10 sự kiện thể thao Việt Nam năm 2005
Các Website khác - 01/01/2006
10 sự kiện thể thao Việt Nam năm 2005

Năm 2005, thể thao Việt Nam trải qua với bao cảm xúc khác biệt. Thành công vang dội trong các cuộc tranh tài quốc tế, đặc biệt là tại SEA Games 23, ASEAN Paragames 3... Bên cạnh đó, là sự ê chề trong bóng đá khi đường dây tiêu cực của các trọng tài, HLV, đội bóng bị lật tẩy; là sự ngỡ ngàng đến căm phẫn khi vụ án bán độ của một số cầu thủ U.23 Việt Nam bị phanh phui. Dẫu vậy, bức tranh thể thao Việt Nam năm qua có rất nhiều gam màu sáng...

1. Kỳ tích tại SEA Games 23
Đứng thứ 3 chung cuộc, đoàn TTVN tại SEA Games 23 đã lập kỳ tích với 71 HCV, 68 HCB và 89 HCĐ. Đây cũng là thành tích tốt nhất của TTVN từ trước đến nay khi "đem chuông đi đánh xứ người". Tuyệt vời hơn, VĐV Nguyễn Hữu Việt mang về cho bơi lội VN tấm HCV đầu tiên trong lịch sử ở nội dung bơi 100m ếch; VĐV Vũ Thị Hương xuất sắc trở thành "nữ hoàng tốc độ", mang về cho điền kinh VN tấm HCV đầu tiên trong lịch sử ở nội dung chạy 100m nữ. Ngoài ra, kỳ tích của TTVN còn phải kể đến lần thứ 3 liên tiếp các cầu thủ bóng đá nữ vô địch SEA Games; võ sĩ Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Thị Huyền Diệu 4 lần liên tiếp giành HCV; cô gái vàng Ngân Thương lần đầu tiên mang về cho thể dục VN tấm HCV nội dung toàn năng; cờ vua VN ẵm trọn 8 HCV ở 8 nội dung thi đấu...

2. Thành công vượt bậc tại ASEAN Paragames 3
Chỉ với 68 VĐV tham dự, tranh tài ở 6 môn thi đấu, nhưng đoàn thể thao người khuyết tật VN đã lập được chiến công vang dội: Giành 83 HCV, 36 HCB, 22 HCĐ; đứng thứ 2 toàn đoàn, sau Thái Lan. Điều rất ấn tượng là sự nỗ lực vượt bậc của VĐV khuyết tật đã giúp họ phá tới 45 kỷ lục Paragames ở các môn điền kinh, bơi lội và cử tạ. Trong số này, có tới hơn 10 kỷ lục đạt, thậm chí vượt kỷ lục Châu Á. Đặc biệt hơn, có tới 5 VĐV giành được 5 HCV là: Nhữ Thị Khoa, Nguyễn Thị Thuỷ, Trần Nguyên Thái, Đỗ Đại Khải và Cao Nguyên.

3. Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi lần thứ IV
Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, UB TDTT, UB Dân tộc, UBND tỉnh Đắc Lắc, UBND tỉnh Tuyên Quang và T.Ư Hội Nông dân VN phối hợp tổ chức Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi lần thứ IV. Hội thi được tổ chức tại Đắc Lắc (từ 15 - 19.5) gồm 17 tỉnh khu vực phía nam (thuộc khu vực II) và tại Tuyên Quang (từ 2 - 6.9) gồm 21 tỉnh phía bắc (thuộc khu vực I, ảnh 1). Hơn 1.000 VĐV đã thi đấu ở 23 nội dung thuộc 6 môn chính là bóng đá mini, bóng chuyền, chạy việt dã, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ; khu vực II thi thêm môn chạy cà kheo; khu vực I thi thêm môn ném còn. Kết quả, 3 tỉnh đứng đầu khu vực I gồm Tuyên Quang; Hoà Bình và Điện Biên. 3 tỉnh đứng đầu khu vực II gồm Đắc Lắc; Kon Tum và Gia Lai.

4. Những cú nhảy kỷ lục
Tháng 5.2005, làng điền kinh Đông Nam Á ngỡ ngàng trước 2 cú nhảy kỷ lục của VĐV VN là Bùi Thị Nhung và Lê Thị Phương. Tại Giải điền kinh Thái Lan mở rộng, Bùi Thị Nhung đã xuất thần "bay" qua 1,94m để đoạt HCV. Cú nhảy này khiến chính Nhung cũng như các HLV và các nhà lãnh đạo của TTVN bất ngờ. Theo HLV Dương Đức Thuỷ, thành tích trong tập luyện tốt nhất của Nhung cũng chỉ là 1,90m. Cũng tại giải đấu này, Lê Thị Phương đã toả sáng với tấm HCV ở nội dung nhảy sào nữ. Thành tích 4,05m của Phương đã xô đổ kỷ lục Đông Nam Á.

5. Việt Nam giữ ngôi vị cường quốc wushu thế giới
Tháng 12.2005, Giải VĐ wushu thế giới được tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, đoàn VN tiếp tục bảo vệ thành công ngôi vị á quân thế giới sau Trung Quốc, bằng 2 tấm HCV. Đặc biệt hơn, VĐV Bùi Mai Phương đã mang về cho wushu VN tấm HCV ở nội dung thái cực kiếm - một nội dung đỉnh cao trong các nội dung biểu diễn. Với thành tích này, wushu VN rất tự tin chinh phục những đỉnh cao vàng tại ASIAD 2006 và đặc biệt là Olympic 2008.

6. Triển vọng từ những gương mặt trẻ
Nữ kỳ thủ Hoàng Thị Bảo Trâm đã đạt chuẩn đại kiện tướng quốc tế đầu tiên tại Giải VĐ cờ vua U18 Châu Á 2005. Liên tiếp trong tháng 7-8-9.2005, Bảo Trâm hoàn tất các lần đạt chuẩn để đi vào lịch sử cờ vua thế giới với tư cách đại kiện tướng quốc tế. VĐV bơi lội Vũ Huy Long cũng toả sáng trên đường đua xanh tại Giải VĐ trẻ Châu Á với tấm HCV nội dung bơi ngửa 100m nam. Đặc biệt hơn, thành tích 59"30 của Huy Long cũng là kỷ lục mới. Cũng tại giải này, Hoàng Thanh Trà (ảnh) làm nên điều kỳ diệu với 2 tấm HCV môn nhảy cầu nội dung 3m và 10m cầu cứng. Nằm trong hệ thống giải trẻ, lực sĩ cử tạ hạng 56kg Hoàng Anh Tuấn đã bước lên đỉnh vinh quang tại Giải VĐTG tổ chức tháng 4.2005 với thành tích 277kg; đến tháng 10.2005 một lần nữa Tuấn lại đoạt HCV Giải trẻ Châu Á. Anh cũng là lực sĩ VN đầu tiên được LĐ Cử tạ Thế giới xếp hạng.

7. Đại hội sớm LĐBĐ Việt Nam
Sau một loạt vụ tai tiếng, điển hình là vụ mất 3 tỉ đồng vì thua kiện HLV Letard, thất bại của ĐTVN tại Tiger Cup 2004 do thuê "nhầm" HLV Tavares, LĐBĐVN đã phải tổ chức ĐH sớm vào tháng 4. Khẩu hiệu của ĐH nhiệm kỳ V là: Đổi mới, trí tuệ, dân chủ, với mô hình phân cấp quản lý và điều hành khá mới. ĐH đã bầu ra một bộ khung mới, bộ máy điều hành được trẻ hoá. Tuy nhiên, căn bệnh "lục đục" trong nội bộ LĐ từ khoá 4 chưa hẳn đã được chữa dứt điểm ở khoá 5.

8. Scandal tiêu cực của giới trọng tài
Khởi đầu từ vụ bắt giam trọng tài Lương Trung Việt ngày 25.8, bắt giám đốc điều hành Đông Á Pomina Vũ Tiến Thành ngày 30.8, tính đến nay, đã có 5 trọng tài, quan chức, HLV bị tạm giam, 17 người bị khởi tố trong tổng số hơn 50 người có dính líu đến tiêu cực, lần đầu tiên, một giám đốc sở TDTT, ông Lê Văn Cường - Giám đốc Sở Cần Thơ, bị khởi tố vì tội đưa hối lộ để dàn xếp tỉ số. 7 CLB hạng Nhất và chuyên nghiệp được xác định có "dây dưa", 2 CLB đã chính thức phải xuống hạng: Đông Á Pomina và THS.Cần Thơ. Chuyên án vẫn còn được tiếp tục mở rộng.

9. Vụ án bán độ của một số tuyển thủ ĐT U.23 VN tại SEA Games 23
ẹt nhất 7 tuyển thủ dính líu vào vụ án này, 4 tuyển thủ Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, Bật Hiếu đã bị bắt tạm giam. Nỗi đau không chỉ là tương lai của hàng loạt cầu thủ trẻ tài năng bị đóng sập một cách phũ phàng mà bóng đá Việt Nam cũng mất đi những cầu thủ đã phải tốn nhiều tiền của, công sức để đào tạo. Không chỉ thế, hệ quả của scandal này là Phó Chủ tịch LĐBĐVN Lê Thế Thọ cũng phải xin từ chức chỉ sau hơn nửa năm tại vị vì không chịu nổi sức ép của dư luận.

10. Hội chứng "đánh lộn" của vận động viên
Năm qua, có 2 vụ VĐV đánh lộn lẫn nhau ở các giải đấu trong và ngoài nước. Tại Giải VĐ bóng rổ toàn quốc tổ chức tại Quảng Ninh, các VĐV Phạm Minh Luyến và Trần Nhật Thành đã lăn xả vào nhau, biến sân đấu bóng rổ thành nơi đánh lộn hỗn độn. Ngay sau đó, 2 VĐV này đã bị LĐ Bóng rổ VN loại khỏi ĐT. Tồi tệ hơn là sự kiện tay đua xe đạp Huỳnh Hiếu đánh đồng đội Trịnh Phát Đạt tại Giải Tour Thái Lan. Đây cũng là giọt nước tràn ly của những mâu thuẫn sâu sắc giữa các VĐV xe đạp thể thao. Hành động làm xấu đi hình ảnh TTVN của Huỳnh Hiếu phải trả giá bằng án phạt cấm thi đấu vĩnh viễn.

Nhóm PV thể thao bình chọn