qua, khoảng 50.000 người biểu tình thuộc Liên minh Dân chủ Nhân dân (PAD) đã áp sát hàng rào Phủ Thủ tướng (hay Tòa nhà Chính phủ) ở thủ đô Bangkok sau khi nỗ lực ngăn cản của cảnh sát thất bại.

Xuất phát từ 12 giờ trưa, người biểu tình chia làm 4 nhóm đi theo các hướng khác nhau tiến đến Phủ Thủ tướng. Bản thân cảnh sát không lường trước được kế hoạch chia nhóm này nên không đủ thời gian trở tay để huy động lực lượng. Sau khi vượt qua được sự kháng cự yếu ớt của lực lượng cảnh sát mỏng, nhóm chính dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo biểu tình Chamlong Srimuang đã bị chặn lại ở ngã tư Nakhon Sawan-Phitsanulok bởi một hàng rào cảnh sát khác. Tại một hướng khác dẫn đến Phủ Thủ tướng, nỗ lực ngăn chặn của cảnh sát lại thất bại sau khi một nhóm chừng 500 người lọt vào được khu vực bảo vệ. Từ hàng rào cảnh sát bị phá vỡ này, những người biểu tình tiến vào khu vực được bảo vệ đông hơn. Tiếp theo đó, hàng rào cảnh sát ở các hướng khác cũng dần bị "vỡ trận". Lực lượng cảnh sát này đành nhẹ nhàng rút lui để khoảng 10.000 người biểu tình áp sát Phủ Thủ tướng lúc 15 giờ. Họ đồng loạt chỉ tay về phía trong phủ và hô vang các khẩu hiệu như: "Cút đi!", yêu cầu Thủ tướng đương nhiệm Samak Sundaravej và nội các của ông từ chức, cáo buộc chính phủ đương nhiệm là đại diện của cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra. Cần nhắc lại rằng, một trong những mục đích chính cuộc biểu tình của PAD là phản đối động thái muốn sửa Hiến pháp của chính phủ đương nhiệm, điều mà họ cho rằng sẽ giúp ông Thaksin gột sạch mọi cáo buộc tham nhũng và lạm quyền mà ông đang đối mặt. Số người biểu tình ngày càng đông. Những người biểu tình cũng không cố gắng đột nhập vào bên trong khuôn viên của Phủ Thủ tướng mà chỉ đứng ngoài hô hào các khẩu hiệu và hát múa. Họ vỗ tay và reo hò cám ơn cảnh sát... đã để cho PAD vào gần Phủ Thủ tướng. Theo quan sát của phóng viên Báo Thanh Niên, chỉ vài trăm cảnh sát có mặt trong khuôn viên Phủ Thủ tướng để bảo vệ. Không rõ sâu bên trong có bao nhiêu cảnh sát. Chiều qua cũng không có vụ bạo lực nào đáng kể trong cuộc biểu tình hôm qua trừ việc 4 cảnh sát, trong đó có 2 nữ, bị thương nhẹ khi trong một vụ xô xát nhỏ với những người biểu tình. Cảnh sát cũng không sử dụng vũ lực để trấn áp những người của PAD mặc dù súng bắn hơi cay và vòi rồng đã được chuẩn bị sẵn.

Những người biểu tình bị hàng rào cảnh sát chặn lại. Nhóm cảnh sát này sau đó rút đi, để những người biểu tình phá rào, tiến về Phủ Thủ tướng - Ảnh: Việt Phương

Sau khi thành công trong việc áp sát và bao vây Phủ Thủ tướng, lãnh đạo biểu tình Chamlong tuyên bố đây là một thắng lợi. Hiện chưa rõ PAD sẽ có động thái gì tiếp theo. Cần nhắc lại rằng, PAD là lực lượng đã biểu tình rầm rộ hồi năm 2006, dẫn đến cuộc đảo chính quân sự sau đó lật đổ ông Thaksin. Thêm nhiều tuyến đường ở Bangkok tiếp tục bị tắc nghẽn trong hôm qua bởi cuộc biểu tình của PAD. Các ngả đường dẫn đến Phủ Thủ tướng đều bị chặn lại từ đêm hôm trước. PAD cũng đã di chuyển sân khấu và hàng loạt vật dụng khác khỏi cầu Makkhawan Rangsan, nơi mà họ bám trụ suốt gần 4 tuần qua, để đến địa điểm mới là ngay trước Phủ Thủ tướng. Cảnh sát canh gác tại cầu Makkhawan Rangsan cũng đã rút đi.

Cho đến 16 giờ, có tin nói ông Samak đã triệu tập Tư lệnh lục quân Anupong Paochinda và Tư lệnh vùng 1 (phụ trách Bangkok) Prayuth Chan-ocha. Cuộc gặp được cho là để bàn về tình hình biểu tình hiện tại. Cuối giờ chiều qua, Hạ nghị sĩ PPP Jatuporn Prompan cho hay Thủ tướng Samak đã sẵn sàng để lên truyền hình phát biểu trực tiếp nếu PAD tràn vào Phủ Thủ tướng. Ông Jatuporn không nói rõ đó là phát biểu gì nhưng có thể là việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp để đẩy lui cuộc biểu tình.

Sức ép lên ông Samak mỗi lúc một tăng

Cho đến đêm qua, lực lượng của PAD vẫn duy trì xung quanh Phủ Thủ tướng. Họ tuyên bố sẽ ở lại đây cho đến khi nào chính phủ của ông Samak từ chức. Nếu như vậy, không rõ chính phủ của ông Samak sẽ làm việc ra sao trong những ngày tới trong tình cảnh bị áp sát và bao vây như thế này. Và có thể thấy rõ rằng, sức ép đang ngày càng gia tăng lên chính phủ của ông Samak.

Người biểu tình gỡ rào của cảnh sát để tiến sát Phủ Thủ tướng

Trong một diễn biến khác, chiều tối qua, Quốc hội Thái Lan cũng đã chính thức chấp nhận đơn của đảng đối lập Dân chủ (DP) về việc chất vấn năng lực của chính phủ đương nhiệm. DP đã gửi đơn này lên Hạ viện hồi đầu tuần sau khi yêu cầu đòi mở phiên chất vấn chính phủ trước đó của họ.

Trước những sức ép như vậy đang bủa vây chính phủ đương nhiệm mới 4 tháng tuổi, báo giới và các nhà phân tích đang nghĩ đến chiều hướng ông Samak sẽ giải tán Hạ viện. Tuy nhiên, việc này là bất khả thi bởi Hiến pháp Thái Lan quy định rằng Hạ viện không thể bị giải tán một khi đơn đòi chất vấn chính phủ được nộp lên. Một khi không thể giải tán được Hạ viện, ông Samak chỉ có 2 lựa chọn: một là phó mặc cho tình hình hoặc phải từ chức. Người ta đang thắc mắc tại sao Hạ viện, nơi mà phần đông thành viên đảng cầm quyền Sức mạnh Nhân dân (PPP) đang nắm đa số và giữ ghế Chủ tịch, lại chấp nhận đơn chất vấn của DP ngay trong lúc cuộc biểu tình của PAD đang dâng cao. Liệu có phải ông Samak đang bị chính những đồng minh của mình quay lưng lại? Cần biết rằng, những rạn nứt trong liên minh cầm quyền và ngay cả trong nội bộ PPP là điều mà báo chí và dư luận đồn đoán nhiều trong thời gian qua.

Việt Phương
(VP Bangkok)