Đề xuất về một loại vắc xin "phi chính thống"
Các Website khác - 04/01/2006

Các nhà nghiên cứu thuộc đại học y Baylor (BCM) ở Houston có lý do để tin tưởng rằng một ngày nào đó loại vắc xin không chính thống của họ có thể phòng chống hoặc kiểm soát được lây nhiễm HIV. Nghiên cứu được xuất bản trên ấn phẩm Public Library of Science Medicine (Thư viện y khoa công cộng) hôm nay (3/1/06).

Nghiên cứu ở chuột đã làm tăng cường phản ứng miễn dịch bằng cách loại bỏ "phanh" kìm hãm khả năng miễn dịch tự nhiên ở cơ thể vật chủ. Nhờ thả lỏng toàn bộ tiềm năng của hệ miễn dịch kết hợp với điều trị thuốc kháng virus, việc điều trị HIV trở nên hiệu quả hơn và cũng có thể phòng chống được bệnh tật.

Bác sĩ Si-Yi Chen, giáo sư hợp tác tại Trung tâm tế bào và liệu pháp gen ở BCM đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu nói trên cho biết: "Đã có rất nhiều vắc xin có kết quả tốt đối với vài mầm bệnh, nhưng với virus HIV, phản ứng miễn dịch tự nhiên thường không đủ khả năng chống trả. Có vẻ như bộ phận điều khiển hệ miễn dịch tự nhiên không cho phép hệ miễn dịch phản ứng đủ mạnh với virus HIV. Do đó, nhờ động thái "mở phanh", chúng ta có nhiều hy vọng sẽ vượt qua được những điều chưa làm được trong phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể trước sự xâm nhập của virus HIV".

Nghiên cứu nói trên do Viện y tế quốc gia tài trợ quỹ làm việc. Trong nghiên cứu này, Chen và các đồng nghiệp đã tiến hành kiểm tra phân tử SOCS1. Đây là loại phân tử quy định việc các tế bào hình cây giải quyết các kháng nguyên như thế nào, lựa chọn tế bào bạch cầu nào để kích hoạt hệ miễn dịch.

Trước đây các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy với những tế bào hình cây mà phân tử SOCS1 bị tách ra thì đều tỏ ra có hiệu quả hơn trong việc kích thích hoạt động của tế bào miễn dịch trong cơ thể.

Cho tới nay, đa số những nỗ lực tạo khả năng miễn dịch nhằm kích thích phản ứng miễn dịch với virus HIV vẫn chưa thành công, nhưng ông Chen cho biết, các kết quả thu được trong phòng thí nghiệm của ông hứa hẹn sẽ khiến những vắc xin trị HIV hiện nay có tác dụng tốt hơn. Người ta nhận thấy, SOCS1 là một phần của cách thức không chỉ kiểm soát sự sản sinh những hợp chất (cytokines) giúp kích thích viêm nhiễm mà còn có vai trò quan trọng trong việc điều phối khả năng phản ứng miễn dịch kháng virus HIV. Các tế bào hình cây được tách phân tử SOSC1 đã có thể tạo ra phản ứng miễn dịch có khả năng ghi nhớ đặc điểm của virus HIV lâu hơn, hiệu quả hơn.

Ông Chen nói: "Ở chuột, chúng tôi đã rất kiên định trong việc kích hoạt các phản ứng miễn dịch kháng virus HIV. Trong đa số trường hợp, chúng tôi nhận thấy sự tăng cường đáng kể ở cả kháng thể và cả phản ứng của tế bào T sau khi đã tách đi vai trò của SOCS1".

Ông Chen hy vọng, phương pháp miễn dịch với cách tách SOCS1 này sẽ giúp tạo thêm được thuốc chữa bệnh hiệu quả hơn cũng như các loại vắc xin phòng bệnh tốt. Những loại vắc xin phòng bệnh sẽ đóng góp vào công cuộc kiểm soát lâu dài đại dịch HIV, giúp người nhiễm HIV thoát khỏi sự phụ thuộc khắc nghiệt vào thuốc kháng virus trong khi rất nhiều loại thuốc này quá đắt đỏ và buộc phải uống mỗi ngày.

Ông Chen còn nói: "Theo lý lẽ thông thường thì những miễn dịch tự nhiên có một vai trò quan trọng nhưng chưa đủ trong việc kiểm soát đại dịch HIV. Hy vọng rằng loại vắc xin chúng tôi nêu lên có thể tăng sức mạnh cho các phản ứng miễn dịch tự nhiên, giúp chúng đủ mạnh để đương đầu với virus HIV, nhờ thế bạn sẽ phải lúc nào cũng dùng những loại thuốc kháng virus đó".

Ông Chen hiểu rằng sẽ cần phải có các thử nghiệm vắc xin HIV trên người trong nhiều năm sắp tới nữa. Ông còn thấy rằng, chiến lược làm mất vai trò của SOCS1 để tạo vắc xin điều trị bệnh sẽ còn được dùng để đối phó với nhiều bệnh khác bên cạnh HIV.

Đỗ Dương theo http://www.scienceblog.com