Mandela trở thành ngôi sao truyện tranh
Các Website khác - 29/10/2005
Học sinh Nam Phi đọc truyện tranh kể về ông Mandela.
Học sinh Nam Phi đọc truyện tranh kể về ông Mandela.

Hôm qua, đích thân ông Nelson Mandela cho ra mắt những cuốn sách kể về cuộc đời mình, được viết dưới dạng một bộ truyện tranh gồm 9 tập, để khuyến khích những thanh thiếu niên Nam Phi tìm đọc.

Biểu tượng của cuộc đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi nói vui tại trụ sở tổ chức Nelson Mandela Foundation: "Các bạn biết đấy, các bạn sẽ thực sự nổi tiếng một khi trở thành nhân vật truyện tranh".

Những cuốn sách trên nằm trong số các sáng kiến nhằm tôn vinh cuộc đời đấu tranh đã trở thành huyền thoại của nhà cựu lãnh đạo Nam Phi 87 tuổi, trong đó còn bao gồm những cuộc triển lãm và nhiều bài nói chuyện trước công chúng.

Bằng cách kể về câu chuyện cuộc đời ông Mandela qua những hình vẽ đầy màu sắc, tổ chức Nelson Mandela Foundation hy vọng sẽ góp phần khắc phục nạn mù chữ vẫn còn dai dẳng hơn 10 năm sau khi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid chấm dứt.

Ông Mandela trong lễ ra mắt cuốn sách.
Ông Mandela trong lễ ra mắt cuốn sách.

Khoảng một triệu bản truyện tranh nói trên sẽ được phân phát miễn phí cho các trường học và toà báo. Lần xuất bản đầu tiên này được in bằng tiếng Anh, nhưng Nelson Mandela Foundation có kế hoạch chuyển dịch bộ sách sang toàn bộ 11 ngôn ngữ chính thức ở Nam Phi

Tập đầu tiên có tên "Một đứa con của Mũi phía Đông", kể về quá trình trưởng thành của ông Mandela tại vùng nông thôn Transkei. Giai đoạn này kết thúc bằng việc ông đặt chân tới thành phố Johannesburg, nơi ông thành lập công ty luật đầu tiên của người da đen ở Nam Phi và lãnh đạo nhóm vũ trang của đảng Đại hội Dân tộc Phi ANC đang cầm quyền.

Cựu tổng thống Mandela trải qua 27 năm trong nhà tù vì phản đối quyền lãnh đạo của người da trắng thiểu số và trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi vào năm 1994. Ông kể: "Một trong rất ít những lợi thế của nhà tù là bạn có thời gian để đọc và thời gian để suy ngẫm".

Ông Mandela rút khỏi đời sống chính trị năm 1999, nhưng vẫn là một biểu tượng của sự hoà giải và một nhà hoạt động nổi bật ủng hộ những người kém may mắn, trong đó có trẻ em mồ côi và người nhiễm HIV.

Đình Chính (theo Reuters, AP)