Trò chuyện với Chủ tịch Câu lạc bộ CEO Việt Nam
Các Website khác - 09/08/2008
 

Ảnh: Cát khuê

Hẹn gặp Chủ tịch Câu lạc bộ CEO Việt Nam không dễ, lúc thì anh đang chuẩn bị họp HĐND TP.HCM, lúc anh đang ở Hà Nội và chuẩn bị bay sang Nga, có khi gọi anh không thể nghe máy vì đang chuẩn bị vào máy bay. Cuộc gặp gần nhất có được của tôi với anh Tâm là sau cái hẹn từ… Singapore. Buổi chiều, Đặng Thành Tâm bay về TP.HCM, sáng hôm sau anh dành cho tôi nguyên một buổi sáng, để xem, người từng được xếp hạng là “giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam 2007” đang nghĩ gì và làm gì?

Chúng ta mới có 5 thành phố trực thuộc T.Ư, quá ít!

Ban đầu tôi cứ nghĩ anh quê ở Bắc Ninh đấy, vì anh và khu công nghiệp Tân Tạo ở mãi tận TP.HCM, thế mà anh lại di chuyển ra Bắc Ninh để làm một khu công nghiệp kế tiếp Tân Tạo. Nguyên do gì vậy?

Khi thành công với khu công nghiệp Tân Tạo, đã có quá nhiều địa phương tìm đến tôi, mời tôi ra phía Bắc để giúp địa phương của họ có thể có những khu công nghiệp như Tân Tạo. Hồi đó, Bắc Ninh nhiệt tình nhất, thế nên mới có khu công nghiệp Bắc Ninh bây giờ. Vì ai cũng biết trước sau gì thị trường phía Trung Quốc cũng mở ra thôi, và sự thực hiện tại cho thấy phán đoán thời điểm đó là đúng.

Khu công nghiệp Bắc Ninh đã rất lớn mạnh và chắc chắn là tiền đề góp phần để không lâu nữa thôi, Bắc Ninh sẽ trở thành thành phố!

Tại sao anh lại muốn tham gia quy hoạch các khu công nghiệp ở nhiều tỉnh thành khác nhau? Và mong muốn những nơi đó phát triển hơn thực tại?

VN đang còn quá ít thành phố. Mà người dân ai cũng muốn về thành phố sống để ít nhiều con cái có cơ hội phát triển. TP.HCM là một bài học cho thấy dân nhập cư đông đến mức nào. Đến mức quá tải, mỗi năm đến 600 ngàn người nhập cư. Bao nhiêu vấn đề không giải quyết được từ vấn đề này, nào là ngập úng, nào là kẹt xe, nào là ô nhiễm môi trường… Nên tôi vẫn nghĩ phân bố vùng miền phải đồng đều, khi đó người dân không quá tập trung vào TP nữa. Thậm chí ở TP người ta còn muốn đi đến các vùng khác. Ở các nước đã phát triển, các trí thức muốn có cơ hội họ thường đến các vùng kém phát triển hơn để tìm cơ hội làm việc. Nhưng muốn điều đó ở VN ư? Phải có những điều kiện tối thiểu đã chứ? Chúng ta mới có 5 TP trực thuộc T.Ư, quá ít! Bắc Ninh đang có những cơ hội đó khi họ đang thu hút đầu tư nước ngoài nhiều, xuất khẩu 5, 6 tỉ USD mỗi năm…

Nghĩa là anh đang làm công việc tạo nền móng để sau đó dựng lên một số các thành phố tương lai ở VN?

Khi còn làm ở Tân Tạo thôi, tôi chỉ nghĩ đến việc cố gắng hoàn thành ý định ấy, công việc ấy. Nhưng trong quá trình làm việc, thấy nảy sinh bao nhiêu là bế tắc, không có khu đô thị, không có khu dân cư, người làm việc không có nhà ở. Tôi suy nghĩ mãi, và muốn đi tìm một nơi để làm một mô hình khác. TP.HCM thì không thể rồi. Lúc đó ai mà dám chắc ý muốn ấy có thành công không, nhưng làm nghề gì mà chẳng có nhiều đề tài khác nhau?

Tôi đọc ở đâu đó rằng, anh có một quá khứ rất cực khổ? Và quá khứ ấy có liên quan gì đến việc anh mê làm việc với các dự án toàn là… đất không?

Ai cũng thế thôi, đặc biệt là người VN, kỷ niệm gắn suốt cuộc đời. Tôi nói thật chứ giấu giếm làm gì, tôi sinh năm 1964 ở Hải Phòng, quê mẹ, cha là người Sài Gòn tập kết, thời kỳ miền Bắc đang bị Mỹ ném bom lần thứ nhất. Thời đó ăn còn không đủ, mùa đông thì rét mướt. Nên nếu nghèo là vô cùng khổ. Trẻ em hay người già mùa đông chết nhiều lắm. Cá còn chết nữa là người! Ba tôi ngày xưa nghèo đến mức có 1 bộ quần áo, tưới mía là phải ở truồng! Học hành là ở trong quân đội, học đêm hôm đến mức cận 18 độ, sau này đi Nga mới mổ để thay thủy tinh thể thì mắt kia lại hỏng. Thế nên cái chí hướng ấy ba tôi cứ kể đi kể lại. Đầu năm 1976, gia đình tôi chuyển vào TP.HCM. Năm 1982, tôi học ĐH Bách khoa TP.HCM. Nhưng lại rất mê ông bác ruột là thuyền trưởng, nên tôi chuyển ra Bắc học ĐH Hàng hải. Tôi vẫn nghèo, chỉ có duy nhất 1 chiếc áo bảo hộ lao động và 1 chiếc áo len. Mỗi chủ nhật giặt phơi quần áo là chui vào trong chăn nằm. Nhưng tôi đi học xong thì cũng thất nghiệp lang thang chứ chẳng được đi đâu như cái mơ ước viển vông mà ông bác thuyền trưởng vẽ ra.

Cái quá khứ ấy thúc đẩy tôi rằng, tôi sẽ phải thoát ra để con cái tôi sau này không phải khổ như ba của nó…

Một năm Làm từ thiện cả trăm tỉ mà không quảng bá thôi!

Anh làm các khu công nghiệp và tin tưởng vào tương lai sáng rỡ của nó, nhưng dường như có ai đó vẫn cho rằng, bản chất kinh tế VN là một nước thuần nông, có cố gắng đến mấy thì hiện tại định nghĩa đó vẫn chưa thể thay đổi?

Không đúng, phải nói chính xác thế này: Hiện nay dân số VN từ 80% nông nghiệp cũng chuyển xuống còn 70% rồi. Chỉ 10% chuyển sang công nghiệp, dịch vụ cũng đem lại lợi ích lớn thế nào cho VN rồi. Sự thực nhé, toàn bộ nguồn thu từ nông nghiệp không đủ để người ta tự trang trải cuộc sống đâu, đừng nói đến nộp thuế đóng góp cho đất nước. Tổng số thuế thu được của cả nước cách đây 5 năm là 1.600 tỉ nhưng bộ máy hoạt động thu thuế đã tiêu tốn mất 1.200 tỉ rồi. Chênh lệch có 400 tỉ. Bỏ thuế nông nghiệp là tất yếu. Phát triển công nghiệp mới có thể nâng GDP VN lên, xóa đói giảm nghèo và làm hạ tầng.

Và đang có dư luận về việc các khu công nghiệp mọc lên đồng nghĩa với việc nông dân cũng mất đi đáng kể diện tích đất trồng lúa của họ? Anh quan tâm không?

Tổng diện tích VN là 330.000 km2, tổng diện tích đất công nghiệp trong cả nước chỉ là 350 km2, bằng 1/1.000 và con số đó cũng chỉ có 1/3 là đất ruộng, còn lại là đất đồi, đất bỏ hoang. Bạn biết diện tích dành cho sân golf ở nước ta, một nước “thuần nông” như bạn


Ảnh do nhân vật cung cấp

Đặng Thành Tâm là  ai?

Đại biểu HĐND TP.HCM khóa VII, TGĐ Công ty cổ phần khu công nghiệp Tân Tạo; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Sài Gòn; TTK Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM; Chủ tịch Saigon Invest Group, SaigonTel, Chủ tịch của Câu lạc bộ CEO VN; thành viên Hội đồng tư vấn cao cấp chương trình hành động WTO của chính phủ, Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (tư vấn về kinh doanh cho 21 nguyên thủ quốc gia APEC và mỗi nguyên thủ quốc gia chỉ được bổ nhiệm 3 thành viên); một trong số đại diện 3 doanh nghiệp gặp và đối thoại với Tổng thống Mỹ G.Bush năm 2006. Đặng Thành Tâm có tên trong danh sách Young Generation, gồm 9.000 doanh nhân trẻ có ảnh hưởng nhất thế giới do Mỹ xếp hạng. Năm 2007, Đặng Thành Tâm được báo chí xếp hạng là người giàu nhất VN căn cứ số cổ phiếu sở hữu trên sàn chứng khoán.

vừa nói là bao nhiêu không? Trên 100.000 km2, có tỉnh hơn chục cái sân golf!

Để làm gì? Công nghiệp chiếm đến 65% tổng sản lượng kinh tế quốc dân. Đương nhiên công nghiệp ra đời cũng gắn liền với ô nhiễm môi trường, chẳng hạn. Nhưng đó là việc cần khắc phục chứ không phải là lý do không để cho công nghiệp được phát triển! Một ha làm công nghiệp đem lại lợi nhuận bằng cả ngàn ha làm nông nghiệp, và ngay ở các nước phát triển, việc bảo hộ và đầu tư cho nông nghiệp cũng bởi chính phủ các nước đó dự phòng cho an ninh lương thực quốc gia họ mà thôi.

Nhân sự nữa chứ, khi các anh lấy đất của nông dân để làm khu công nghiệp, các anh đã có lời hứa rằng sẽ tạo điều kiện cho người dân được có một nghề nghiệp khác như một trong số các điều kiện đền bù, giải tỏa. Nhưng thực tế thì không phải vậy?

Không phải, đó là chính quyền hứa, chứ không phải các doanh nghiệp hứa. Chính sách an sinh xã hội là của nhà nước, mỗi doanh nghiệp có một chức phận riêng. Chúng tôi bao giờ cũng đóng góp các quỹ cho địa phương để có thể mở trường dạy nghề hoặc tạo ra các loại hình công ăn việc làm khác.

Nói thẳng, nếu chúng tôi làm luôn việc đó thì chúng tôi lại không thể lo phát triển và kinh doanh, thu hút đầu tư với các khu công nghiệp. Xã hội đã phân công rồi, mỗi người mỗi việc. Doanh nghiệp như chúng tôi cố gắng làm tốt là nộp thuế đầy đủ, tuân thủ luật pháp. Tôi cũng chỉ nhận chừng vài chục nông dân vào khu công nghiệp của chúng tôi để làm bảo vệ hay trồng cây xanh, hoặc giãn dân bằng cách tạo điều kiện cho họ xây nhà cho công nhân thuê sau này. Nhưng cũng không thể làm hết được.

Hiện tại ở VN khoảng cách giàu nghèo đang là quá lớn. Và tại sao những người giàu như các anh lại chưa làm được những hoạt động xã hội vì cộng đồng như ở phương Tây, xây nhà dưỡng lão, tạo các quỹ giúp đỡ người nghèo?

Một năm tôi làm từ thiện cả trăm tỉ mà không quảng bá thôi, bạn ạ, bạn hỏi thì tôi mới nói. Đó là văn hóa của tôi, của doanh nghiệp tôi. Tôi đã xây bao nhiêu trường học, nhà văn hóa hay các trung tâm cho cộng đồng tại các địa phương tôi đến đầu tư, tôi có nói gì đến chuyện đó đâu. Cũng do bắt nguồn từ quá khứ tuổi thơ, nhà nghèo, mỗi lần ông bác giàu có cho gì là làng trên xóm dưới đều biết. Đến mức tôi phát ngượng, cứ bắt ba đi trả lại. Nói ít tốt hơn nói nhiều, không nói càng tốt!

Anh có thấy ở TP.HCM có rất nhiều người bán hàng rong, người lao động chân tay nghèo khổ. Tại sao?

(Cắt lời) Tôi phải nói rất rõ về thứ tự ưu tiên cho việc giúp đỡ hay hỗ trợ nhé. Bạn có biết cách thoát nghèo của một gia đình có 4 con ở nông thôn VN là gì không? Họ sẽ hỗ trợ cho một đứa được học lên đến đại học, vì họ không thể cho cả 4 đứa học lên cao mãi được, đứa học cao kia sẽ quay về giúp gia đình. Tôi cũng vậy, ưu tiên đầu tiên của việc làm công tác xã hội của chúng tôi là tham gia vào hoạt động đền ơn đáp nghĩa, là quan tâm đến trẻ em, sau đó là bà con các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn hơn vùng xuôi. Và chúng tôi cũng đã lập quỹ để làm những công việc đó.

Người dân châu Á mình thường phải “tâm phục, khẩu phục”

Trước đây anh với tư cách là một doanh nghiệp tư nhân, còn hiện tại anh ngồi trong HĐND TP.HCM, quan điểm của anh bây giờ với các chính sách xã hội ở TP này?

Tôi nghĩ đầu tiên phải ráng mà làm một người tốt, thì nói người ta mới nghe. Và ngay cả nói cũng nên nói ít đi, làm cái gì thì theo đến cùng. Chắc bạn cũng theo dõi phiên chất vấn của kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM ngày 2.7 vừa rồi, và cũng nghe có đại biểu còn “mắng” tôi là “Không hiểu ai đã bầu anh Tâm vào Hội đồng tư vấn APEC!”. Tôi nói cũng chỉ vì mục đích chung, vì nhận thấy rõ việc ô nhiễm môi trường phụ thuộc vào ý thức toàn dân chứ không chỉ nằm ở vai trò của một ông GĐ sở! Nhà nước đã mất bao nhiêu tỉ cho việc khơi kênh rạch nhưng hiệu quả có thay đổi được gì? Tôi quan tâm nhất đến vấn đề môi trường, rồi đến giao thông đô thị. Tôi cũng đã đề đạt một số giải pháp bằng văn bản, tôi muốn góp phần thiết thực nhất để thay đổi theo hướng tích cực những vấn đề quan tâm trong khả năng của tôi.

Nhưng nhiều giải pháp của chúng ta đang như cách đi vá một chiếc áo cũ mà không thể bỏ đi, không thể thay mới?

Thay mới chứ, với giao thông tôi mong muốn có đường trên không, có đường ngầm. Ngay cả chính tôi cũng sẵn lòng đầu tư, bỏ tiền vào các dự án công ích đó. Ngồi trên máy bay nhìn xuống mới thấy hết quy hoạch của TP mình. Tại sao quận 2, quận 9 đẹp như thế mà không xây dựng khi có đến cả trăm nhà đầu tư? Mọi việc phải được làm đến cùng và làm thay đổi thực sự bộ mặt của TP.

Có cảm giác cách làm việc hay đối thoại của anh luôn là sự thương lượng và mềm dẻo?

Người dân châu Á mình thường phải “tâm phục, khẩu phục” vì nếu chỉ khẩu phục mà tâm không phục người ta cũng không nghe đâu. Mà muốn tâm phục thì vừa phải thuyết phục bằng thực tế vừa phải đối thoại mềm dẻo thôi.

Doanh nhân VN khác gì với doanh nhân nước ngoài, theo anh?

Nói cái yếu kém trước nhé, doanh nhân VN giàu đến mấy cũng rất tự ti, dù họ biết tiếng Anh thì trong các cuộc giao lưu quốc tế họ cũng đứng túm tụm người Việt với nhau mà tránh

tiếp xúc với người ngoài. Networking của người Việt, doanh nhân Việt rất yếu. Bạn biết sao không? Do trình độ cả đấy, sợ nói nhiều vì càng nói nhiều càng lộ cái dốt. Nhưng ý chí của người Việt thì kinh khủng. Từ doanh nghiệp nhỏ đến lớn, ý chí quyết liệt vươn lên có thể nói: Đứng đầu thế  giới!

Với cuộc sống riêng thì sao?

Tôi sẽ nghỉ làm, chỉ sau vài năm nữa. Tôi đã làm quá sức và quá bận rộn, cuộc sống gia đình đang bị hủy hoại. Con tôi chiều nào cũng điện thoại hỏi sao ba chưa về nhà? Chiều nay còn đến 4, 5 cuộc tiếp xúc. Các doanh nghiệp nước ngoài muốn gặp trực tiếp tôi để tìm hiểu trước khi quyết định đầu tư ở VN, đầu tư vào các khu công nghiệp mà tôi đang triển khai. Nhưng cũng sẽ đến lúc dành lối đi cho những người kế nhiệm, và sử dụng thời gian cho những mối quan tâm khác.

Cảm ơn anh.

Lê Thị Thái Hòa