Những nàng "Hai lúa" vô địch SEA Games
Các Website khác - 09/11/2005
Đội tuyển trong một lần tập luyện.

Họ là những cô gái tuổi mới mười tám đôi mươi, tất cả đều là dân cày thuê – cấy mướn, ăn bữa trước thiếu bữa sau… Không hề học chuyên môn, còn văn hóa thì đọc chữ chưa rành. Thế nhưng, trên đấu trường khu vực Đông Nam Á nghe tên họ, ai cũng phải nể...

Đó là đội đua thuyền nữ xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang và cũng là đội thuyền nữ quốc gia đại diện cho Việt Nam tham dự SEA Games 23 vào tháng 12–2005 ở Philippines.

Anh Trần Xuân Nghiêm, Giám đốc Sở TDTT tỉnh Kiên Giang, quả quyết: “Đây là đội thuyền có một không hai ở Việt Nam, thậm chí thế giới với nhiều cái lạ hổng giống ai: 100% các em là người dân tộc Khmer, toàn đội ở duy nhất tại một xã vùng sâu Định Hòa, tất cả đều nghèo, đi cày đi cấy, không ai được đào tạo chuyên môn… bao nhiêu đó đã làm người ta sửng sốt và không ai tin họ là những tuyển thủ quốc gia?”.

Những ngày này, đội đua thuyền “Hai lúa 100%” đang tập luyện khẩn trương tại biển Rạch Giá dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên cũng là “Hai lúa”! Ông Lê Văn Hữu (Sáu Hữu), trực tiếp huấn luyện và là người đầu tiên khởi xướng môn đua thuyền truyền thống. Năm nay tuổi ngoài 70, nhưng vẫn theo sát đội hướng dẫn kỹ thuật, chiến thuật, tăng tốc, giữ nhịp, phối hợp, thể lực, đeo bám, về đích… rất bài bản.

Mới nhìn qua, khó mà biết được họ là vận động viên và huấn luyện viên nghiệp dư. Ông kể: “Lúc mới gầy dựng đội thuyền cách đây 5 năm khó khăn vô cùng. Hồi đó, ở chùa Cà Nhum nơi có đông người Khmer sinh sống, sở hữu 2 chiếc ghe ngo nhưng thi đấu rất tệ, năm nào cũng thua thấy mà tức. Là người có máu thể thao, Sáu Hữu không chịu được cảnh địa phương mình lúc nào cũng “lép vế”.

Năm 2000, nghe tin ở Sóc Trăng tổ chức đua thuyền, ông chạy sang đăng ký dự thi mà trong tay chưa ai biết gì về thuyền. Sáu Hữu mất cả tháng trời lội khắp đầu trên xóm dưới chọn khoảng 20 em tạm gọi là biết bơi xuồng để tập luyện. Hơn tuần, các ông cháu bơi đi bơi lại trên sông Định Hòa, nhiều người cười Sáu Hữu làm chuyện tào lao. Rồi tiếng ra tiếng vào tới tai cha mẹ các em, có gia đình gọi con mình về không cho đi bơi vì đâu thấy lợi lộc gì, ngược lại còn mất ngày làm thuê. Thế là, Sáu Hữu phải đến từng nhà giải thích, thuyết phục và cam kết trông coi mấy cháu đàng hoàng. Nhà nào khó khăn, ông lấy tiền túi hỗ trợ để họ vui vẻ cho con đi tập. Đến ngày lên đường thi đấu không có tiền, ông bán 2 chỉ vàng làm kinh phí. Mặt khác, kêu vợ đong vài giạ gạo, rồi nồi nấu cơm, củi, chén, nước mắm… mang theo tự nấu ăn cho đỡ tốn. Tối đến thì ra bờ đê, ngủ phơi sương vất vả vô cùng. Vậy mà, lần đó đội “vô danh” của ông đoạt giải 3. Tiền thưởng không đủ chi phí bỏ ra, nhưng ông cháu rất mừng vì lần đầu ra quân có ngay kết quả”.

Một năm sau, Sóc Trăng tiếp tục tổ chức đua thuyền với quy mô các tỉnh ĐBSCL, Đồng Nai và Bình Dương tham dự. Sáu Hữu vận động các mạnh thường quân được 3,5 triệu đồng đóng thuyền mới và lần này đội ông đoạt giải nhất, trước sự ngạc nhiên của nhiều đội bạn. Sở TDTT Kiên Giang hay tin chạy vào tận nơi thăm hỏi, động viên và chọn luôn các em vào đội tuyển của tỉnh tham dự Đại hội TDTT toàn quốc ở Bình Thuận năm 2002. Chân ướt chân ráo ra thi giải lớn quốc gia, đội thuyền nhà quê của Sáu Hữu lần lượt vượt qua nhiều đối thủ mạnh giành đến 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.

Tại giải đua thuyền toàn quốc 2003, đội giành tiếp 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Với thành tích xuất sắc trên, Ủy ban TDTT chọn đội thuyền Định Hòa tham dự SEA Games 22 tại Hà Nội. Và không phụ lòng tin, đội thuyền của Sáu Hữu thi 2 cự ly đều đạt giải cao: 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc trước sự ngỡ ngàng của những đội mạnh như Philippines, Myanmar…

Năm 2004 và 2005, tại các giải toàn quốc và khu vực ĐBSCL, đội thuyền Định Hòa giành thêm hàng chục huy chương và độc chiếm vị trí “số 1”, không có đối thủ.

Tuy nhiên, phía sau chiếc huy chương lấp lánh thì mấy ai hiểu được hoàn cảnh đáng thương của họ.

Ông Sáu Hữu bùi ngùi: “Tội lắm, đa số đều nghèo, nhiều đứa nhà không có bộ vạt tre để ngủ, thấy mà đứt ruột. Đi thi vậy chớ về tới nhà là buông dầm (chèo) ra ruộng cắt lúa mướn, cấy thuê, làm cỏ…”. Như trường hợp em Dương Kim Khánh, 21 tuổi, nhà nghèo, anh em đến 9 người, làm mướn chạy gạo từng bữa. Cha bị bệnh phổi, nhiều lúc túng thiếu phải đi hỏi “lúa non” 20.000 đ/giạ, đến mùa trả lại 40.000 đ/giạ. Mấy năm đầu đi thi không làm mướn được, ai cũng tính bỏ cuộc, nhưng thương ông Sáu và vì danh dự địa phương cố mà chơi! Em Hồng rơm rớm nước mắt: “Nhà em nghèo lắm, không có đất đai nên đi làm thuê theo mùa vụ, nhiều lúc hổng ai thuê – cả nhà phải ăn cơm với kho quẹt. Mấy năm nay, em học được nghề đặt trúm lươn, hôm nào trúng được 3 kg, còn thì 0,5 kg… đủ tiền mua gạo”.

Hay như em Phố, cha em có được 9 công ruộng nhưng bị người khác gạt lấy hết, rồi ông bệnh. Ban đầu hỏi nợ 1 triệu đồng trị bệnh và lo việc nhà, lần hồi “đẻ” lên 7 triệu đồng không trả nổi. Các em khác hoàn cảnh cũng nghèo như vậy.

Sau khi đoạt huy chương vàng và bạc ở SEA Games 22, đội được Ủy ban TDTT, UBND tỉnh Kiên Giang và nhiều mạnh thường quân hỗ trợ, tổng cộng 24 vận động viên được thưởng gần 38 triệu đồng/người. Đây là số tiền lớn nhất trong đời mà các em và gia đình có được.

Toàn đội còn nhớ chuyện của Đông, vì mê đua thuyền không chịu làm đám cưới ngay đợt SEA Games 22 vừa qua, khi trở về đã bị chồng “bỏ” đi lấy vợ khác. Lần này, một người khác đến hỏi cưới Đông và theo quyết định của hai bên gia đình thì ngày cưới được tổ chức trùng thời gian em dự SEA Games 23 ở Philippines. Đông nhất định không chịu ở nhà làm đám cưới mà theo đội thi đấu. Ban đầu bên chồng không chịu, nhưng khi nghe Đông giải thích vì danh dự và thành tích nước nhà, chồng hiểu ra, đồng ý hoãn ngày cưới và động viên em lên đường…

Theo Sài Gòn Giải Phóng