Duy trì điều trị ARV đang gặp nhiều khó khăn
Báo Tiếng chuông - 24/09/2016
Điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng virus (ARV) hiện nay là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong phòng, chống HIV/AIDS. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kiến nghị các quốc gia cần mở rộng, điều trị ARV ngay cho tất cả những người được phát hiện có nhiễm HIV. Tuy nhiên, hiện nay việc duy trì và mở rộng điều trị ARV ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông – Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm về vấn đề này, TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, điều trị ARV vừa mang lại sức khỏe, giảm tử vong cho người nhiễm HIV, đồng thời giảm đến 93% nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác trong cộng đồng. Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV thì có đến 97% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV. Điều trị ARV là điều trị liên tục, suốt đời. Việc điều trị ARV gián đoạn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng HIV kháng thuốc và bùng phát dịch HIV kháng thuốc.

 

TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh: Thùy Chi

 

Kinh phí thấp ảnh hưởng đến mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS

TS. Nguyễn Hoàng Long cho hay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nên các nguồn viện trợ nước ngoài cho phòng, chống HIV/AIDS đang cắt giảm mạnh. Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, Chống HIV/AIDS (PEPFAR) đã công bố năm 2017 sẽ cắt 40% tiền thuốc ARV và năm 2018 sẽ cắt toàn bộ thuốc ARV viện trợ cho Việt Nam.

Trong khi đó, cam kết viện trợ hiện tại của Quỹ Toàn cầu cho Việt Nam chỉ còn đến tháng 12/2017. Từ năm 2018 trở đi, Quỹ Toàn cầu chưa có cam kết hỗ trợ. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng Dự án và vận động Quỹ Toàn cầu tiếp tục hỗ trợ tiền mua thuốc ARV cho Việt Nam trong giai đoạn 2018-2020. Nếu huy động tốt, kinh phí viện trợ ước có thể đạt khoảng 1.306 tỷ đồng, chiếm 45% tổng kinh phí mua thuốc ARV giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là một ước tính nếu có thể huy động tốt. Trong khi đó, nguồn kinh phí trong nước cho công tác này đang ngày càng hạn hẹp. Theo ước tính của Cục phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay, trên toàn quốc có 112.000 người đang điều trị ARV, đến 2020 cần điều trị ARV cho khoảng 170.000 người. Như vậy cần 2.916 tỷ đồng để mua ARV, trong đó huy động viện trợ khoảng 1.306 tỷ đồng, bảo hiểm y tế khoảng 1.050 tỷ đồng, còn lại 559 tỷ đồng cần bổ sung từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Tài chính dự kiến chỉ phân bổ 100 tỷ đồng cho ARV. TS. Nguyễn Hoàng Long cho rằng, mức này là rất thấp, chỉ chiếm 3% tổng nhu cầu kinh phí thuốc ARV và không thể bù đắp những thiếu hụt tiền thuốc ARV khi viện trợ cắt giảm, trong khi tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế còn rất thấp.

Bên cạnh đó, việc này cũng sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc huy động viện trợ của Quỹ Toàn cầu cho Việt Nam trong những năm tới và ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV; 90% số người điều trị ARV có tải lượng virus HIV thấp dưới ngưỡng ức chế) mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Long, để thực hiện mục tiêu trên chúng ta cần nhanh chóng mở rộng điều trị ARV, đến năm 2020 tối thiểu phải điều trị cho khoảng 170.000 người nhiễm HIV/AIDS, chiếm 90% số người nhiễm HIV còn sống được quản lý, và nhu cầu kinh phí để mua thuốc ARV là 2.916 tỷ đồng, chưa kể các chi phí khác cho điều trị, như chi phí xét nghiệm HIV, xét nghiệm tế bào CD4, tải lượng virus, điều trị nhiễm trùng cơ hội...

Như vậy, nếu không đủ kinh phí, Bộ Y tế sẽ rất khó khăn trong việc bảo đảm đủ thuốc ARV điều trị cho người bệnh, tình trạng bỏ điều trị và tỷ lệ HIV kháng thuốc sẽ gia tăng và khả năng dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại là có thể xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, việc Việt Nam không tăng nguồn ngân sách cho phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là mua thuốc ARV sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc huy động viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam.

Ưu tiên giải pháp tài chính bảo đảm thuốc ARV

Khi nguồn viện trợ cho công tác điều trị ARV bị cắt giảm, Bộ Y tế coi bảo hiểm y tế là nguồn tài chính cơ bản và bền vững để điều trị ARV cho người bệnh HIV/AIDS trong thời gian tới. TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm thực hiện chi trả điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế.

Cụ thể, chỉ đạo các địa phương, các cơ sở khám chữa bệnh HIV/AIDS tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin cho người bệnh, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng, cách thức tham gia và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS theo hướng lồng ghép vào hệ thống khám, chữa bệnh chung, bảo đảm các điều kiện để bảo hiểm y tế có thể chi trả cho điều trị HIV/AIDS.

Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BYT hướng dẫn quy trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng hướng dẫn về mua sắm, đầu thầu và thanh toán thuốc ARV sử dụng nguồn bảo hiểm y tế và xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Hiện nay, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế bình quân chỉ đạt khoảng 40%, chỉ bằng 1/2 so với mức 79% chung của cả nước. Các nguyên nhân khiến tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế thấp, gồm có: Điều kiện kinh tế rất khó khăn, không có tiền mua thẻ bảo hiểm y tế; quy định phải tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; nhiều người nhiễm HIV sống lang thang, không có hộ khẩu, không có nơi cư trú ổn định nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế của nhà nước (kể cả là người nghèo); lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nếu tham gia bảo hiểm y tế... Vì vậy, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế rất khó tăng nhanh trong thời gian tới.

Theo ước tính, từ năm 2017 bắt đầu thực hiện chi trả thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 15% số bệnh nhân; tăng dần trong những năm tiếp theo và phấn đấu đạt 70% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua bảo hiểm y tế vào năm 2020. Nếu thực hiện được theo lộ trình này, kinh phí cho thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế chiếm 1.050 tỷ đồng, chiếm 36,0% tổng kinh phí ARV.

TS. Nguyễn Hoàng Long cho rằng, để bảo đảm thuốc ARV thực hiện mục tiêu 90-90-90, ngoài nguồn viện trợ quốc tế (khoảng 1.306 tỷ đồng) và nguồn bảo hiểm y tế (khoảng 1.050 tỷ đồng), nhà nước cần bổ sung thêm 559 tỷ đồng. Nguồn ngân sách nhà nước này sẽ được ưu tiên sử dụng cho các trường hợp được ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm: Trẻ em dưới 6 tuổi và từ 6-16 tuổi, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, người nhiễm HIV tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, các trường hợp điều trị ARV trong trại giam và các trường hợp không tiếp cận được với thuốc ARV qua bảo hiểm y tế.

Hiện nay, ngành y tế vẫn đang nỗ lực đẩy nhanh việc thanh toán thuốc ARV qua bảo hiểm y tế, chỉ đạo các địa phương mở rộng tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời tích cực huy động các nguồn viện trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tuy nhiên, “ngành y tế hy vọng, trong thời gian tới sẽ được tăng phân bổ ngân sách nhà nước cho việc mua thuốc ARV để duy trì và mở rộng điều trị HIV/AIDS, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho bảo hiểm y tế vì hầu hết người nhiễm HIV là người nghèo, giúp họ tiếp cận điều trị, cải thiện sức khỏe, góp phần trực tiếp vào an sinh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước”, TS. Nguyễn Hoàng Long nói.