Bài 4: Thu nhập cao, sao vẫn bán độ?
Các Website khác - 02/01/2006
Những thói hư tật xấu của Quốc Vượng trong sinh hoạt đã không được uốn nắn kịp thời, để giờ đây anh phải vào vòng lao lý vì bán độ tại SEA Games 23. Ảnh: A.P
Thu nhập thấp bán độ kiểu nhà nghèo; thu nhập cao, thưởng cao, bán độ càng dữ! Vì sao có nghịch lý đó?

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến một bộ phận không nhỏ cầu thủ, HLV, trọng tài, quan chức “hỏng” lại xuất phát từ chính đồng tiền trong môi trường bóng đá chập chững đi lên chuyên nghiệp.

Nghèo bán độ kiểu nghèo

Cách đây hơn 10 năm, những người trót theo nghiệp bóng đá thường than phiền về thu nhập không đủ sống của mình. Các cầu thủ thời đó chỉ biết đá cật lực và trông chờ vào tiền thưởng cuối mùa khi đội đạt chỉ tiêu hoặc vượt thành tích đề ra. Thời đó, các cầu thủ phía Nam thường rất thích được chơi cho Cảng Sài Gòn, bởi đội bóng này có chính sách lương thưởng khá cao so với mức sống và mặt bằng lương cầu thủ thời bấy giờ.

Hiện tượng bán độ, dàn xếp tỉ số cũng đã nhan nhản ở các giải đấu quốc gia thời bấy giờ. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ấy là thu nhập của các cầu thủ còn thấp, không đủ nuôi sống bản thân và gia đình nên họ phải cậy đến “đồng tiền đen” từ giới cá độ. Khi không liên minh hoặc xin điểm được, một số lãnh đạo các CLB đã dùng tiền hoặc những “miếng mồi” vật chất như đất đai, nhà cửa, xe cộ... để đánh vào lòng tham của các cầu thủ đối phương. Một trong những “điển hình” của thời kỳ này là trong mùa giải 1998-1999, bóng đá VN rúng động trước việc cơ quan điều tra phát hiện đưa ra ánh sáng vụ các cầu thủ Hải Quan do Trương Văn Dưỡng cầm đầu đã bán mình cho quỷ.

Bán độ vì ăn chơi quá mức

Nhờ sự tiến bộ của đội tuyển bóng đá VN tại đấu trường khu vực và nhất là việc thử nghiệm mô hình bóng đá chuyên nghiệp, đời sống cầu thủ, đặc biệt là tuyển thủ quốc gia, ngày một tăng. Ngoài các khoản lương thưởng của CLB, một vài tuyển thủ như H.S, H.Đ, V.Q... còn kiếm thêm khá nhiều thu nhập từ nguồn quảng cáo, tài trợ.

Nhưng các nghi án về mua bán độ, dàn xếp tỉ số cũng tăng, thậm chí tăng theo cấp số nhân, bởi nhu cầu của nhiều cầu thủ ngày nay không dừng lại ở việc có xe Dream như trước đây. Một số cầu thủ trẻ mới nổi bắt đầu tiêu xài để thể hiện đẳng cấp (như Văn Quyến đổi điện thoại di động như thay áo, bắt chước lối sinh hoạt của các ca sĩ ngôi sao khi la cà tại các phòng trà, hộp đêm mỗi khi ra Hà Nội hoặc vào TPHCM); một số cầu thủ sa vào trò đỏ đen, rượu chè và gái. Nhưng khi lương thưởng không đủ phục vụ cho ba món “ăn chơi” này, cầu thủ bắt đầu nợ nần để dần sa vào vòng vây của giới làm độ và buộc phải trở thành con rối để chúng giật dây điều khiển, mà trường hợp của Q.V là minh chứng.

Giáo dục đạo đức bị bỏ lỏng

Ở CLB GĐTLA, mức lương cầu thủ dù không được tiết lộ, nhưng cũng chẳng vượt xa mặt bằng chung của bóng đá VN hiện tại là mấy. Nhưng tại sao cầu thủ GĐTLA luôn hết lòng vì đội bóng, luôn chơi trung thực, điển hình là việc đội trưởng Tài Em đã từ chối lời rủ rê bán độ của các đồng đội ở đội U23 VN và dũng cảm đứng ra tố giác đồng đội tiêu cực. Có phải Tài Em là sản phẩm của một CLB GĐTLA luôn chú trọng giáo dục đạo đức cầu thủ, luôn chủ trương chơi bóng đá “sạch”?

Trong khi đó các cầu thủ HAGL lương, thu nhập cũng khá cao nhưng sao V.T, T.T bị nghi ngờ bán độ? Vấn đề ở đây là công tác giáo dục đạo đức sân cỏ bị buông lỏng; sinh hoạt đoàn thể ở các CLB cũng bị xem nhẹ, chỉ có một CLB còn duy trì tổ chức Đoàn Thanh niên.

Khi bóng đá VN lâm vào cuộc khủng hoảng lịch sử như hiện nay, nhiều người giật mình đi tìm nguyên nhân và phát hiện lỗ hổng về công tác giáo dục đạo đức.

Nếu hơn 20 năm trước, khi nói đến mô hình đào tạo bóng đá trẻ, TPHCM khá tự hào là một địa phương biết đón đầu cho việc bổ sung nguồn cầu thủ trẻ bằng nhiều lớp đào tạo năng khiếu khá căn cơ. Để có được lớp học trò bóng đá “ ngoan” như lứa Chỉnh, Phẩm, Bửu, Khải..., những cầu thủ ở lớp bóng đá năng khiếu ngày trước ngoài luyện tập trên sân cỏ, họ phải tham gia lao động công ích, học văn hóa và cả học chính trị... Tiếc là mô hình đào tạo trên chỉ có thể duy trì trong điều kiện thời bao cấp. Bước sang thời kinh tế thị trường, ngoài việc “đầu vào” có lúc bị thao túng khiến chất lượng đào tạo không những kém hẳn, mà việc “hướng đạo” gần như bị buông lỏng, hệ quả là từng xảy ra chuyện học sinh năng khiếu bóng đá chơi “hàng trắng” ngay trong trường!

Người lớn dung dưỡng, trẻ con sinh hư

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận định chính xác khi cho rằng cái gốc của vụ bán độ của một số tuyển thủ U23 vừa qua tại SEA Games 23 là do người lớn. Thực trạng buông lỏng việc giáo dục đạo đức cầu thủ hiện đã và đang tồn tại ở nhiều trung tâm, CLB, vì chạy theo thành tích, họ chỉ muốn đào tạo ra “những ông đá bóng”, mà quên mất tiêu chí số 1 là phải cung cấp cho xã hội những “con người đá bóng”. Không chỉ thiếu quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, phẩm chất, nhân cách sống cho các cầu thủ trẻ, những người thầy, các cấp quản lý còn không chịu uốn nắn ngay lập tức các vi phạm kỷ luật của học trò. Để từ những vi phạm kỷ luật đó, cầu thủ bước dần sang chuyện phạm pháp lúc nào không biết.

Nhưng các thầy, các chú, các bác cũng không trung thực (rõ nhất qua chuyện dạy trẻ con nói dối, khai gian tuổi ở những giải trẻ, mua bán trận đấu để giữ ghế...), thử hỏi những lời bảo ban của họ làm sao học trò nghe thủng lỗ tai! Có nhiều HLV cấm cầu thủ hút thuốc, nhậu nhẹt, nhưng vẫn vô tư say xỉn trước mặt học trò! Từ đó mới có chuyện đau lòng là sau khi đội tuyển VN đoạt huy chương bạc tại SEA Games 1995 trở về nước và được thưởng hàng trăm triệu đồng, có ý kiến đề nghị nên trích một khoản tiền nhỏ xây nhà tình nghĩa cho bà mẹ VN anh hùng, lập tức đề xuất này bị nhiều người phản bác!

Vậy thì, giờ đây một số tuyển thủ U23 VN bán độ ở SEA Games thì có gì đáng ngạc nhiên!?

T.Trung – A.Mỹ – Q.Liêm

Kỳ tới: Đâu là trách nhiệm của VFF