![]() |
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong cuộc thảo luận tại tổ đoàn TPHCM, chiều 10/5. |
Đó là một trong những lý do để nhiều Đại biểu Quốc hội không đồng tình trong việc tiếp tục Đề án thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Ngoài ra, có một lý do quan trọng hơn cả khiến Đề án này phải chấm dứt còn là khoản tiền bỏ ra quá lớn, trong khi hiệu quả chưa cao như theo nhận định của Uỷ ban các vấn đề xã hội. 1222 tỷ= 3000 tỷ? Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Khi Đề án kết thúc, tôi rất lo sắp tới có phương án đưa về cộng đồng - nghe thì có vẻ rộng mở hơn. Nhưng, trước chúng ta cũng đưa về cộng đồng rồi, có gia đình giữ con em trong nhà nhưng bạn bè vẫn tuồn ma túy vào được. Vì vậy, gia đình không quản lý được, phải có quản lý tập trung sau cai, có công ăn việc làm!”
Chiều 10/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy và việc thực hiện Nghị quyết số 16 của QH về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở TPHCM và 6 tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương. 1/8/2008. Đề án này chấm dứt thời gian thí điểm và nhiều khả năng sẽ phải chấm dứt vĩnh viễn.
Hồi tưởng lại sau 5 năm thực hiện Đề án thí điểm tại TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: "Trước kia, có gia đình nửa đêm gọi chúng ta dậy, đưa con họ đi cai nghiện. Sau 5 năm thí điểm, nay tội phạm chung cả nước tăng 10%, nhưng thành phố lại giảm 10%. Tội phạm về ma túy giảm nhanh, đem lại yên bình cho xóm làng và cộng đồng. Chưa kể, điều này còn có ý nghĩa sâu xa nhân văn cả về mặt giống nòi”
Tuy nhiên, theo ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Phạm Quý Tỵ thì: "Tập trung quản lý sau cai như TPHCM tốn kém quá, mất tới hơn 1.200 tỷ đồng. Chỉ có các tỉnh giàu mới thực hiện được, các địa phương khác khó tổ chức".
Chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phân tích: "Nếu tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 16 hoặc luật hóa theo hướng kéo dài thời gian quản lý tập trung cai nghiện là phải tính tới khả năng chi trả của ngân sách.
Như TPHCM chỉ trong một thời gian ngắn mà tiêu tốn chừng ấy tiền? Chính phủ sẽ phải giải trình như thế nào về vấn đề tài chính? Cân đối ngân sách từ địa phương ra sao?".
Phản biện về những nhận định này, ông Huỳnh Thành Lập, Đại biểu TPHCM thuyết trình: "Những năm 1996 - 2001, nhiều người dân ở TPHCM vẫn rùng mình vì từ công viên, vỉa hè, nhà vệ sinh công cộng đều có kim tiêm.
Nhưng, chỉ sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 16, TPHCM muốn báo cáo với QH rằng việc thí điểm này là hoàn toàn đúng và đã mở ra hướng đi mới trong cai nghiện ma túy. Tội phạm giảm, những điểm đen trên địa bàn đã chuyển biến. Kết quả thí điểm là một minh chứng về quy trình cai nghiện cần thiết phải có hai giai đoạn là cai nghiện và quản lý sau cai".
“Mức chi hơn 1.200 tỷ của thành phố là cần thiết nếu đánh đổi với sự phát triển của thành phố, sự yên bình và thu hút du khách” - ông Trần Đông A, đại biểu TPHCM hăng hái nói.
Cũng theo ông A, nếu tính bình quân mỗi người nghiện 1 ngày sử dụng 1 liều ma túy với giá 50.000 đồng thì với Đề án sau cai, mỗi năm, chỉ riêng TPHCM đã tiết kiệm được gần 3.000 tỷ đồng! Như vậy, bỏ hơn 1200 tỷ, thu lại được hơn 3000 tỷ, như vậy sao lại là tốn kém hơn được!
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng: “Ý kiến cho rằng đề án sau cai tốn kém là chưa trúng với TPHCM. Nếu bắt mạch không trúng luật, không sát thực tế, xem như phải làm lại từ đầu"
Đã đến lúc phải “buông”?
Rất tốt, rất nhân văn nhưng nhiều đại biểu và các chuyên gia trong lĩnh vực này không đồng ý tiếp tục Đề án, lý do gần như duy nhất là tốn kém, sau đó là sự mất niềm tin vào người... nghiện và sức của Nhà nước là không thể kham được nên cách tốt nhất là phải trả lại cho... cộng đồng!
Vẫn theo ông Trần Thế Vượng: Địa phương đều nói cho kéo dài thời gian tập trung sau cai nghiện từ 1 - 3 năm là tốt nhưng rất tốn kém, không đủ sức kham nổi. Như Cao Bằng, luật cho thực thi từ 1 - 3 năm nhưng họ chỉ làm được 3 tháng.
Phó Chủ tịch QH (Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách QH) Nguyễn Đức Kiên cho rằng nếu tiếp tục Đề án cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích gia đình "bán" người nghiện cho nhà nước. Nhiều gia đình phát hiện người nhà nghiện, ngay lập tức đến báo cơ quan chức năng và bàn giao trách nhiệm cho Nhà nước là không được!
Nhiều ý kiến khác thì cho rằng phương pháp mà Đề án đang thực hiện là tập trung ồ ạt, cho nhiều đối tượng sống lẫn với nhau dễ sinh lây nhiễm mạnh, khiến việc cai nghiện không có hiệu quả.
Mặt khác, thời gian cai nghiện quá dài. Về tâm lý, người sau cai nghiện, nhất là mới chớm nghiện, bị cách ly xã hội dễ sinh uất ức, bất mãn, dẫn tới khi ra trại dễ nghiện nặng hơn. Đào tạo nghề sau cai nghiện chỉ là mong muốn chủ quan, không thực hiện được!
Việc dạy nghề sau cai nghiện là không thể thực hiện được vì khi con người không còn chú tâm do nghiện ma tuý thì dù dạy bao nhiêu nghề cũng không làm được!
Lê Châu
▪ Giải quyết việc làm cho người nghiện là rất khó! (09/05/2008)
▪ Xét nghiệm thời AIDS (07/05/2008)
▪ Ai được điều trị thay thế ma túy bằng methadone miễn phí? (28/04/2008)
▪ Quốc hội: Đến lúc chấm dứt đề án hậu cai nghiện! (26/04/2008)
▪ Chi gần 1500 tỷ để mua một bài học (25/04/2008)
▪ Mỹ hỗ trợ Việt Nam 86 triệu USD cho cuộc chiến chống HIV/AIDS (18/04/2008)
▪ Bộ trưởng Y tế Mỹ Michael O. Leavitt: Sẽ tiếp tục hợp tác Việt - Mỹ trong lĩnh vực y tế công cộng (17/04/2008)
▪ Làm thế nào để bệnh nhân AIDS không “ngựa quen đường cũ”? (13/04/2008)
▪ Việc làm cho người nhiễm HIV - Rào cản từ sự kỳ thị (09/04/2008)
▪ AIDS không còn là căn bệnh giết người (07/04/2008)