TP- Đoạn đường vào thôn Đá Bạc của xã Liên Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) ngoằn nghoèo và khúc khuỷu. Bên đường nhiều nấm mộ vẫn còn nghi ngút khói hương và những vòng hoa tang trắng.
![]() |
Bà Bạch Thị Phạn có 4 con bị HIV |
Trưởng thôn Bạch Văn Viên ngậm ngùi tâm sự:
“Ngày xưa bà con mình có ai dám nghĩ cái bệnh HIV lại về cái thôn quê nghèo nàn này đâu. Cứ nghĩ nó ở trên ti vi xa với dân bản mình lắm, chỉ những nơi ăn chơi trác táng, giầu có như thành phố mới bị “ết” thôi.
Vậy mà mới có mấy năm “ết” đã lấy đi sinh mạng của bao thanh niên trai tráng trong làng…”. Nói đến đây giọng ông nghẹn ngào.
Hoang mang trước cơn bão “ết”
Cách đây khoảng 6 năm, thôn Đá Bạc vẫn còn nghèo lắm. Phần lớn các hộ dân ở đây là người Mường, họ sống bằng nghề nông và đi làm thuê mướn khi đến mùa vụ.
Nhiều thanh niên trai tráng trong làng sớm nghỉ học, không có công ăn việc làm đâm ra thừa thãi chân tay nên khi có người ở tận trong Quảng Nam, Đà Nẵng về bản tìm kiếm nhân lực, thanh niên trai tráng ai cũng háo hức ra đi mong sớm được đổi đời.
Số tiền hậu hĩnh họ được các chủ “bưởng” hứa trả lúc bấy giờ, có làm ruộng quanh năm suốt tháng cũng không bằng.
Trước khi đi họ cũng chỉ được biết phong thanh là sẽ được đưa vào các mỏ tìm vàng của Đà Nẵng, Quảng Nam. Nhưng họ vẫn chưa biết công việc đào, đãi vàng lại vất vả và cực nhọc đến vậy.
Không có chỗ ăn ở sạch sẽ, nguồn nước ô nhiễm, sự bóc lột của các chủ bưởng ngày càng tăng… đã nhanh chóng rút cạn sức lực của các chàng trai xứ Mường.
Những cơn sốt rét ốm đau của những người đãi vàng thuê đã làm cho công việc bị ngưng trệ. Họ lần lượt được tiêm bằng một ống tiêm mà không được sát trùng.
Hơn một năm đi làm ăn xa với số tiền công ít ỏi, họ lại trở về làng bản bắt đầu cuộc sống nông nghiệp của mình trước đây. Phần lớn các chàng trai khi trở về đều đã đến tuổi trưởng thành và lập gia đình nên sau năm đó rất nhiều đôi lứa của bản đã nên duyên vợ chồng.
Sống với nhau chưa lâu mà anh Thăng - chồng chị Quyết liên tục bị ốm đau. Thương chồng, chị dành dụm ít tiền đưa anh xuống bệnh viện của tỉnh để khám và điều trị. Qua các xét nghiệm chị bàng hoàng khi biết chồng mình bị nhiễm HIV.
Ngẫm lại thời gian sống cùng nhau chị thấy anh là người hiền lành, chăm chỉ, không nghiện ngập, chơi bời linh tinh, như vậy chỉ có khoảng thời gian đi làm ăn xa ở các mỏ vàng, anh đã bị lây nhiễm mà không hay biết.
Gạt nước mắt vào trong, chị báo lại cho cơ quan chính quyền của xã biết. Cả làng xôn xao, lo sợ vì họ chỉ nghe phong thanh đây là căn bệnh thế kỷ không thuốc chữa mà lại rất dễ lây nhiễm.
Sự kỳ thị và những nỗi đau tột cùng
Qua sự vận động và tuyên truyền của xã, nhiều người từng đi làm ăn xa trong bản đã tập trung lại để xét nghiệm và nỗi đau như càng nhân lên khi có những gia đình cả ba, bốn anh em ruột đều bị nhiễm HIV.
Phó Chủ tịch xã Nguyễn Huy Túc kể lại:
“Đó là khoảng thời gian mà không người dân nào ở cái thôn Đá Bạc lại có thể quên được. Rất nhiều người nhiễm căn bệnh HIV và truyền qua vợ con mà không hay biết. Sự kỳ thị của người dân với những người này là không thể tránh khỏi.
Nhiều người đi làm mướn mà không dám vào nhà lấy tiền công, đi làm ruộng thì không dám xuống chỗ có người bị HIV vì sợ bị đỉa cắn. Đến đám ma thì bịt mồm, bịt miệng không dám ăn uống…”.
Nhà bà Phạn có bốn đứa con bị HIV thì hai người đã mất còn một con dâu cũng bị lây nhiễm qua chồng. Những đứa cháu vẫn đang tuổi hồn nhiên, ngây thơ, chẳng ai dám cho chúng đi xét nghiệm sợ niềm hy vọng cuối cùng cũng sẽ lại vụt tắt.
Hiện nay, tại thôn Đá Bạc vẫn còn 19 người bị nhiễm HIV trong đó có 6 phụ nữ bị lây nhiễm qua chồng, một trẻ sơ sinh bố mẹ đều nhiễm HIV đang được cho bú ngoài.
Theo trưởng thôn, “đây chỉ là những con số mà chính người bệnh công khai, có những người báo cáo nhưng không muốn tiết lộ rộng rãi và vẫn có những người giấu bệnh. Nếu đưa ra được một con số cụ thể chính xác hơn nữa thì hơn 70 hộ dân ở thôn Đá Bạc có thể sẽ lại trở nên hoang mang hơn”.
Và sự ra đời của CLB Cùng chia sẻ
![]() |
Các hoạt động của câu lạc bộ chia sẻ |
Được sự giúp đỡ của chính quyền và địa phương, năm 2006, câu lạc bộ Cùng chia sẻ của thôn Đá Bạc đã ra đời.
Lực lượng cán bộ nòng cốt của câu lạc bộ là chị Quyết, anh Thịnh, chị Kiều và anh Khương - đều là những người đang mang trong mình căn bệnh HIV.
CLB nhanh chóng nhận được sự giúp đỡ và tham gia nhiệt tình của dân làng. con số hội viên tham gia đã lên tới gần 60 người trong đó có cả người bị HIV và người không bị.
Họ cùng nhau chia sẻ cách phòng chống lây nhiễm trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Nhiều hoạt động vui chơi giải trí như hát karaoke, múa... hay cùng nhau xem băng đĩa tuyên truyền về AIDS… để hiểu hơn về căn bệnh mà cả làng họ đang cùng nhau chiến đấu chống lại.
Trong ngôi nhà Cùng chia sẻ đó không còn có chỗ dành cho sự kỳ thị, chỉ có tiếng cười và niềm khao khát sống mãnh liệt. Câu lạc bộ cũng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu với các hội khác trong tỉnh và đón tiếp các đoàn sinh viên tình nguyện trong và ngoài nước về giao lưu.
Lê Phương
▪ Sơn La: Số người nhiễm HIV tăng 10 lần (14/03/2008)
▪ Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Nhìn thẳng sự thật, cùng đấu tranh phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội (06/03/2008)
▪ Phát hiện gen ngăn chặn vi rút HIV tái tạo (04/03/2008)
▪ "Ngàn vàng" không trọn (28/12/2007)
▪ Khoảnh khắc hy vọng (29/11/2007)
▪ Nơi xoa dịu nỗi đau cho người bệnh (13/11/2007)
▪ HIV/AIDS về nông thôn (31/10/2007)
▪ Một học sinh tử nạn vì nhảy vào lửa cứu mẹ (30/10/2007)
▪ Anh - Đức tuyên bố hợp tác quốc tế nhằm tăng cường viện trợ phòng, chống HIV/AIDS và các dịch bệnh khác cho các nước đang phát triển. (18/10/2007)
▪ NGHỆ SĨ CHIỀU XUÂN:“HÃY CHIA SẼ, GIÚP ĐỠ VÀ ĐỒNG CẢM VỚI NHỮNG NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS" (16/10/2007)