Người Châu Âu ép Châu Âu
Các Website khác - 29/08/2005
Bế tắc trong đàm phán hàng dệt may Châu Âu - Trung Quốc:
Người Châu Âu ép Châu Âu

Ngày 28.8, vòng đàm phán dệt may giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc bước sang ngày thứ tư, nhưng vẫn chưa đạt được giải pháp nào cho hơn 75 triệu mặt hàng dệt may Trung Quốc bị ứ đọng tại hải cảng Châu Âu do vượt quá hạn ngạch.

Một nhà máy may tại tỉnh An Huy
(Trung Quốc).

Ngày 28.8, ông Peter Mandelson - Cao uỷ Thương mại EU - cho hay, cả Châu Âu và Trung Quốc đều nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng dệt may hiện nay. "Chúng tôi hy vọng có thể tìm ra giải pháp thật thực tế để có thể tháo gỡ bế tắc mà vẫn đảm bảo lợi ích tất cả các bên" - ông Mandelson nói.

BBC nhận định, có thể các nhà đàm phán EU sẽ đề xuất ứng trước hạn ngạch của năm 2006 cho Trung Quốc. Nhưng phía Trung Quốc lại muốn tìm giải pháp để bảo đảm sẽ không xảy ra việc hàng dệt may nước này bị ách tắc trong 12 tháng tới. Hàng dệt may Trung Quốc xuất sang Châu Âu đã đạt 2,1 tỉ USD trong tháng 6, cao hơn 85% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến EU đã phải áp đặt hạn ngạch với mặt hàng này.

Trong khi đó, các nhà bán lẻ hàng hoá tại lục địa Châu Âu đang gây sức ép lên bàn đàm phán, khi họ đe doạ sẽ đòi EU bồi thường về thiệt hại do lệnh phong toả hàng hoá Trung Quốc. Các nhà bán lẻ Châu Âu, vốn đã trả tiền ứng trước cho hơn 75 triệu mặt hàng dệt may Trung Quốc đang bị ứ đọng, có nguy cơ phải trả thêm phí tồn kho và vận chuyển. Họ buộc tội Uỷ ban Thương mại Châu Âu đưa ra hạn ngạch dệt may, mà không dự đoán được về những bế tắc có thể xảy ra. Ngay cả Pháp - một trong những quốc gia trước đây ủng hộ mạnh mẽ việc áp dụng các biện pháp hạn chế đối với hàng dệt may Trung Quốc - cũng phải kêu gọi EU nhẹ tay với hàng xuất đi từ "xưởng dệt may khổng lồ của thế giới" này.

Hiệp hội các nhà bán lẻ Đức cảnh báo, có thể yêu cầu bồi thường từ EU nếu như vấn đề hàng dệt may Trung Quốc không sớm được giải toả. "Nếu như vấn đề không được giải quyết vào cuối tuần này và hàng hoá không được thông quan, chúng tôi sẽ hành động" - ông Rolf Pangels - người đứng đầu Liên đoàn BAG, đại diện cho các nhà bán lẻ vừa và nhỏ tại Đức -tuyên bố. Liên đoàn bán lẻ khác của Đức là HDE cũng dự đoán sẽ xuất hiện các thông báo phá sản đầu tiên của các nhà nhập khẩu cỡ vừa và nhỏ hàng hoá Trung Quốc trong vài ngày tới, do lệnh cấm của EU.

EU thì lập luận rằng, họ cần phải cân bằng giữa một bên là các nhà bán lẻ muốn nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc, nhưng một mặt lại phải bảo vệ các nhà sản xuất đang lo lắng bị mất công ăn việc làm. Cho dù hai bên có đạt được thoả thuận tại vòng đàm phán ở Bắc Kinh, nó cũng cần phải được 25 nước thành viên EU thông qua. Trong lúc vấn đề chưa được giải quyết, hạn ngạch của EU đã ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà sản xuất dệt may Trung Quốc. Nhiều công ty đã buộc phải sa thải nhân công, vì không còn việc để làm. A.P (Theo AFP)