Tế bào T - Hy vọng mới cho cuộc chiến chống HIV/AIDS
Các Website khác - 15/11/2008
 
Các nhà khoa học thế giới vừa cung cấp bằng chứng cho thấy tế bào T, một vũ khí của hệ thống miễn dịch con người, có thể là yếu tố quan trọng, đóng vai trò quyết định chiến lược trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, sau khi các hướng nghiên cứu trước đây đã trở nên bế tắc.

Nhận diện tế bào T

Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y khoa Beth Israel (BIDMC) đã phát hiện rằng việc chế tạo một loại vaccine dựa trên tế bào T “sát thủ”, cỗ pháo hạng nặng trong hệ thống miễn dịch, là hoàn toàn có thể.

Hướng tiếp cận này vốn đã gặp thất bại thảm hại hồi năm ngoái cùng với ứng viên nhiều tiềm năng V520 do công ty dược Mỹ Merck thử nghiệm chế tạo. V520 sử dụng thể biến đổi của một loại virus gây cảm lạnh thông thường (rAd5), còn được gọi là “ngựa thành Troy”, để phân tán các yếu tố của virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở người (HIV) vào cơ thể, từ đó tăng cường hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, người ta đã phát hiện những người có hệ miễn dịch ưu tiên đối với dòng virus gây cảm lạnh Ad5 sau khi tiêm vaccine này lại có nguy cơ bị lây nhiễm HIV cao hơn so với những người có hệ miễn dịch tương tự không dùng vaccine.

“Hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi” - ông Daniel Barouch, người lãnh đạo nghiên cứu của BIDMC, Boston, Massachusetts, cho biết - “Nhưng những phát hiện của chúng tôi cho thấy tế bào T là hướng đi rõ nhất cho bế tắc hiện nay”.

Suốt 3 năm qua, Barouch và các cộng sự tại BIDMC cùng công ty công nghệ sinh học Crucell Holland BV, đã tập trung nghiên cứu phản ứng miễn nhiễm của cơ thể và phát triển loại vaccine dựa trên tế bào T mới. Nhóm nghiên cứu đã dùng phương pháp tạo virus mồi. Cụ thể họ đã xóa bỏ một hoặc vài gene của virus cảm đã bị loại bỏ độc tính.

Tiếp đó các đoạn mã DNA góp phần tạo ra các protein của HIV-1 sẽ được cấy vào trong phần gene đã bị xóa đi. Các virus vô hại đã được sửa gene nói trên sẽ được bơm vào cơ thể, kích thích quá trình tạo ra kháng thể và hoạt động của các tế bào T nhằm tiêu diệt virus.
 
Mô hình tế bào T trong cơ thể.

Năm ngoái, Merck sử dụng virus mồi rAd5, vốn rất thông dụng vì gây cảm lạnh. Tuy nhiên theo Barouch, vì “rAd5 được gặp quá thường xuyên trong môi trường tự nhiên nên cơ thể đã có sẵn kháng thể với chúng. Do đó khi được bơm vào cơ thể, virus mồi này không kích thích cơ thể sinh ra kháng thể mới, vốn có khả năng chống HIV”. Trong nghiên cứu mới, Barouch và các cộng sự của ông dùng virus rAd26 làm phương tiện trung gian. Người bình thường vốn ít khi dính phải virus này nên nó cũng sẽ giúp tạo kháng thể tốt hơn so với rAd5.

Không giống so với nghiên cứu của Merck, các nhà nghiên cứu lần này còn sử dụng hệ thống “mồi nhử” đôi để kích thích hệ miễn nhiễm của cơ thể. “Trong phần lớn trường hợp, cơ thể sẽ không có phản ứng phòng vệ bằng chỉ một liều vaccine” - Barouch giải thích. Vì lẽ đó, sau khi rAd26 được tiêm vào cơ thể như “thuốc mồi”, nhóm nghiên cứu tiếp tục tiêm thêm liều rAd5 để đẩy mạnh phản ứng miễn nhiễm của cơ thể”.

Nhằm thử nghiệm tác dụng, các nhà khoa học đã tiêm một liều SIV (một dạng tương đương với virus HIV có trong cơ thể khỉ) nguy hiểm vào cơ thể những con khỉ đã có vaccine. Kết quả là tốc độ nhân bản của virus trong máu khỉ giảm đi tối đa và con khỉ thí nghiệm vẫn khỏe mạnh trong hơn 500 ngày kể từ khi nhiễm virus. Điều đó cho thấy vaccine đã kích thích một quá trình phản ứng miễn nhiễm cực kỳ mạnh mẽ.

Tuy tiêu diệt virus HIV rất tốt nhưng vaccine dựa trên tế bào T không phải là loại ngăn chặn giống các vaccine sởi hay đậu mùa, vốn nổi tiếng vì khả năng chống hiệu quả các căn bệnh này. Thay vì thế, vaccine T đóng vai trò tấn công và có thể được sử dụng cho hoạt động điều trị bệnh. Sau khi được bơm vaccine, tế bào T sẽ được “đào tạo” để tìm và diệt ngay lập tức các virus HIV thay vì ngăn chặn sự xâm nhập cơ thể của các virus này. Các tế bào T cũng sẽ tiêu diệt những tế bào nhiễm bệnh trong cơ thể và giúp kiềm chế hoạt động của virus HIV.

“Mặc dù vaccine của chúng tôi không ngăn chặn được việc lây nhiễm SIV, nhưng nó đã giảm đi đáng kể lượng virus SIV trong máu của các con vật thí nghiệm và qua đó ngăn chặn sự phát triển bệnh AIDS” - ông Barouch cho biết. Ngay lập tức, thành công của nhóm nghiên cứu đã được đánh giá rất cao. “Đây là nghiên cứu hết sức quan trọng bởi nó tiếp thêm hy vọng cho các vaccine khác đang trong quá trình thử nghiệm” - ông Bruce Walker, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu AIDS của Trường Y khoa Havard nhận xét.
 
Các hướng điều trị thông thường là chưa đủ trong cuộc chiến chống HIV/AIDS.

Nhiều hướng mới trong cuộc chiến chống AIDS

HIV/AIDS bắt đầu xuất hiện từ năm 1981. Việc sớm phát hiện virus này đã từng khiến nhân loại ảo tưởng rằng sẽ sớm có vaccine ngăn chặn chúng. Tuy nhiên trong số 50 loại vaccine từng được loài người cân nhắc, chỉ có hai loại vượt qua được ba vòng thử nghiệm và cả hai đều đã thất bại trong việc chống lại HIV.

Khoảng 30 vaccine khác vẫn đang được nghiên cứu. Các vaccine này hầu hết đều chú trọng tới việc kích hoạt phản ứng miễn nhiễm tạo kháng thể của cơ thể. Tuy nhiên, hướng đi này đã được chứng minh là không hiệu quả vì virus HIV biến đổi quá mạnh khiến nó luôn tránh được việc bị các tế bào bảo vệ cơ thể phát hiện. Chính vì lẽ đó, Merck đã hủy bỏ việc thử nghiệm V520 hồi tháng 9/2007 , sau khi thấy rằng các tình nguyện viên được bơm vaccine này vào cơ thể dường như lại dễ nhiễm HIV hơn những người không được tiêm vaccine.

Hồi đầu năm nay, Chủ tịch Hiệp hội tiến bộ khoa học Mỹ (AAAS), giáo sư David Baltimore, đã phải thú nhận giới khoa học hoàn toàn bế tắc trong việc nghiên cứu phát triển vaccine chống lại HIV, do virus này đã tiến hóa tới mức có thể tự bảo vệ được trước hệ miễn dịch của con người.

“Đây là một thách thức to lớn bởi để khống chế được HIV qua nghiên cứu miễn dịch cộng đồng, khoa học phải đánh bại được tự nhiên, làm được điều mà tự nhiên, với lợi thế 4 tỉ năm tiến hóa, đã không thể làm được”, ông nói. Tuy nhiên giáo sư Baltimore tin rằng cuộc chiến chống virus HIV vẫn rất quan trọng, không thể từ bỏ được. “Sự thất bại của chúng tôi có thể hiểu được, nhưng cũng không thể chấp nhận được”, ông khẳng định.

Kể từ thời điểm đó, thế giới coi như đã từ bỏ các phương pháp tìm kiếm vaccine chống HIV/AIDS theo cách thức thông thường. Hiện nay các hướng đi chủ yếu tập trung thay đổi gene để chống lại căn bệnh.
 
Hàng triệu người trên thế giới đang ngóng chờ từng bước tiến của y học trong điều trị bệnh HIV/AIDS.

Hồi tháng 3 năm nay, các nhà nghiên cứu Canada đã phát hiện một loại gene có khả năng chặn lại quá trình tái tạo của các virus HIV. Cụ thể các nhà khoa học thuộc trường đại học Alberta đã tìm ra một loại gene ở người có tên TRIM22 có khả năng ngăn chặn virus HIV bằng cách ức chế không cho loại virus trên có thể lây nhiễm.

Khi các nhà khoa học ngăn không cho tế bào người sử dụng gene TRIM22, hệ thống phòng vệ tự nhiên do của cơ thể đã không thể tự mình chống lại được virus HIV. Bác sỹ Stephen Barr, nhà nghiên cứu thuộc khoa vi trùng và miễn dịch học thuộc ĐH Alberta nhận định, “Điều đó cho thấy gene TRIM22 là thành phần thiết yếu tạo ra khả năng chống chọi với virus HIV của cơ thể”.

Các loại gene khác trong họ TRIM cũng được chứng minh có khả năng ngăn ngừa các virus khác tự tái tạo. Chẳng hạn gene TRIM5a ngăn chặn giai đoạn tái tạo ban đầu của virus HIV-1 còn gene RhRTIM5a lại ngăn chặn quá trình tái tạo của virus HIV giai đoạn cuối.

Tới tháng 7, Công ty Công nghệ sinh học Sangamo BioSciences ở Duarte, California (Mỹ) đã công bố kết quả thử nghiệm phương pháp điều trị HIV mới thông qua việc phá hủy một gene trong các tế bào máu mà HIV thường lây nhiễm. Khi gene biến đổi, các tế bào không thể tạo CCR5, một protein bề mặt mà virus HIV bám vào trước khi “lẻn vào” tế bào. Mất phương tiện được xem là “tay nắm cửa” này, virus không thể lây nhiễm vào tế bào.

Để phá hủy gene tạo CCR5, các nhà khoa học sử dụng một virus vô hại để đưa vào trong tế bào một phân tử enzyme có khả năng tách các liên kết trong cấu trúc acid nucleic. Phân tử gồm 2 phần, phần gọi là “ngón tay kẽm” bám vào gene CCR5 và phần enzyme sẽ biến đổi gene này đến mức nó không thể tạo CCR5. Sau quá trình này, DNA bị thay đổi vĩnh viễn và tế bào trở nên miễn dịch với HIV.

Trong thí nghiệm trên chuột, một nửa số chuột nhận các tế bào T của người đã được xử lý với phân tử enzyme, nửa còn lại nhận các tế bào T chưa xử lý. Tất cả số chuột bị cho lây nhiễm HIV và sau 6 tháng, những con chuột nhận tế bào T đã xử lý đều trở nên kháng virus HIV.

Cùng những hướng đi mới này, cách điều trị HIV dựa trên tế bào T đã đem tới nhiều hy vọng mới cho nhân loại trong cuộc chiến cam go chống lại đại dịch HIV/AIDS.

Hương Giang
Theo Giadinh.net