Chúng ta vẫn chưa nghiên cứu đầy đủ về HIV/AIDS
Các Website khác - 27/03/2006

Một cựu giám đốc của Uỷ ban về HIV/AIDS của LHQ kiêm phụ trách tại châu Phi đã phác thảo bức tranh ảm đạm về những nỗ lực nhằm kiểm soát đại dịch thế kỷ trên toàn châu lục.

Ông Nana Poku, đương nhiệm giáo sư tại Khoa Hoà bình học thuộc Đại học Bradford, vương quốc Anh nói: “Đã 25 năm qua đi kể từ thời điểm virus HIV được phát hiện,vẫn chẳng có gì để có thể lạc quan về tình trạng đại dịch HIV ở châu Phi.

Vấn đề lớn nhất mà chúng ta vẫn mắc sai lầm về cơ bản chính là phòng chống đại dịch. Chiến lược ABC đã không phát huy hiệu quả”.

Những lời phát biểu tâm huyết trên được ông Poku đưa ra trong ngày thứ tư tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nam Phi đặt tại Johannesburg trong buổi phát hành ấn phẩm mới nhất của tờ International Affairs. Đây là tạp chí do nhà xuất bản Chatham House tại London ấn hành.

Ấn phẩm International Affairs tháng ba do ông Puku biên tập có tiêu đề: Quản lý một đại dịch: HIV/AIDS.

Chiến lược ABC là gì? Đó là chiến lược khuyến khích động viên người dân sống tiết chế tình dục cho tới khi kết hôn, sống chung thuỷ một vợ một chồng và sử dụng bao cao su trong quan hệ để phòng chống lây nhiễm  HIV, đặc biệt trong trường hợp một người có nhiều bạn tình.

Tất nhiên, giải pháp này có thể vẫn chưa đạt được những kết quả trên toàn khu vực, song người ta vẫn cho rằng, chiến lược đó đã đóng vai trò chủ yếu trong một của một số rất ít những thành tựu có được liên quan đến đại dịch HIV/AIDS: Giảm số người trưởng thành nhiễm HIV ở Uganda.

Năm 1991, tỉ lệ nhiễm HIV ở Uganda đạt mức cao nhất là 15% song đến cuối năm 2003, con số này hạ xuống chỉ còn trên 4%. (những số liệu mới nhất do UNAIDS cung cấp).

Theo UNAIDS, hiện có trên 60% số người nhiễm HIV đang cư trú tại tiểu vùng Sahara châu Phi mặc dù khu vực này chỉ chiếm 10% trong tổng dân số thế giới.

Gần 26 triệu người châu Phi nhiễm virus HIV.

Ông Poku thật sự chán chường vì những chiến lược có thể được chấp nhận vào vị trí của giải pháp ABC.

Ông nói: “Chúng ta không biết những gì là hiệu quả. Chúng ta vẫn chưa nghiên cứu đủ. Chúng ta cần dành thêm thời gian để tìm hiểu về căn bệnh thế kỷ”.

Tuy nhiên, chẳng có ai ở SAIIA đồng ý với ý kiến đó của ông Poku.

Ông Mark Heywood, trưởng dự án luật về AIDS thuộc đại học Witwatersrand ở Johannesburg nói: “Tôi cho rằng chúng ta biết nhiều về những gì đem lại hiệu quả: chúng ta biết virus HIV lây nhiễm qua quan hệ tình dục, chúng ta biết rằng làm xét nghiệm HIV sẽ giúp bạn biết mình có nhiễm bệnh hay không, chúng ta biết rằng thuốc ARV có thể kéo dài cuộc sống người bệnh – và chúng ta lại cũng biết rằng, công tác phòng chống hoàn toàn có hiệu quả thiết thực”.

Vấn đề mà chúng ta thiếu chính là làm sao để kết hợp tất cả những cái chúng ta đã biết ấy vào trong một cuộc chiến chống lại đại dịch thế kỷ”.

Ông Heywood cũng là một thành viên sáng lập nên Treatment Action Campaign (TAC), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Cape Town và đã từng rất thẳng thắn yêu cầu mở rộng điều kiện tiếp cận thuốc ARV cho người bệnh tại Nam Phi.

Hiện thời, Nam Phi có số người nhiễm HIV nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào khác: khoảng 5.5 triệu người. Các số liệu mới nhất của UNAIDS cũng cho biết, tỉ lệ lây nhiễm virus HIV ở người trưởng thành tại Nam Phi là 21,5%.

Ông Heywood cũng phàn nàn thêm về sự thất bại trong công tác triển khai mở rộng phòng chống để dẫn tới đại dịch AIDS bùng phát mạnh mẽ tại Nam Phi.

Ông lưu ý: “Nếu có một ý chí chính trị và sự quyết đoán ở Nam Phi, chúng ta đã có thể phòng ngừa được hàng triệu ca lây nhiễm”.

Tổ chức TAC buộc tội tổng thống Thabo Mbeki vì đã làm tình trạng đại dịch AIDS xấu hơn khi đưa ra thắc mắc, liệu có phải virus HIV gây ra hội chứng hay không, và chất vấn về tính an toàn của liệu pháp điều trị kháng virus khi không có những phát hiện nghiên cứu có thể giải đáp những lo lắng này.

Nhóm TAC cũng đã thành công trong hiến pháp năm 2002 đã buộc giới cầm quyền phải cấp miễn phí thuốc nevirapine trên toàn quốc cho các thai phụ nhằm phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Bên cạnh đó, ông Heywood cũng tỏ rõ những lo lắng của mình về tình trạng đại dịch ở nước láng giềng Zimbabwe. Quốc gia láng giềng này đã nhiều năm nay chìm trong tình trạng rối loạn về chính trị và bất ổn kinh tế, điều này khiến cho nhiều dịch vụ y tế bị suy sụp nặng nề.

Ông lưu ý về Hoạt động Murambatsvina năm ngoái đã gây ra tai hoạ với những nỗ lực điều trị bệnh AIDS.

Tuy nhiên, một báo cáo tháng 7/2005 của Chương trình Human Settlements thuộc LHQ phát hiện, hoạt động trên nhanh chóng trở thành một sự phá huỷ toàn quốc và chiến dịch nhổ tận rễ mà hậu quả là 700,000 người mất nhà ở, mất phương kế sinh nhai hoặc cả hai.

Một báo cáo khác đăng trên tờ Murambatsvina xuất bản hồi tháng tám năm ngoái của tổ chức ActionAid, trụ sở tại Johannesburg cho biết, khoảng 15% trong số các hộ gia đình được nhóm phi chính phủ điều tra đã không được điều trị ARV.

Theo UNAIDS, tỉ lệ nhiễm HIV ở người trưởng thành tại Zimbabwe là 24,6%.

Đưa ra những thực trạng nói trên tại SAIIA trong ngày thứ tư, ông Poku cho rằng, chính việc không thể kiểm soát đại dịch AIDS ở châu Phi đã dẫn tới số trường hợp tử vong nơi đây rất lớn: “Virus HIV đã cướp đi gần như toàn bộ lực lượng đương sung sức nhất trong xã hội. Nó tiêu diệt những người đang trong độ tuổi từ 15 đến 49”.

Hơn 20 triệu người dân châu Phi thiệt mạng vì những bệnh liên quan đến AIDS.

Ông Poku nói thêm: “Trong một vài năm đã có hơn 30 triệu trẻ mồ côi ở châu Phi. Châu lục này đang phải oằn mình gánh trên vai trách nhiệm với một xã hội toàn trẻ con và người già như hiện nay. Các chính phủ cần tập trung hơn nữa vào công tác phòng chống. Tôi cho rằng, phòng chống là yếu tố căn cốt nhất”.

Dương Kim Thoa theo http://www.mg.co.za