Những người Tây Ban Nha mê Việt Nam
Các Website khác - 20/02/2006
Những người Tây Ban Nha mê Việt Nam

Carlos Fruhbeck Moreno (ảnh) là thành viên mới trong "gia đình" Cervantes - nơi đảm nhiệm chức năng truyền bá tiếng Tây Ban Nha (TBN) - tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (ĐHNNHN). Mới sang Việt Nam (VN) tròn một tháng, nhưng cuộc sống sôi động và tình cảm nồng hậu của người dân địa phương đã mê hoặc người con của "xứ sở bò tót và vũ điệu flamenco".

Thích nói, hay cười và nồng nhiệt"
"Tại Hà Nội, ở đâu tôi cũng nhìn thấy những gương mặt trẻ em đang cười và nô đùa. Đó là điều mong ước nhất hiện nay tại TBN đấy" - Moreno nói, giọng đầy thán phục. Lý do đơn giản chỉ vì TBN cũng như nhiều quốc gia phát triển khác đang lâm vào cảnh dân số già, nên Moreno thấy tự hào "thay" VN về một quốc gia với dân số trẻ và năng động.

Trước khi tới VN, Moreno đã từng công tác tại Viện Cervantes ở Trung Quốc trong hơn một năm. Vì vậy, cuộc sống tại Hà Nội không làm Moreno quá bỡ ngỡ. "Tôi rất thích đi xe buýt. Ở đó có nhiều người trẻ trung, và ai cũng niềm nở với tôi" - Moreno cười. Anh bảo, sinh viên VN chăm chỉ và rất thích khám phá nền văn hoá TBN. Phòng máy tại Cervantes lúc nào cũng đông sinh viên tới tra cứu tư liệu. Dĩ nhiên, Moreno luôn là "kho thông tin sống" đối với họ. "Các sinh viên VN rất tôn trọng thầy, cô giáo và nghiêm túc trong học hành - điều đó khiến tôi thực sự ấn tượng" - Moreno nói.

Moreno cũng như người tiền nhiệm của anh là J.Manolo tại phòng Cervantes là những người đã góp phần làm cháy lên tình yêu của các sinh viên VN đối với "xứ sở bò tót". "Khi mới vào học, nhiều sinh viên rất nản, vì tiếng TBN quá phức tạp. Nhưng càng học, em càng bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của ngôn ngữ cũng như nền văn hoá tuyệt vời của người dân TBN" - Đàm Thanh Thuỷ - sinh viên năm thứ ba, khoa Tiếng TBN, ĐHNNHN - cho hay.

Hầu hết các sinh viên khoa Tiếng TBN đều chung nhận định về cá tính tương đồng giữa người dân hai nước là... hay cười, nói nhiều và nồng nhiệt. Những vũ điệu flamenco say đắm, giai điệu guitar trữ tình và các cuộc thi đấu bò tót sôi động luôn gắn liền với tính cách của người TBN. "Nếu giữa đám đông có ai đó luôn miệng cười, bắt tay chặt và nói rất to - đó chắc hẳn là người TBN hoặc ít nhất là người nói tiếng TBN" - Thuỷ dí dỏm. Âận tượng sâu đậm nhất của Cao Thanh Bình - cũng là một sinh viên khoa Tiếng TBN - lại là cách bày tỏ tình cảm khi được tặng quà của người TBN, mà đại diện ở đây là Manolo. "Khi biết tin Manolo về nước, lớp có mua một món quà tặng. Manolo vui tới mức... hôn khắp lượt, khi biết đó là một bộ cốc chén dành cho đám cưới của anh" - Bình kể.

TBN luôn ưu tiên phát triển quan hệ với VN
Moreno rất vui vì anh có mặt tại VN đúng thời điểm chuyến thăm của Quốc vương Juan Carlos và Hoàng hậu Sofia - chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của nguyên thủ quốc gia TBN kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1997. Cho tới nay, TBN là quốc gia đứng thứ 6 về cấp viện trợ cho VN, với vốn cam kết hơn 350 triệu USD. Anh Lưu Vạn Khang - Văn phòng Hợp tác Phát triển (OTC) thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế của TBN - cho hay, trong 5 năm tới, TBN sẽ dành cho VN khoản viện trợ không hoàn lại 40 triệu euro và viện trợ có hoàn lại 14 triệu euro, với bình quân mỗi năm gần 10 triệu euro. Con số này tăng gần gấp hai lần so với mức viện trợ năm 2005, là năm cao nhất của thời kỳ 2002 - 2005. Theo lý giải của anh Khang, TBN luôn xem VN là nước ưu tiên phát triển quan hệ trong khu vực Châu Á.

Kế hoạch sắp tới của Moreno là chuẩn bị đưa vợ và con tới Hà Nội vào tháng 3 tới. "Vợ tôi rất háo hức khi được biết sẽ sống tại VN. Và một điều chắc chắn là chúng tôi sẽ học tiếng Việt" - Moreno khoe. Phương Thuỷ