BĐVN: “Điểm chết”!
Các Website khác - 27/09/2008

Với các cầu thủ trẻ U21 Việt Nam, hai trận thua trước Thái Lan và Iran là những bài học đắt giá. Đó là bài học về “điểm chết”, về tính chuyên nghiệp, thái độ khi đang dẫn bàn và đang bị dẫn bàn.

>> VN thua Iran ở bán kết: Chấp nhận được!
>> Để Thái Lan thắng ngược, đừng tiếc, U-21 VN! 

Lối chơi quá thận trọng khiến cho U21 Việt Nam thảm bại trước Iran

HLV Lưu Quốc Tân có lý khi nói rằng ông không có những cầu thủ tốt nhất ở độ tuổi U21 cho giải này, và rằng ông không có thời gian để lắp ghép con người cũng như tìm lại sự hưng phấn cần thiết cho học trò sau VCK U21 tại Bình Định.

Nhưng ông có lỗi, khi luôn tiếp cận trận đấu bằng thái độ thận trọng, không dám điều chỉnh con người để tìm sự đột phá mà ông không thể có được từ những cầu thủ đã suy kiệt thể lực sau quãng thời gian thi đấu quá dài.

U21 Việt Nam đã có những phút chơi sòng phẳng với Thái Lan và Iran, thậm chí lấn lướt. Nhưng sự sòng phẳng đó chỉ có được khi U21 Việt Nam đã rơi vào thế bám đuổi, vào thời điểm nửa cuối trận đấu, khi mà thời gian không còn nhiều và thể lực chung của cả đội đã tiêu hao quá nhiều.

Quá cũ để nói về sự sút kém thể lực của BĐVN so với châu lục và khu vực. Nhưng có một điều rất dễ nhận ra là đội U21 Việt Nam ở giải này nói riêng và các ĐT tầm quốc gia nói chung là hễ có bàn thắng, hoặc đá trên chân đối thủ được ít phút là biểu hiện lơ đễnh.

Nói như một số người là “đá cho sướng chân” và “đá cho đối thủ biết mình là ai”. Nhưng sau những phút “sướng chân” đó là những bàn thua lãng nhách, bị đối thủ bỏ lại sau lưng rồi lại đá hay, đá nghiêm túc.

Cái cách đó rất khác với người Thái. Người Thái khi thua trước vẫn chung thủy với cách chơi điềm đạm của mình và tìm cách nắm thóp đối thủ rồi chỉ cần tìm một thoáng lơi chân của đối phương và “nhấn ga”, ghi bàn.

Ngược lại, lúc thắng người Thái cũng như người Iran không tìm cách “ép chết” đối phương, mà đủng đỉnh bo găng chịu đòn để chọn cửa thọc sườn bằng những cú đấm vòng và những quả đá hậu chết chóc.

Cái khác đó tạo tính ổn định và tạo nên bản sắc của một đội bóng lớn, một đội bóng chuyên nghiệp của những cái đầu có tư duy đá bóng chuyên nghiệp.

Cái khác đó chính là “điểm chết” của bóng đá Việt Nam mà bao nhiêu năm vẫn chưa có cách khắc phục.

Cái “điểm chết” đó tưởng không quan trọng, cái sự ổn định đó tưởng dễ khỏa lấp nhưng lại rất quan trọng và rất khó đạt được trong bóng đá.

Bởi khắc chế được sự thiếu ổn định là nâng tầm một đội bóng biết đá thành một đội bóng mạnh.

Và làm điều đó thì khó hơn nhiều lần so với việc giải thích cho thất bại đại ý như “chúng ta thiếu may mắn”, “chúng ta có lúc đá hay hơn và tạo được nhiều cơ hội hơn”.

Để vượt qua được cái “điểm chết” đó, điều kiện cần là chúng ta biết nói: “Chúng ta chưa chuyên nghiệp”.

Còn điều kiện đủ là… một câu chuyện dài kỳ!

Theo Hồng Kỹ