| Có nhiều ý kiến khác nhau giữa các đại biểu. (Ảnh:TTX) | Nhiều đại biểu Quốc hội quan niệm nghiện ma tuý là bệnh, nhưng cũng có những ý kiến, nhất là của các đại biểu trong ngành công an, tỏ ý không đồng tình. Theo họ, nếu quan niệm nghiện là bệnh có thể dẫn tới thảm hoạ quốc gia… Có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra trong buổi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý sáng 16/05. Không để như ong vỡ tổ Đại biểu Trần Bá Thiều, Giám đốc Công an TP Hải Phòng bày tỏ quan điểm không tán thành việc bỏ điều 199 Bộ Luật Hình sự (qui định về tội sử dụng trái phép ma tuý) trong bối cảnh hiện nay. Theo ông, việc coi người người nghiện là bệnh thể hiện sự nhân văn, nhưng lấy đó làm quan điểm xây dựng luật là mạo hiểm, thậm chí có thể tạo ra thảm hoạ quốc gia. Ông Thiều lý luận rằng, điều 199 Bộ Luật Hình sự coi người sử dụng trái phép chất ma tuý là tội chứ không coi người nghiện là tội. “Phải thống nhất quan điểm mới giải quyết được vấn đề”, đại biểu Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ. Theo ông Toàn, nghiện ma tuý cũng phải coi là một tệ nạn xã hội, giống như cờ bạc, mại dâm, nếu coi đó là bệnh thì vô hình chung pháp luật cũng thừa nhận mại dâm, cờ bạc. Theo ông, các nước Bắc Âu coi nghiện ma tuý là bệnh, nhưng nếu chúng ta cũng áp dụng máy móc theo họ thì tình hình nghiện sẽ như… ong vỡ tổ. Ông Toàn dẫn chứng, tổng kết 10 năm nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, chúng ta không đạt được mục tiêu giảm 10% người nghiện mà trong thực tế, số người nghiện tăng 10-20%. Trước đây, số người nghiện là 100 ngàn người, giờ đây lên đến 180 ngàn theo số liệu của ngành công an. Góp ý cụ thể với dự thảo luật, ông Toàn tán thành việc áp dụng hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng để thể hiện trách nhiệm giáo dục con cái. Với quan niệm “con hư tại mẹ”, ông Toàn cũng đề xuất, nên chăng giao Chính phủ có hình thức xử lý trách nhiệm liên đới trong trường hợp, bố mẹ là công chức để con cái bị nghiện. Các đại biểu bàn luận trong giờ giải lao. (Ảnh: Cấn Cường) Đại biểu Vũ Trọng Việt (Sơn La) thực sự lo ngại với tình hình hiện tại. Theo ông tính toán, với số liệu của ngành công an cung cấp và với lượng ma tuý sử dụng là tối thiểu thì mỗi năm những người nghiện cũng “sài” đến 360 ngàn tỉ đồng. Góp ý với dự thảo luật, đại biểu Việt cho rằng, tất cả các văn bản luật đều quy định, biên phòng, hải quan, cảnh sát biển chủ trì trên địa bàn của mình. Vì thế nên để các lực lượng này chủ trì việc phòng chống ma tuý trong phạm vi quản lý của mình, nhất là khi tại biên giới hay trên biển, không có lực lượng công an. Cấp xã đảm nhận là… quá sức Đại biểu Trần Đông A (TPHCM) tán thành với việc thí điểm dùng chất Metadoll cho người nghiện của Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông A, chất thay thế này có ưu điểm không gây ra sự lây lan bệnh tật, nhưng không phải là thần dược. Việc sử dụng chất này phải kết hợp với các biện pháp khác phục hồi chức năng. Hơn nữa, về bản chất đây cũng là thuốc gây nghiện nên phải quản lý hết sức chặt chẽ để không làm tăng số người nghiện như từng xảy ra ở nước khác. Với tư cách là một cán bộ y tế, đại biểu Trần Đồng A khẩn thiết kiến nghị cho duy trì và luật hóa việc cai nghiện hai giai đoạn, đặc biệt đối với những con nghiện heroin dạng tiêm chích. Theo ông, phục hồi chức năng giai đoạn hai là cần thiết cho mọi cai nghiện bất cứ thuốc gì vì đó là mục đích của y học hiện đại. Về hình thức tổ chức cai nghiện, đại biểu Hoàng Hữu Năng cho rằng, cai nghiện tại cộng đồng chỉ áp dụng cho người tự nguyện, bởi với người không tự nguyện thì không quản nổi. Ông dẫn chứng, tại các trung tâm cai nghiện có đến 2-3 hàng rào mà người nghiện còn tìm cách trốn được. Cũng theo ông Năng, việc giao chính quyền cơ sở chủ trì tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là chưa hợp lý. Với cơ sở vật chất, con người hiện tại ở cấp xã, việc cai nghiện và nhất là hướng dẫn tạo việc làm là quá sức. Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) đề nghị hạn chế việc giao sau cai nghiện cho cơ sở vì cơ sở như một túi đựng, mọi thứ đều dồn về. Đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) ví von, 7 địa phương thí điểm triển khai NQ 16 của Quốc hội như 7 mũi giáp công, nhưng chỉ có TPHCM lao vào trận tuyến, với những tìm tòi, sáng tạo. Trong khi các tỉnh khác làm giống như kiểu ngủ dậy, đánh răng, rửa mặt, ăn sáng… rồi mới lao vào trận đánh. Ông Nhã đặt ra vấn đề kiểm điểm trách nhiệm của các địa phương này. Ông Nhã cũng đánh giá, hiệu quả đạt được tại TPHCM, nhất là việc dạy nghề vẫn còn xa mục tiêu. Chỉ có hơn 10 ngàn người có nghề, chủ yếu lại là nghề phổ thông, khó kiếm được việc trong các khu công nghiệp và với việc hành nghề tự do, dễ gây ra tái nghiện. Số người có việc làm quá ít - hơn một ngàn. “Triển khai như thế là chệch choạc, tôi cho là không thành công”, ông Nhã đánh giá tổng thể thực hiện tại 7 tỉnh. |
|