Thế giới thứ ba trong lòng nước Mỹ
Cơn bão Katrina khủng khiếp đã mở ra một bức tranh rõ nét về nước Mỹ. Hiện nay, ít nhất người Mỹ đã bắt đầu quan tâm đến các vấn đề đói nghèo, chủng tộc và giai cấp - điều mà trước đây họ bỏ qua. Dù thảm hoạ ở New Orleans khó có thể là nguyên cớ cho một cuộc chiến chống đói nghèo, nhưng nó có thể là cơ hội để bắt đầu một cuộc tranh cãi, hay ít nhất cũng buộc Washington phải suy nghĩ nghiêm túc hơn tại sao một phần của đất nước giàu có nhất thế giới này lại chẳng khác gì thế giới thứ ba. Sự tồi tệ dai dẳng
 | Những người da đen gặp nạn tại New Orleans đang chạy ra trực thăng cứu hộ sau những ngày hoảng loạn. | Theo nghị sĩ Barack Obama, "những người dân ở New Orleans đã bị bỏ quên quá lâu với các tệ nạn trên đường phố, các trường học không đủ tiêu chuẩn, những ngôi nhà đổ nát, sự chăm sóc y tế không thoả đáng, và cảm giác tuyệt vọng tràn lan".
Và vấn đề lớn đặt ra hiện nay là tình trạng ngập lụt do cơn bão Katrina gây ra liệu có làm thay đổi nhận thức của mọi người. "Người Mỹ có xu hướng cho rằng bản thân người nghèo phải chịu trách nhiệm về tình trạng kinh tế của họ - Andrew Cherlin, nhà xã hội học, ĐH Johns Hopkins nói - Nhưng nỗi bất hạnh vừa qua không phải do lỗi của người nghèo. Điều đó nhắc nhở chúng ta có bổn phận chăm lo cuộc sống cho mỗi công dân Mỹ".
Trong 4 thập kỷ qua, một phần bổn phận đó đã được thực hiện. Bảo hiểm xã hội và Chương trình Medicare đã loại bỏ cảnh nghèo nàn trong số người già. Tình trạng thiếu đói hầu như đã thuộc về dĩ vãng. Chương trình cho nợ thuế thu nhập đối với người lao động nghèo giúp hàng triệu người trở thành trung lưu cấp dưới.
Nhưng sau 1 thập kỷ cải thiện (những năm 1990), tình trạng nghèo nàn ở Mỹ lại trở nên tồi tệ hơn. Trong một đất nước có gần 300 triệu dân, hiện có tới 37 triệu người sống dưới mức nghèo khổ (thu nhập 14.680USD/năm cho gia đình 3 người), tăng 1 triệu người mỗi năm. Với sự hoành hành của cơn bão Katrina, con số đó hẳn tăng lên đáng kể. Tỉ lệ nghèo 12,7% của Mỹ là con số cao nhất trong các quốc gia phát triển và cao gấp đôi so với phần lớn các nước công nghiệp khác. Riêng tại New Orleans, tỉ lệ đó lên tới... 28%!
 | Người di tản sống tạm bợ trong các trại tị nạn khi cơn bão Katrina hoành hành. | Vậy những người nghèo là ai? Do người da trắng chiếm tới 72% dân số, nên nước Mỹ có nhiều người nghèo da trắng hơn da đen hay Hispanic (người gốc Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha). Nhưng nếu tính theo tỉ lệ thì chỉ có trên 8% người Mỹ da trắng thuộc dạng nghèo, so với 22% Hispanic và gần 1/4 người Mỹ gốc Phi (với tỉ lệ dân số 12%). Trong những thập kỷ gần đây, đã có những cải thiện nhất định về tỉ lệ nghèo của người da đen do sự gia tăng của tầng lớp da đen trung lưu. Tuy nhiên, con số đó không nhiều.
Nghèo có trước bão Katrina Sau 40 năm nghiên cứu, nguyên nhân của sự nghèo nàn vẫn đang là đề tài gây tranh cãi. Những người thuộc Đảng Tự do cho rằng vấn đề là hệ thống kinh tế quá hướng về phía người giàu; còn các nhà bảo thủ đổ lỗi cho sự suy yếu về văn hoá. Trong khi nạn đói kém, tội phạm, ma tuý và sự phân biệt chủng tộc công khai đã được giảm nhẹ, thì các vấn đề khác liên quan đến đói nghèo lại đang trở nên tồi tệ hơn: lương không được cải thiện, sự cô lập về mặt xã hội và những hình thức phân biệt chủng tộc khác - tất cả đều có thể tìm thấy ở New Orleans trước khi cơn bão Katrina đổ bộ vào đất liền.
Với rất nhiều người Mỹ, từ lâu tiền lương đã không thể theo kịp tốc độ tăng giá, trừ những người có địa vị (năm 1965, lương giám đốc điều hành cao hơn 24 lần so với lương công nhân trung bình, đến năm 2003, con số này là 185 lần). Trong 4 năm qua, nước Mỹ đã cắt giảm 2,7 triệu chỗ làm trong các ngành sản xuất. Còn tại New Orleans, từ nhiều năm qua đã không còn việc làm khả dĩ. Đa phần người lao động chuyển sang làm trong các nhà hàng hay công nghiệp du lịch, thường được trả lương thấp và không được chăm sóc sức khoẻ.
Ví dụ như trường hợp của Delores Ellis. Trước khi bão Katrina đổ bộ vào đất liền, công dân 51 tuổi này của New Orleans đã có thu nhập cao nhất trong đời mình là 6,5USD/giờ với tư cách là người trông nom trường học, nhưng không có chế độ bảo hiểm y tế hay lương hưu. Cũng giống như phần lớn những người tản cư nghèo khổ khác, bà không có tài khoản ngân hàng. Và lý do để bà và nhiều người nghèo khác không chú ý đến những lời cảnh báo phải rời New Orleans trước khi cơn bão đổ bộ là không có ôtô.
Một vấn đề nữa làm trầm trọng thêm nạn đói nghèo là sự phân biệt chủng tộc - điều rất dễ nhận ra sau thảm hoạ ở New Orleans. Những người truy cập trang web Yahoo News đều bị ấn tượng bởi hình ảnh 2 người da trắng sũng nước được mô tả đang "vận chuyển lương thực", trong khi một bức ảnh khác có nội dung tương tự nhưng những người da đen lại bị coi là "kẻ cướp". Sau khi cơn bão Katrina hoành hành tại New Orleans, cảnh sát da trắng đã đóng cửa ít nhất một cây cầu để ngăn không cho một nhóm người da đen chạy sang khu vực của người da trắng. Và trong vòng 2 ngày, một người lái taxi đường sông da trắng đã cứu rất nhiều người trong khu vực ngập lụt và đưa họ đến nơi an toàn.
Nhưng tất cả họ đều là người da trắng. Liệu sự chậm trễ trong việc cứu trợ của Washington cũng liên quan đến chủng tộc? Năm 2004, Tổng thống Bush đã tổ chức cứu trợ Florida ngay lập tức sau cơn bão ở đây, không ai bị bỏ lại. Howard Dean - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia của Đảng Dân chủ - nói, sự chậm trễ của Chính phủ bộc lộ "một sự thật tồi tệ là màu da, tuổi tác, và khả năng kinh tế đóng vai trò quan trọng quyết định ai sống sót và ai không". Hoàng Giang (Theo Newsweek, Washington Post) |