Tại huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ, lúa vẫn còn ứ đọng rất nhiều. Ảnh: NG.TRINH |
Trước mắt, cần thiết lập một hệ thống giá sàn thống nhất để thu mua lúa của nông dân ĐBSCL. Về lâu dài, Chính phủ cần có kế hoạch chủ động nguồn cung nhưng nên ở mức độ vừa phải để giữ giá cho nông dân
Trước tình trạng nông dân ĐBSCL trúng mùa lớn nhưng thương lái không thu mua, lúa ế, giá lúa gạo lại đang có xu hướng giảm, khiến nông dân thiệt thòi, Chính phủ vừa chỉ đạo tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân khu vực này, đồng thời bảo đảm cho người trồng lúa có lãi từ 40% trở lên. Đây là một trong những tín hiệu tốt đối với việc thu mua lúa và gạo cho nông dân.
Mức lãi tối đa: 34%
Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu phải tính toán cụ thể về chi phí đầu vào, đầu ra để đưa ra phương án thu mua thích hợp. Hiện chi phí để nông dân sản xuất ra 1 kg thóc ít nhất là 3.400 đồng. Tuy nhiên, gặp phải lúc sâu bệnh, mất mùa, nông dân phải sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, phân bón... thì giá thành sản xuất 1 kg lúa có thể đội lên đến 5.300 đồng. Hiện giá lúa tại ĐBSCL dao động từ 4.200 đồng/kg – 4.500 đồng/kg. Với mức này, dù đang chuẩn bị sản xuất vụ ba nhưng nhiều nông dân đã hoãn kế hoạch sản xuất, thậm chí một số nông dân còn khẳng định sẽ không tiếp tục làm nữa, bởi không có lời.
Một thói quen bất di bất dịch ở nông thôn là từ khi nông dân bắt đầu sử dụng phân bón vào sản xuất và trồng giống lúa cao sản từ năm 1968 tới nay, họ thường quy đổi giá 1 kg urê = 2 kg lúa. Giá 1 kg urê hiện nay là 10.000 đồng. Như vậy, giá 1 kg lúa phải là 5.000 đồng. Nếu DN nâng giá thu mua lúa lên mức trên, ở mức chi phí sản xuất 3.400 đồng/kg, nông dân sẽ được lãi khoảng 34%, vẫn chưa đạt mức 40% như chỉ đạo của Thủ tướng. Còn ở mức chi phí 5.300 đồng/kg, nông dân sẽ bị lỗ. Nếu xét trên góc độ thương trường, đầu tư ở bất kỳ lĩnh vực nào, trong đó có trồng lúa, chỉ cần có lời 25% là đã rất khả quan.
Lập các tập đoàn sản xuất lúa
Để bảo đảm lợi ích cho cả đôi bên, người trồng lúa và DN thu mua, trước mắt Chính phủ nên thiết lập một hệ thống giá sàn thống nhất. Về lâu dài, phải do quan hệ cung – cầu. Nếu nguồn cung quá nhiều, chắc chắn giá sẽ giảm và ngược lại. Vì thế, Chính phủ cần có kế hoạch chủ động nguồn cung nhưng nên ở mức độ vừa phải để giữ giá cho nông dân.
Hơn nữa, hệ thống phân phối và cơ chế thu mua lúa gạo hiện nay còn rất nhiều bất hợp lý. Hầu hết các công ty quốc doanh đều thu mua thông qua thương lái. Trong tương lai, chúng ta nên có kế hoạch tổ chức lại nông dân, thành lập những tập đoàn trồng lúa, các hợp tác xã, đơn vị sản xuất gắn với các công ty xuất khẩu lương thực. Các công ty này phải vươn ra thị trường, có quyền lấy mối, đặt hàng mà không bị lệ thuộc vào các tổng công ty lương thực.
Mặt khác, bản thân các DN xuất khẩu cũng không nên mua lúa, gạo trôi nổi trên thị trường, tránh việc mua đại trà, trộn lẫn quá nhiều loại gạo, dẫn đến không thể nào xây dựng được thương hiệu. Để làm được điều này, các DN phải tự thiết lập những vùng nguyên liệu, dựa trên việc tổ chức các tập đoàn sản xuất lúa nói trên, trồng cùng một giống lúa, theo quy trình hiện đại, tạo ra những vùng nguyên liệu lớn, chất lượng cao. Đây là cách duy nhất để tạo ra thương hiệu cho gạo xuất khẩu. Đồng thời, bảo đảm cho cả lợi ích của người trồng lúa và DN.
Cần cam kết và thiện chí của DN “Nông dân chúng tôi rất phấn khởi khi nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các DN mua lúa hè thu và bảo đảm cho người trồng lúa có lãi khoảng 40%. Mừng là vậy nhưng không biết DN có thực hiện nghiêm chỉ đạo này hay không”. Nông dân Trần Văn Hết ở Ngãi Tứ, Tam Bình (Vĩnh Long), cho biết. Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cần có những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt chỉ đạo này. Quan trọng là cam kết và thiện chí chia sẻ khó khăn của DN. Cần giám sát, kiểm tra đôn đốc để tránh tình trạng “chậm tiến độ” như vừa qua khi thực hiện hỗ trợ ngư dân đánh bắt, tiêu thụ cá tra, cá basa ở ĐBSCL. A. Dương |
▪ “Vua sáng kiến” ngành điện (09/08/2008)
▪ Trò chuyện với Chủ tịch Câu lạc bộ CEO Việt Nam (09/08/2008)
▪ Xuất khẩu lao động vào thị trường... hiếm (09/08/2008)
▪ Mặn đắng nước mắt diêm dân (06/08/2008)
▪ Nhân lực CK trong cơn "thử lửa" (06/08/2008)
▪ Vựa na trên dãy Kai Kinh (04/08/2008)
▪ “Trai gàn” mang dòng máu Robinson (02/08/2008)
▪ Lao động Việt Nam: thiếu văn hóa nghề (01/08/2008)
▪ Giao lưu trực tuyến: Thiết kế đồ họa - Nghề thời thượng (01/08/2008)
▪ Kênh truyền hình mới dành cho tuổi teen (31/07/2008)