Từ phim Đường thư : Mạnh dạn giao phim cho lớp trẻ
Các Website khác - 25/08/2005

Một cảnh trong phim "Đường thư"
Một lần nữa, Hãng phim Truyện VN lại chứng tỏ niềm tin vào những đạo diễn trẻ là điều hoàn toàn có cơ sở. Tiếp sau "Chiến dịch trái tim bên phải" của Đào Duy Phúc được dư luận đánh giá tích cực, một đạo diễn trẻ khác - Bùi Tuấn Dũng - đã thể hiện khá tốt phim Đường thư (*).

Một phim chiến tranh với kinh phí hạn hẹp, nhưng đã thể hiện được không khí trận chiến, hấp dẫn người xem. Trên nền một kịch bản kết cấu theo lối mở và có "số phận" khá long đong của nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, rút kinh nghiệm từ nhiều phim chiến tranh "đầu voi đuôi chuột" khác, Bùi Tuấn Dũng đã tạo ra một Đường thư khá nhất quán từ đầu đến cuối phim.

Bằng một cách kể chuyện dễ vào (dù không mới), nhân vật chính xưng tôi, thuật lại những ngày đầu bước vào cuộc chiến. Từ một anh lính mới toanh được đào tạo làm lính đặc công ngang tàng, nóng nảy và có chất "lính cậu"; An bất ngờ được giao nhiệm vụ của lính quân bưu và hoàn cảnh đã đẩy anh vào những thử thách khốc liệt của chiến tranh.

Trận đánh đầu đời, cái chết của những đồng đội, bị địch bắt, thoát ra được, chứng kiến sự hy sinh của Tân - người đồng đội đi cùng - có thể coi như người anh, người thầy trong cuộc chiến - An đã trưởng thành vượt bậc. "Tôi đã hiểu thế nào là nhiệm vụ của người lính và sức mạnh của những lá thư đối với người lính".

Bối cảnh phim là Khe Sanh, mùa khô năm 1967 - thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn ác liệt. Và Bùi Tuấn Dũng đã thể hiện khéo, "lên" được không khí ác liệt đó.

Bùi Tuấn Dũng tâm sự rằng đề tài quân bưu là một thách thức, anh phải mất một thời gian dài để tìm cách thể hiện. Làm phim chiến tranh, nhưng đưa nhiều yếu tố phim hành động vào - là điều mà anh muốn đạt tới.

Cảnh xúc động nhất là hình ảnh người lính đang hấp hối và đồng đội đã đọc thư của vợ anh vào những giây phút cuối cùng. Lời thoại, tiếng khóc, tạo hình của góc máy quay đã tạo ra hiệu quả cần thiết, ở đây Bùi Tuấn Dũng đã biết tiết chế cảm xúc của diễn viên... Một điều đáng tiếc nhỏ là khi máy quay lia sang các diễn viên phụ đóng vai người lính, vẻ mặt họ không biểu cảm đã làm giảm đi hiệu quả chung của cảnh phim.

Để làm dịu đi không khí nóng bỏng của trận chiến, đạo diễn đã đưa vào một số cảnh lãng mạn, nhất là cảnh hai anh lính nhìn các chị em tắm suối. Tuy nhiên, cảnh này không đắt và không gây nhiều ấn tượng. Cũng như diễn biến tâm lý của nhân vật trong một số đoạn còn "khớp" - điều mà các đạo diễn làm phim đầu tay hay mắc.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng là người biết chú ý đến những chi tiết (chiếc lá, lá thư...), nhưng nếu nhìn thật khắt khe thì rõ ràng anh chưa đẩy một chi tiết nào lên thật mạnh, để đủ sức ám ảnh dữ dội người xem.

Các diễn viên Tuấn Tú (vai An), Quốc Tuấn (vai Tân) đã đóng khá tốt vai của mình. Nhìn chung, êkíp trẻ làm phim khá năng nổ, đã tạo ra một phim có tiết tấu nhanh, hấp dẫn khán giả. Đường thư có thể coi là thành công bước đầu của Bùi Tuấn Dũng.

Theo Lao Động

_____________________

(*) Đường thư sẽ được trình chiếu trong đợt phim kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.