Thế giới sẽ nghèo hơn sau đại dịch
Trong những đợt bùng phát cúm gia cầm vừa qua, nhiều quốc gia đã chịu tổn thất nặng nề về kinh tế với hàng trăm triệu gia cầm bị tiêu huỷ cùng hàng chục triệu USD dành cho các chiến dịch khử trùng tiêu độc và tiêm vaccine. Nhưng những con số đó chỉ như muối bỏ bể so với những thiệt hại mà một đại dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người có thể gây ra. Những con số gây sốc
 | Người nông dân Nga này có thể sẽ nghèo hơn. | Tại Châu Âu, theo Thea Sinclair - nhà kinh tế thuộc ĐH Nottingham (Anh), tác động về kinh tế đối với các nước sẽ rất khác nhau, nhưng Anh, Hi Lạp, Tây Ban Nha và Italia thuộc số những quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất do nền kinh tế của họ lệ thuộc quá nhiều vào du lịch. Riêng tại Anh, dự báo GDP sẽ giảm 8%, tương đương 95 tỉ bảng, 3% người lao động (941.000 người) sẽ bị mất việc làm do nhiều công ty bị phá sản. Một dịch cúm thông thường trung bình gây thiệt hại cho Mỹ 118 tỉ USD một năm, nhưng con số đó đối với một đại dịch cúm gia cầm sẽ lớn hơn 6 lần.
Tại khu vực Châu Á - Thái Bình dương, theo dự đoán của Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) thiệt hại do đại dịch cúm gia cầm gây ra sẽ khoảng 250-290 tỉ USD. Ngân hàng này tin rằng, ngay cả khi đại dịch tương đối "nhẹ nhàng", tổn thất cho các quốc gia trong khu vực cũng sẽ khoảng 90-110 tỉ USD do những hậu quả từ việc du lịch bị đình trệ, đầu tư, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bị suy giảm. Ngoài ra còn phải kể đến thiệt hại do công nhân bị chết hay mất khả năng làm việc (khoảng 15 tỉ USD). Clifford Tan - nhà phân tích của Citigroup ở Singapore - dự báo đại dịch bùng nổ có thể làm GDP Châu Á giảm 5% - hậu quả tồi tệ hơn nhiều so với dịch SARS hay sự tan rã của thị trường tài chính Châu Á năm 1997. Ông nói: "Tác động của nó sẽ rất thảm khốc. Đó có thể sẽ là thời kỳ suy thoái trầm trọng nhất của Châu Á".
Các thành phố vắng người Theo Jacques Jeugmans - chuyên gia y tế của ngân hàng ADB, khi đại dịch xảy ra nhiều hoạt động kinh tế có thể bị đình trệ do dịch bệnh rất khắc nghiệt đối với hoạt động kinh doanh cần sự tập trung đông người. Virus cúm gia cầm có thể dễ dàng lây truyền hơn nhiều so với SARS - vốn lây nhiễm khá chậm khi tiếp xúc hay nhiễm bẩn. Ví dụ một hành khách đi máy bay bị nhiễm cúm có thể truyền bệnh cho hàng trăm hành khách khác, trong khi những người mang virus SARS chỉ gây nguy hiểm cho những người ngồi cạnh. Và không giống SARS, virus cúm lây lan trước khi người mang nó có những triệu chứng bệnh, làm vấn đề trở nên cam go hơn.
Đại dịch cúm gia cầm sẽ dẫn đến sự lây lan của hội chứng "sợ đám đông". Các thành phố và nơi công cộng sẽ rơi vào cảnh vắng vẻ do người dân cố thủ ở nhà để hạn chế tiếp xúc. Ngành công nghiệp du lịch cùng hàng loạt các hoạt động ăn theo sẽ chứng kiến sự suy sụp chưa từng thấy. Ơ Hồng Kông và Singapore, các khách sạn trống rỗng, sân bay vắng teo và các nhà hàng đóng cửa - hình ảnh tượng trưng cho thời dịch SARS, một viễn cảnh có thể tái diễn trong đại dịch cúm gia cầm, nhưng ở quy mô lớn hơn nhiều. Còn tại Anh, theo Sinclair, ngành công nghiệp du lịch sẽ giảm tới 75%. Sự thờ ơ của người tiêu dùng cũng sẽ làm thương mại toàn cầu bị tụt dốc thảm hại. Và với quá nhiều ngành công nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí cả giá dầu cũng có thể bị giảm do giảm cầu.
Dễ bị tổn thương nhất sẽ là các quốc gia chủ yếu dựa trên các hoạt động kinh doanh, du lịch và có mật độ dân số dày đặc như Hồng Kông, Singapore, và Trung Quốc. Theo Kroll's O'Keeffe, "những tác động của đại dịch lên lực lượng lao động tại các thành phố đông dân của Trung Quốc, nơi những công nhân nhập cư sống trong các khu nhà tập thể, hay các thành phố như Tokyo với quá nhiều người qua lại sẽ rất khủng khiếp".
Nhưng một số ngành kinh doanh có thể sẽ phát đạt. Với hàng triệu người tự cách ly tại nhà, nhu cầu chơi game, xem video, truyền hình cáp và công nghệ viễn thông sẽ tăng lên rất lớn. Một ngành công nghiệp khác vẫn trụ vững là công nghiệp dược phẩm. Các nhà sản xuất vitamin, thuốc kháng virus và vaccine sẽ phải tăng tốc để đáp ứng nhu cầu vô cùng lớn. Và trong bối cảnh đó, nơi "nhộn nhịp" nhất còn sót lại tất nhiên sẽ là... các bệnh viện và những nơi được trưng dụng để làm bệnh viện. Hoàng Giang tổng hợp u Khử trùng tại chợ chim cảnh ở Hồng Kông. |