Những sự thật về AIDS ở châu Phi
Các Website khác - 17/10/2005

Dưới đây, chúng tôi xin trích giới thiệu đôi điều thống kê về đại dịch Aids ở châu Phi và một số nhà từ thiện lớn trong công cuộc phòng chống dịch bệnh.

Nhìn ở bình diện thế giới, nếu năm 2001 mới chỉ có 35 triệu người nhiễm HIV thì sau đó 3 năm, năm 2004, đã có 39,4 triệu người nhiễm bệnh, đây là mức cao kỷ lục nhất từ trước tới nay. Cho đến năm 2004 đã có tổng cộng chừng 3,1 triệu người chết vì Aids trên toàn thế giới.

Với riêng châu Phi, năm 2004, AIDS đã cướp đi chừng 2,3 triệu người. Hãy so sánh con số tử vong của riêng năm 2004 của châu Phi với toàn thế giới: 2,3/3,1 để thấy mức nguy hại của đại dịch ở châu Phi là hết sức khủng khiếp. Đó là còn chưa kể, trong những năm qua, châu lục này còn phát hiện thêm khoảng 3,1 triệu trường hợp nhiễm mới căn bệnh thế kỷ.

Phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn nam giới. Gần 57% số người trong độ tuổi trưởng thành nhiễm HIV ở tiểu vùng Sahara là đàn bà và thiếu nữ.

Nhiễm HIV đang dần trở thành một căn bệnh địa phương ở tiểu vùng Sahara châu Phi. Với những mức lây nhiễm quá cao như hiện thời, ai cũng hiểu rằng ngay trường hợp các quốc gia trong khu vực giải quyết được đại dịch thì họ cũng sẽ phải mất nhiều năm để đương đầu với rất nhiều vấn đề nan giải phát sinh từ đại dịch. Những tác hại do Aids gây ra không mất đi một sớm một chiều mà sẽ còn đổ bóng xuống nhiều thế hệ sau này nữa.

Theo báo cáo của chương trình phòng chống AIDS của LHQ, UNAids, số tiền chi cho cho công tác phòng chống, điều trị và chăm sóc bệnh nhân Aids trên toàn thế giới sẽ tăng dần theo thời gian. Năm 2006 sẽ cần 15 tỉ đô la, năm 2007 là 18 tỉ và năm 2008 là 22 tỉ.

Theo ước tính năm 2004 khoảng 6,1 tỉ đô la đã được huy động từ mọi nguồn để phục vụ cho các hoạt động phòng chống Aids. Kể cả các cam kết đóng góp hiện tại cho khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2007 vẫn thiếu tới 18 tỉ đô la cho nguồn quỹ.

Về nguồn quỹ, đáng kể tới là hai trong số những tổ chức lớn nhất: Quỹ toàn cầu chống Aids, lao và sốt rét và USAID, một tổ chức chính phủ liên bang tự do chuyên cung cấp những hộ trợ về kinh tế, phát triển và nhân đạo trên toàn thế giới.

Quỹ toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét được thành lập do nhu cầu nâng cao nguồn lực phòng chống ba căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.

Đến tháng chín năm nay, các tổ chức nhân đạo thế giới đã cam kết đóng góp 3,7 tỉ đô la cho Quỹ toàn cầu trong thời gian từ 2006-2007.

Trong bốn lĩnh vực chi tiêu, quỹ toàn cầu đã bỏ ra 3,4 tỉ qua hơn 300 lần tài trợ cho 127 quốc gia. Đây là những nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và cả những nước có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, xu hướng phát triển thành đại dịch trong tương lai. Gần 60% trong tổng số tiền tài trợ này dành cho châu Phi.

Về USAID: Trong năm tài chính 2003, nguồn quỹ USAID chi cho các chương trình phòng chống HIV/Aids là 795 triệu đô la, khoản tiền này được dành cho hơn 50 trong số các quốc gia thuộc thế giới thứ ba chịu ảnh hưởng của đại dịch nặng nề nhất hiện nay.

Kể từ công bố về Kế hoạch giải quyết khẩn cấp đại dịch AIDS của tổng thống Mỹ, công tác của USAIDS về HIV/AIDS mới có thêm một nhiệm vụ mới.

Theo đó kế hoạch sẽ hỗ trợ công tác điều trị cho ít nhất hai triệu người nhiễm HIV/AIDS, phòng chống 7 triệu ca lây nhiễm mới, chăm sóc khoảng 10 triệu người nhiễm HIV hoặc chịu ảnh hưởng do HIV gây ra, trong đó có cả trẻ mồ côi vì đại dịch và những trẻ có nguy cơ lây nhiễm cao.

Dương Kim Thoa theo http://www.int.iol.co.za