Các văn bản của Đảng, Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam
Các Website khác - 18/01/2006
Ngày 30/11/2005, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Chỉ thị số 54-CT/T.Ư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Toàn văn như sau:

Trên thế giới, HIV/AIDS đã trở thành đại dịch và là mối hiểm họa đối với nhân loại. Nhận thấy tính chất nguy hiểm của HIV/AIDS, ngày 11-3-1995, Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa VII) đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW về lãnh đạo công tác phòng, chống AIDS. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã thu được những kết quả nhất định, kiềm chế được tốc độ gia tăng số người nhiễm HIV/AIDS.

Tuy nhiên, đến nay ở nước ta, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. HIV/AIDS xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành phố và có xu hướng ngày càng lan rộng. Ngoài các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao (tiêm chích ma túy, mại dâm, tình dục đồng giới...) tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở phụ nữ mang thai, trẻ em và thanh niên cũng tăng nhanh. HIV/AIDS đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, trật tự an toàn xã hội, đến sự phát triển của đất nước, tương lai của giống nòi.

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là các cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm lãnh đạo thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 52-CT/TW của Ban Bí thư. Công tác tuyên truyền, giáo dục còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa chặt chẽ, còn kém hiệu quả; tổ chức bộ máy phòng, chống HIV/AIDS không ổn định, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác này vừa thiếu, vừa yếu; đầu tư quá thấp so với yêu cầu nhiệm vụ.

Quyết không để HIV/AIDS phát triển tràn lan thành đại dịch ở nước ta trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện tốt những yêu cầu sau đây:

1- Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội và của mọi người dân đối với nhiệm vụ lãnh đạo và tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các cấp ủy đảng và các cấp chính quyền cần xác định rõ phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong ngành và địa phương, có kế hoạch thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm phòng, chống HIV/AIDS gắn với phòng, chống các tệ nạn ma túy, mại dâm và với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát thực hiện.

2- Các ngành chức năng coi trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; ban hành chính sách, chế độ hỗ trợ việc chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, quan tâm thích đáng đến quyền lợi của người tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

3- Ðổi mới, đa dạng hóa và đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong xã hội, đến các cộng đồng dân cư, từng người dân, từng gia đình, nhất là đến các thanh, thiếu niên và những nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS (tiêm chích ma túy, mại dâm và tình dục đồng giới nam...), nhằm xây dựng nhận thức đúng về nguy cơ và hiểm họa của dịch HIV/AIDS, có thái độ, hành vi, cư xử đúng đối với người nhiễm HIV/AIDS, có tinh thần tích cực tham gia phòng, chống căn bệnh này; gắn phòng, chống HIV/AIDS với xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa; xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.

4- Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương. Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS.

5- Tăng mức đầu tư của Nhà nước, tích cực huy động sự đóng góp của toàn xã hội, mở rộng hợp tác nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS. Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư; ưu tiên đầu tư cho việc mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin tuyên truyền, giáo dục, cho công tác chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS, quản lý và giám sát dịch tễ, tăng cường nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng các thành tựu nghiên cứu trong, ngoài nước về phòng, chống HIV/AIDS.

6- Ðẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS. Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ của cộng đồng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tạo điều kiện để những người nhiễm bệnh và gia đình họ thấy rõ trách nhiệm, tự giác tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; khuyến khích các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia phòng, chống HIV/AIDS; tiến tới thành lập tổ chức xã hội phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam.

Ðảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng và bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp; Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng và triển khai chương trình hành động, các cơ chế, chính sách có liên quan để thực hiện Chỉ thị.

Các cấp ủy đảng, ban cán sự đảng các bộ, ngành, Ðảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, đảng đoàn các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thực hiện chương trình hành động của Chính phủ và Chỉ thị của Ban Bí thư.

Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa - Thông tin và các cơ quan có liên quan chỉ đạo tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS.

Ban Khoa giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Y tế hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và định kỳ báo cáo Ban Bí thư về tình hình thực hiện Chỉ thị.

Chỉ thị này được phổ biến và quán triệt đến chi bộ.